Ngang nhiên coi chồng chỉ là “bàn đạp” vào đời?
“Không phải có con trong thời kỳ hôn nhân thì điều đó đồng nghĩa với tình yêu. Vấn đề là tôi chỉ cần nhập hộ khẩu ở thành phố nên đã kết hôn giả tạo, đề nghị tòa tuyên hủy hôn…”

Trước tòa là một cô gái mang dáng vẻ nửa thành thị, nửa nông thôn nhưng hình như nét thành thị đã lấn át nét thôn dã do cách ăn mặc đúng mốt và trang điểm đúng cách, tạo sự sang trọng quý phái của một phụ nữ đô thị với lối ăn nói mạch lạc của con nhà trí thức.

Tương phản với dáng vấp quý phái của người vợ, anh chồng là một chàng trai cục mịch, ăn nói nhát gừng, vừa trả lời, vừa gãi đầu để cố rặn ra từng chữ, từng lời trước tòa.

Tôi hỏi nguyên đơn: “Vì sao chị xin ly hôn?” Cô ấy trả lời dứt khoát: “Vì tôi chỉ kết hôn giả với anh ta để có hộ khẩu tại thành phố chứ không từ sự yêu thương nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc gì cả.” “Lấy chồng chỉ để nhập hộ khẩu thành phố, chị nhằm mục đích gì để có được điều hết sức bình thường đó?” “Mục đích của tôi chỉ để vào được cơ quan nhà nước tại thành phố này mà thôi.” “Nay chị đã là cán bộ, công chức nhà nước ở thành phố này chưa?” Cô gái tự hào trả lời: “Tôi là một chuyên viên cấp thành phố.”

Tôi hỏi người chồng: “ Anh có tìm hiểu chị ấy trước khi lấy nhau không?” Sau một hồi gãi đầu gãi tai anh ta mới nói như trả lời từng chữ một: “Thưa tòa, tôi… tôi không tìm hiểu gì nhiều cả.”

“Cô ấy xin ly hôn với anh, anh có đồng ý không?” Nghe thấy vậy, anh ta hỏi ngược lại: “Nếu phải ly hôn thì tôi sẽ mất con sao?” “Tòa chưa nói tới việc giao con cho ai, tòa chỉ hỏi anh có đồng ý ly hôn với chị ấy không?” “Không, tôi vẫn yêu cô ấy!” “Nhưng chị ấy khai rằng, việc lấy anh chỉ nhằm mục đích có hộ khẩu tại thành phố chứ không hề yêu anh, anh có biết không?” “Tôi… tôi không biết điều đó, nhưng chúng tôi có con với nhau, một đứa con gái kháu khỉnh mà tôi yêu nó vô cùng.”

Anh ta cứ mãi lặp đi lặp lại trước tòa về đứa con chung mà không hề tin rằng cuộc hôn nhân của mình chỉ là một toan tính.

Bực mình vì sự khờ khạo của anh ta đến mức tội nghiệp cho một người đàn ông dại khờ, xác tín về tình yêu mà không hề biết mình chỉ là một phương tiện vào đời cho người khác chứ không hề xuất phát từ tình yêu như một mưu cầu hạnh phúc từ gia đình, tôi đành quay lại hỏi nguyên đơn: “Nếu chỉ nhằm mục đích có hộ khẩu thành phố, tại sao chị lại có con chung với anh ấy?” Cô ta điềm nhiên đến lạnh lùng: “Không phải có con trong thời kỳ hôn nhân thì điều đó đồng nghĩa với tình yêu. Vấn đề là tôi chỉ cần nhập hộ khẩu ở thành phố nên đã kết hôn giả tạo, đề nghị tòa tuyên hủy hôn nhân trái pháp luật của tôi và anh ta.” “Nếu không vì tình yêu với nhau, trong trường hợp tòa tuyên giao bé gái cho chồng chị được trực tiếp nuôi dưỡng thì chị có đồng ý không?” “Tôi đồng ý!”

Mắt anh chồng sáng lên khi nghe chính vợ mình đồng ý giao con cho mình để cô ta được thoát thân như một sự trao đổi, mất cái này, được cái kia.

Sau khi nghị án, xét thấy lý do xin ly hôn của nguyên đơn là không có căn cứ xác đáng để cho rằng đó là hôn nhân trái pháp luật theo quy định của luật Hôn nhân và gia đình, thay mặt cho Hội đồng xét xử, tôi đã tuyên bác đơn xin ly hôn của nguyên đơn.

Vài phút sau, tôi nghe anh bảo vệ kiêm việc giữ xe của tòa án kể lại: “Cái chị hồi nãy vừa xử ly hôn ra lấy xe đã điện thoại cho ai đó chỉ nói gọn một câu: “Anh yêu! Tòa bác đơn ly hôn của mình rồi, em có nên kháng cáo không?”.

Cựu thẩm phán, luật sư Phạm Công Út (Info net)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề