Chính phủ: Nợ công sẽ không quá 65% GDP

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên vừa có văn bản trả lời một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm.

Trong đó có phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh tại Quốc hội về căng thẳng ngân sách.

Dưới đây là một số nội dung chính.

* Trong phiên thảo luận tại tổ vừa qua ở Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết tình hình ngân sách năm 2016 rất căng thẳng. Mặc dù theo báo cáo của Chính phủ, chi đầu tư phát triển năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015 gần 61.000 tỉ đồng, song con số thực để phân bổ hiện chỉ còn 45.000 tỉ đồng, trả nợ xong là không còn tiền để chi tiêu. Xin cho biết quan điểm của Chính phủ về thông tin này?

– Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Về thu ngân sách nhà nước (NSNN), Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến tổng thu năm 2016 là 1.014 nghìn tỉ đồng, tăng 103 nghìn tỉ đồng so với dự toán năm 2015.

Về dự toán chi đầu tư phát triển nguồn NSNN: năm 2016 là 255,75 nghìn tỉ đồng, cao hơn mức bội chi NSNN (254 nghìn tỉ đồng). Tính cả chi đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ 60 nghìn tỉ đồng; từ nguồn thu xổ số kiến thiết 26 nghìn tỉ đồng thì tổng chi đầu tư phát triển năm 2016 là 341,75 nghìn tỉ đồng, chiếm 25,1% tổng chi NSNN.

Con số mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đề cập là vốn ngân sách trung ương trong nước và chỉ là một phần trong tổng chi đầu tư phát triển nêu trên.

Ngoài ra, dự kiến còn sử dụng nguồn bán một phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đầu tư một số bệnh viện trung ương, tuyến cuối, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA và đầu tư cho chương trình chống ngập lụt tại TP.HCM.

* Lãnh đạo Chính phủ nói thoái vốn SCIC tại các doanh nghiệp nhà nước không phải vì ngân sách khó khăn nhưng lại xin bổ sung 40.000 tỉ vào ngân sách trung ương 2015 – 2016, trong khi Quốc hội yêu cầu lập danh mục rõ ràng về việc sử dụng nguồn vốn này. Xin cho biết quan điểm của Chính phủ? Đến nay đã có địa chỉ cụ thể để chi tiêu số tiền này hay chưa? Xin ông cho biết thông tin về lộ trình thoái vốn tại 10 doanh nghiệp đã xác định?

– Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Việc thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước là theo chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp, có lộ trình và bước đi cụ thể.

Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về định hướng sử dụng một phần số tiền thu được từ bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đầu tư một số bệnh viện trung ương, tuyến cuối, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA và đầu tư cho chương trình chống ngập lụt tại TP.HCM.

Phương thức thoái vốn sẽ được thực hiện theo quy định. Lộ trình thoái vốn thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương thức thoái vốn cho từng doanh nghiệp cụ thể, báo cáo Thủ tướng trước khi thực hiện nhằm đạt được lợi ích cao nhất.

Các nhà đầu tư có đủ năng lực đều có thể tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp nói trên theo giá thị trường.

*  Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, tổng nhu cầu vay của Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020 từ 3,02 – 3,09 triệu tỉ đồng. Trong đó vay bù đắp bội chi là 1,36 triệu tỉ đồng, vay về cho vay lại khoảng 280 nghìn tỉ đồng, phần còn lại để trả nợ gốc đến hạn theo quy định. Xin ông cho biết con số này đã được Chính phủ tính toán kỹ lưỡng chưa và với nguồn kinh phí này có bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2016 – 2020 cao hơn những năm trước?

– Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Căn cứ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước trong 5 năm tới, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016 – 2020 khoảng 6,5 – 7%/năm, Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng khá thận trọng trên cơ sở các phương án vay trả nợ khác nhau cho giai đoạn 2016 – 2020 và đang trình Quốc hội cho ý kiến.

Các phương án xây dựng đều bảo đảm giới hạn nợ công đã được Quốc hội thông qua, theo đó, đến năm 2020 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

* Ông Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách Quốc hội, đại biểu đoàn Lai Châu, nói “dù tỉ lệ nợ công vẫn trong giới hạn an toàn nhưng bội chi đang có xu hướng tăng dẫn đến áp lực tăng nợ công”. Xin ông cho biết lộ trình giải quyết nợ công của Chính phủ cũng như việc kiểm soát tăng bội chi?

– Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Theo định hướng kế hoạch NSNN 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, bội chi NSNN bình quân (tính theo quy định của Luật NSNN hiện hành) sẽ ở khoảng 4,9% GDP, trong khi bình quân 5 năm giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 5,4% (số tạm tính, chưa quyết toán). Như vậy, dự kiến giai đoạn 2016 – 2020 bội chi thấp hơn giai đoạn 2011 – 2015.

Để đạt được mục tiêu về bội chi NSNN như trên, Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp, chính sách về thu, chi NSNN, cụ thể:

+ Đối với thu NSNN: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, qua đó tăng thêm nguồn thu cho NSNN; hoàn thiện chính sách và hệ thống thuế góp phần bảo đảm nguồn thu.

+ Đối với chi NSNN: Đổi mới chính sách phân phối tài chính thông qua lập và thực hiện kế hoạch tài chính – NSNN trung hạn. Bố trí cho đầu tư phát triển từ NSNN ở mức hợp lý; rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ cấu lại chi NSNN trong từng lĩnh vực để dành nguồn cải cách tiền lương.

Với mức bội chi NSNN dự kiến như trên, nợ công sẽ được kiểm soát không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP.

 Trung Quốc xây hồ chứa thượng nguồn, cung cấp thông tin hạn chế

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên (người phát ngôn của Chính phủ) vừa có văn bản trả lời báo chí liên quan đến việc đầu tháng 10, trận lũ bất thường ở thượng nguồn sông Hồng khiến nhiều vùng thấp ven sông Hồng ngập lụt. Nguyên nhân được báo chí cho là do một số đập thủy điện ở Trung Quốc bất ngờ xả lũ đầu nguồn.

Về chỉ đạo của Chính phủ để giải quyết vấn đề này, người phát ngôn của Chính phủ cho biết hiện nay phía Trung Quốc đã xây dựng một số hồ chứa thượng nguồn các sông Đà, sông Thao, sông Lô, trong đó có một số hồ chứa gần khu vực biên giới.

Việc điều tiết, vận hành các hồ chứa này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước trên sông suối nước ta, đặc biệt là trên sông Hồng.

Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng của Việt Nam còn rất hạn chế, do vậy việc dự báo, cảnh báo trên các sông xuyên biên giới còn bị động, công tác chỉ đạo ứng phó của các địa phương còn khó khăn.

Sau việc xả lũ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Ngoại giao trao đổi, hợp tác với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để chia sẻ dữ liệu khí tượng, thủy văn, phục vụ công tác phòng chống thiên tai ngày càng chủ động hơn.

Hiện nay, chúng ta đang khẩn trương xây dựng 8 trạm quan trắc trên các sông suối biên giới Việt Nam – Trung Quốc, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào vận hành vào giữa năm 2016; đồng thời Chính phủ cũng đang chỉ đạo triển khai thực hiện các đề án cần thiết để tăng cường giám sát tài nguyên nước trên các sông suối xuyên biên giới.

Theo TTO


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề