Con bọ que này được đặt tên khoa học là Phryganistria heusii yentuensis. Nó trông giống cành cây khô hơn là một loài côn trùng nào đó.
Trong chuyến đi thám hiểm rừng sâu tại Việt Nam, nhóm các nhà khoa học nghiên cứu sâu bọ thuộc Viện Khoa học Tự nhiên Học viện Hoàng gia Bỉ đã phát hiện ra một con bọ que khổng lồ có chiều dài lên tới 54cm. Với chiều dài cơ thể vượt trội, nó được công nhận là con bọ que lớn thứ hai thế giới, đứng sau vị trí của con bọ que dài 56cm được tìm thấy ở đảo Borneo thuộc Đông Nam Á.
Con bọ que này được đặt tên khoa học là Phryganistria heusii yentuensis. Nó trông giống cành cây khô hơn là một loài côn trùng nào đó. Theo đo đạc, con bọ que Phryganistria heusii yentuensis có chiều dài cơ thể khi co chân lại là 32cm và 54cm khi sải chân ra.
Được biết, các nhà khoa học Bỉ đã phát hiện ra con bọ que khổng lồ tại Khu bảo tồn Tây Yên Tử, cách thủ đô Hà Nội 150km về phía Đông Bắc. Ngoài ra, họ còn phát hiện thêm 2 loài côn trùng mới. Lý do các nhà khoa học Bỉ tới Việt Nam lần này là vì họ nhận thấy bọ que vẫn là loài sinh vật bí ẩn đối với con người.
Bọ que là loài côn trùng sống chủ yếu vào ban đêm và giỏi ngụy trang thành cành cây và lá khô, thậm chí chúng còn có khả năng giả đung đưa theo gió hoặc giả chết. Đông Nam Á được cho là nơi có nhiều thể loại bọ que nhất trên hành tinh.
Theo Tri thức trẻ.
Trả lời