Chỉ vì quan niệm lợn nái đẻ toàn con đực hoặc toàn con cái sẽ mang xui xẻo đến cho dân làng mà một vị trưởng thôn đã treo cổ tự tử. Những cái chết vì chuyện không đâu khiến dân làng cho rằng “con ma bắt” từ đó sinh hoang mang, lo lắng và lũ lượt bỏ làng ra đi.
Nóc (bản) Ông Đại (thôn 2, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam nằm chót vót trên đỉnh núi. Từ trung tâm xã lên đây phải mất một giờ đi xe máy và thêm ngần ấy thời gian đi bộ. Ngoài những cánh rừng già đang cạn kiệt vì nạn phá rừng thì ở ngôi làng xa xôi này chẳng có gì khác ngoài nghèo đói và hủ tục. Giữa cánh rừng già, ngôi làng vốn yên bình quanh năm mây phủ này bỗng bao trùm một màu u ám sau cái chết của anh Xuân Ngọc Lanh (31 tuổi). Cái chết của vị trưởng thôn trẻ tuổi khiến người dân hết sức hoang mang vì họ tin rằng anh Lanh bị “con ma rừng” bắt treo cổ chết vì không chịu giết thịt con lợn nái đã từng đẻ toàn con đực.
Nóc Măng Dí 4 thuộc xã Trà Nam được đầu tư điện lưới nhưng người dân vẫn bỏ làng ra đi vì sợ con ma bắt. |
Treo cổ chết khi lợn nái qua hàng xóm lót ổ
Ngồi ủ rủ trước ngôi nhà gỗ lụp xụp, chị Hồ Thị Thủy (30 tuổi, vợ anh Lanh) cho hay, “vận xui” bắt đầu đến với nhà chị từ hơn hai năm trước. Lúc đó, con lợn nái – tài sản lớn nhất và cũng dường như là duy nhất của gia đình – sinh con. Trớ trêu thay, con lợn nái của gia đình chị lại đẻ ra cả 4 con lợn đực khỏe mạnh. Đây được xem là điềm xấu, là điều cấm kỵ đối với người Ca Dong. Họ quan niệm rằng, mỗi khi nhà nào có lợn nái đẻ ra toàn con đực hoặc toàn con cái thì gia chủ phải giết ngay lập tức, nếu không sẽ gặp nhiều rủi ro, con ma rừng sẽ không tha cho họ. Dân làng nghe tin, ai cũng đến khuyên gia đình phải giết cả đàn lợn làm lễ cúng bái để “con ma rừng” không bắt phạt gia đình và dân làng.
Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn và tiếc gia tài lớn nhất của gia đình nên sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, vợ chồng anh Lanh liều lĩnh quyết định để cả đàn lợn được sống, bỏ qua lời dị nghị của dân làng. Dù thế, vợ chồng chị Thủy luôn phải sống trong tâm trạng lo âu và luôn bị người dân xung quanh đàm tiếu. Sau thời gian này, chị Thủy và 2 đứa con liên tục bị đau ốm nên người dân càng có cớ để dị nghị. Cũng từ thời điểm này, chẳng hiểu lý do gì, anh Lanh đã 3 lần có ý định tự tử nhưng đều được mọi người phát hiện kịp thời.
Đầu tháng 11, con lợn nái của gia đình vị trưởng thôn tiếp tục đến kỳ sinh đẻ. Lần này, gia đình lại thêm một lần tá hỏa khi hàng xóm báo tin con lợn qua lót ổ để đẻ bên nhà họ. Đây cũng là một trong những điềm xấu mà người Ca Dong hết sức lo sợ. Bực tức, anh Lanh trói con lợn khiêng về nhốt trong chuồng nhưng chờ đến 5 ngày sau vẫn không thấy lợn trở dạ. Thế rồi, rạng sáng 12.11, chị Thủy thức dậy thì thấy anh Lanh đã treo cổ chết. “Có lẽ, anh Lanh tin rằng do “con ma bắt” nên lợn không chịu đẻ. Anh ấy nghĩ đằng nào rồi cũng phải chết. Dân làng lại còn xa lánh vì sợ hãi nên tối hôm đó, khi cả nhà đang ngủ thì anh Lanh lặng lẽ tháo thắt lưng ra trước hiên nhà treo cổ chết, sáng ra chúng tôi mới phát hiện”, chị Thủy ngậm ngùi.
Một người dân lớn tuổi ở thôn 2 cho hay, theo tập tục của người Ca Dong, mỗi khi nhà nào có lợn nái đẻ ra toàn con đực hoặc toàn con cái thì gia chủ phải giết ngay lập tức, nếu không sẽ gặp nhiều rủi ro, con ma rừng sẽ không tha cho họ. Ngoài ra, vốn chăn nuôi thả rong nên nhà nào có lợn đến kỳ sinh đẻ không về nhà mình mà lại qua hàng xóm lót ổ đẻ cũng được xem làm điều cấm kỵ. “Cũng không biết vì sao phải làm như vậy, từ xa xưa đã có tục này nên phải làm theo. Quan niệm truyền từ đời này qua đời khác không ai dám bỏ cả”, người dân này cho biết thêm, “từ trước đến giờ ở ngôi làng này chưa có ai dám vượt qua tục lệ này”.
Ông Hồ Văn Lợi – Phó chủ tịch UBND xã Trà Dơn – cho hay, xã đã rất nhiều lần vận động, tuyên truyền nhưng người dân không chịu nghe. “Tập tục đã ăn sâu vào máu rồi nên khó bỏ lắm. Với lại, do địa bàn cách trở quá, từ trung tâm xã đến thôn xa nhất cũng phải đi bộ mất ngày đường nên khi biết chuyện muốn vận động người dân cũng gặp nhiều khó khăn”, ông Lợi nói. Không chỉ còn những hủ tục dai dẳng như tảo hôn, nối dây, quan niệm cái chết xấu…, ở một số thôn tại xã này còn rất hài hước khi đi đặt tên họ. Mặc dù là bố con nhưng cha họ Hồ con lại họ Hoàng, anh chị em mỗi người một họ tùy ý, thấy tên ca sĩ nào thích là đặt theo…
Nóc Ông Đại – nơi còn nhiều nghèo đói và hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. |
Bỏ làng đi vì ám ảnh “cái chết xấu”
Sau “cái chết xấu” của chồng, chị Thủy và dân nóc Ông Đại dự tính vài ngày nữa sẽ dỡ ngôi nhà chuyển đến nơi ở mới. Bởi, người dân nơi đây quan niệm rằng, tự tử là “cái chết xấu”. Nếu dân làng không đi, “con ma rừng” sẽ còn quẩn quanh để bắt vạ dân làng. Trước đó không lâu, vào tháng 8.2015, 17 hộ của nóc Măng Dí 4 (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My) cũng đã bỏ làng mà đi vì bị ám ảnh. Theo người dân, liên tiếp từ đầu năm đến nay đã có 7 người tại nóc treo cổ tự tử không rõ lý do, riêng trong tháng 5 có đến 3 trường hợp. Đồng bào xem tự tử là “cái chết xấu” và họ không thể tiếp tục ở đây với lý do không để có thêm người chết, mặc cho chính quyền địa phương ra sức vận động, thuyết phục.
Lúc chúng tôi đến, người dân Măng Dí 4 vừa chuyển đến chỗ ở mới cách khu đất cũ không quá xa, nằm chênh vênh trên đỉnh núi. Những mái nứa được dựng lên tạm bợ, có nhà ở đến 3 thế hệ, bởi khi chuyển qua đây nhiều người chưa kịp dựng nhà. Làng cũ của họ – nằm đối diện với trụ sở UBND xã Trà Mai – được xem là “khu đất vàng”, khi cả điện lưới quốc gia lẫn công trình nước sinh hoạt đều đã xây dựng. Vậy nhưng, người dân vẫn quyết định bỏ làng bởi quan niệm không thể tiếp tục sống trên vùng đất dữ. Chưa bao giờ, nỗi sợ “con ma rừng” lại khiến người dân Măng Dí 4 hoang mang đến vậy. “Một tháng có đến 3 người chết, do con ma rừng hết chứ có gây gổ, tranh cãi gì đâu! Tự nhiên chết, không nói gì, nếu không phải ma rừng bắt thì làm sao chết? Dân làng ai cũng sợ, không ở chỗ cũ được nữa đâu”, ông Trần Ngọc Loan (ngụ thôn 1, nóc Măng Dí 4) nói.
Nhà ông Loan có con trai là Trần Ngọc Giang (23 tuổi) vừa treo cổ tự tử. Ngôi nhà ở làng cũ bị bỏ hoang, không ai dám đụng đến. Qua chỗ ở mới, cả 3 gia đình phải chen chúc nhau trong một căn nhà được dựng lên tạm bợ bằng nứa, bạt. Cạnh đó, ngôi nhà của chị Hồ Thị Diên được dựng lên bằng những tấm nứa ghép tạm vào nhau, mái được che tấm bạt đã sờn mục để tránh nắng mưa. Nhà của chị Diên có 2 người tự tử là chồng và cha của chị. Ngôi nhà cũ, nơi chồng chị Diên treo cổ chết không ai dám đụng tới nên khi chuyển qua chỗ mới không có gì để làm nhà.
Chị Diên kể: “Vợ chồng mình không cãi nhau gì hết, cứ đi làm rẫy bình thường thôi. Tối về, mình ngủ thì nó treo cổ. Ma rừng bắt rồi! Bố mình cũng thế, cả buổi chiều cứ bảo bố chỉ sống hết hôm nay thôi, không sống được nữa. Rồi cầm dây đi vào rừng mà thắt cổ…”. Chồng chị Diên chọn ngay chỗ dành để treo đầu các con vật săn được như heo, nai… để tự vẫn. Đó là điều tối kỵ với dân làng, bởi đó là nơi linh thiêng, không thể chạm đến. Vậy là cả làng lo sợ, họ quyết định đi và bỏ lại sau lưng những ngôi nhà khang trang, hàng đêm được điện thắp sáng tìm đến nơi tăm tối để ở.
Ông Hồ Văn Thuấn – Chủ tịch UBND xã Trà Nam – thở dài thừa nhận, chính quyền đã cố gắng hết sức nhưng cũng đành bất lực trước việc người dân bỏ làng vì “cái chết xấu”. Ông Thuấn nói: “Các cấp đã vào cuộc, tuyên truyền, vận động, thậm chí dọa sẽ bỏ mặc dân chúng nếu chuyển qua chỗ khác, vậy nhưng họ vẫn kiên quyết bỏ đi. Đành chịu, luật tục của họ vốn đã thế rồi, giờ có nói gì họ cũng không chịu nghe…”.
Rời nóc Măng Dí 4 khi mặt trời chuẩn bị khuất núi, giữa cánh rừng già dưới chân đỉnh Ngọc Linh, người dân đã dọn sẵn một mâm rượu. Xung quanh đó, cả đàn ông lẫn phụ nữ cùng tham gia cạn chén. Trong bóng tối, men rượu làm ửng hồng những khuôn má nhưng điều đó không soi sáng cho những con người nơi đây mà khiến họ càng thêm u muội. Với người dân nơi đây, dường như chỉ có men rượu mới giúp họ thoáng quên nỗi ám ảnh từ trong tiềm thức.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ đầu năm 2015 đến nay, tại huyện Nam Trà My có gần 20 người chết do tự tử không rõ nguyên nhân. “Đối với người dân nơi đây, cái chết rất nhẹ nhàng, chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ cũng có thể khiến họ tìm đến cái chết. Luật tục này vốn dĩ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của họ, muốn giải quyết không phải ngày một ngày hai”, thượng tá Huỳnh Ngọc Thành – Phó trưởng Công an huyện Nam Trà My – cho biết.
Nguồn laodong.com.vn
Trả lời