Tái cơ cấu cam go, ngân sách bế tắc

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu tại phiên họp QH thảo luận về kinh tế – xã hội chiều nay.

Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội của QH hôm nay, ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị chỉ ra việc không đạt được mục tiêu cuối năm nay “hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững”.

Ông cho rằng, báo cáo kết quả 3 năm (2013-2015) triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016-2020 chưa đi thẳng vào 3 nội dung trọng tâm và 3 khâu đột phá để làm rõ đạt được và chưa làm được gì.

“Đâu là những khó khăn, điểm nghẽn, nút thắt và căn nguyên của chúng là gì? Đâu là những nguy cơ tiềm ẩn, những mối đe dọa mới; cuối cùng, mục tiêu, các chỉ tiêu cần điều chỉnh lại ra sao? Gói giải pháp kèm lộ trình triển khai cụ thể thế nào cho giai đoạn 5 năm tiếp theo?” – ông đặt hàng loạt câu hỏi gửi Chính phủ.

Tái cơ cấu cam go

Về tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, ĐB cho rằng, các vấn đề then chốt như đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đổi mới quản trị doanh nghiệp… vẫn khá ngổn ngang.

Trong khi đó, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, các vấn đề nhạy cảm như xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo và xử lý nợ xấu tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn phải tiếp tục quan tâm giải quyết tận gốc.

Bản chất của vấn đề cấu trúc sở hữu và cấu trúc thị trường dường như vẫn còn nguyên đó.

Còn tái cơ cấu đầu tư công, theo ông Hà Sỹ Đồng, thành tích lớn nhất đạt được có lẽ dừng lại ở việc thiết lập 1 khuôn khổ thể chế mới cho hoạt động đầu tư công trong tương lai.

“Những hệ lụy đang tồn tại như hiệu quả đầu tư thấp, nợ đọng xây dựng cơ bản, vốn ứng trước cho những công trình dở dang nhưng chưa có nguồn… vẫn chưa khắc phục, xử lý được” – ông nêu rõ.

Và về 3 đột phá, theo ông, ngoại trừ cơ sở hạ tầng giao thông có những tiến triển nhất định, 2 vấn đề là thể chế và con người vẫn còn rất trì trệ, nan giải.

Trong khi đó, thay vì cần hoạch định lại để thực thi thành công Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đúng theo tinh thần nghị quyết TƯ 3, báo cáo đưa ra 6 lĩnh vực tái cơ cấu mới, từ nông nghiệp tới công nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển, các vùng và khu kinh tế, và doanh nghiệp, với một phần liên quan trở lại tới nội dung trọng tâm là tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.

“Điều này có lẽ phản ánh một sự thật là tiến trình tái cơ cấu đang hết sức cam go bởi đã va đập tới những vấn đề nhạy cảm nhất của thể chế.

Việc mở ra những nội dung tái cơ cấu mới dường như cho thấy sự lúng túng của nhà hoạch định chưa tìm được hướng đi vững chắc và bền vững” – ông nhấn mạnh.

Nợ đến hạn, ngân sách bế tắc

Không chỉ vậy, ĐB Hà Sỹ Đồng cũng đặt ra vai trò của Quốc hội trước thâm hụt ngân sách và áp lực nợ công ngày càng nặng nề.

Ông nhấn mạnh, sức ép đảo nợ đến hạn rất lớn trong khi nguồn huy động để cân đối ngân sách đang bế tắc.

Trong khi đó, đề xuất xin được phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để đảo nợ vay trong nước cũng đang vấp phải các quy định luật pháp hiện hành và chịu áp lực phản biện mạnh.

Ông cho rằng, giải pháp cuối cùng, mạnh mẽ nhất và khả thi nhất hiện nay là bán bớt tài sản nhà nước, thu hẹp khu vực kinh tế nhà nước để có nguồn tiền trang trải một phần nợ tới hạn.

Ông cũng lưu ý, vấn đề lớn hơn câu chuyện thâm hụt thương mại là sự thiên lệch, bất hợp lý, kém bền vững ở cả mặt hàng xuất nhập khẩu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và thị trường xuất nhập khẩu.

Việt Nam vẫn tiếp tục là một nền kinh tế gia công với năng suất lao động và giá trị gia tăng thấp, lhu vực kinh tế trong nước ngày càng nhỏ và yếu thế hơn, khu vực kinh tế tư nhân, vẩn chưa thực sự có môi trường thuận lợi để phát triển nhanh khi mà tiếp tục bị khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI chèn lấn chưa tiếp cận được các nguồn lực.

ĐB Hà Sỹ Đồng cảnh báo điểm mới của thâm hụt ngân sách hay thâm hụt thương mại diễn ra đồng thời và cùng chiều, giới chuyên môn gọi là “thâm hụt kép”.

Nghiêm trọng hơn nữa, chúng diễn ra trong bối cảnh diễn biến địa chính trị đang căng thẳng, phức tạp, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Đồng thời với đó là những biến động khó lường từ kinh tế – tài chính – tiền tệ quốc tế….

“Rõ ràng, bài học của giai đoạn bất ổn vĩ mô 2007-2011 và của những giai đoạn trước nữa, vẫn còn nguyên giá trị.

Nay ta dường như trở lại tâm thế của thời 2006, tất nhiên thay cho việc gia nhập WTO, giờ là câu chuyện TPP, AEC và nhiều FTA khác. Kịch bản “trượt theo vết xe cũ” vẫn là rất có thể lặp lại” – ông nói.

Theo Vietnamne


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề