Hầu hết khoản nợ nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tập trung ở ngành nghề kinh doanh chính, nơi họ phải tìm kiếm nguồn vốn khổng lồ cho các dự án.
Ảnh minh họa
1. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
– Nợ nước ngoài của công ty mẹ: 162.000 tỷ đồng
Với suất đầu tư mỗi dự án điện lên đến hàng tỷ USD, việc EVN dẫn đầu trong danh sách vay nợ nước ngoài không phải điều bất ngờ. Một báo cáo của Bộ Tài chính cho hay năm 2014, Việt Nam tiếp tục đàm phán, đẩy mạnh huy động nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ, đã ký kết 41 hiệp định vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ với tổng trị giá 4,7 tỷ USD thì riêng phân bổ cho Bộ Công Thương, mà chủ yếu là các dự án năng lượng điện đã lên đến 1,85 tỷ USD, chiếm 31,6%.
Chỉ tính tiêng dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, tổng vố đầu tư đã đạt hơn 1,6 tỷ USD. (36.000 tỷ đồng), trong đó 85% là vốn vay tín dụng của Ngân hàng KEXIM, KSURE (Hàn Quốc) và Ngân hàng JBIC (Nhật Bản), tương đương hơn một tỷ USD.
Báo cáo này cũng cho biết, một khoản vay đáng kể khác của EVN năm 2014 là của BNP Paribas với hơn 108 triệu USD. Đó là chưa kể hai khoản vay của một đơn vị thành viên khác là Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia cũng lên tới 245 triệu USD từ Citibank được Chính phủ cấp bảo lãnh trong năm 2014.
2. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)
– Nợ nước ngoài của công ty mẹ: 27.347 tỷ đồng.
Phần lớn trong khoản nợ trên 1,2 tỷ USD (27.000 tỷ đồng) được hãng vay để mua sắm đội tàu bay. Riêng hai khoản vay ngân hàng HSBC France đã vượt con số 110 triệu USD. Nếu cập nhật thêm con số gần 600 triệu USD vừa được Chính phủ bảo lãnh mới đây để mua 4 máy bay Boeing 787-9, thì nợ nước ngoài của Vietnam Airlines cũng tăng lên đáng kể.
3. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam)
– Nợ nước ngoài của công ty mẹ: 20.305 tỷ đồng.
Tương tự những ông lớn khác, vốn vay nước ngoài của PetroVietnam chủ yếu phục vụ các dự án lớn của tập đoàn, trong đó có nhiều khoản vay bảo lãnh năm 2014 tại các ngân hàng, tổ chức tài chính như JBIC NEXI, KEXIM, HSBC với giá trị 85-600 triệu USD.
Một số dự án lớn sử dụng vốn vay mà Petrovietnam làm chủ đầu tư trong thời gian gần đây như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I có mức vốn 1,6 tỷ USD, vừa hoàn thành tháng 9 năm nay. 70% vốn tại công trình này là vay còn 30% từ nguồn chủ sở hữu.
Môt dự án lớn khác đang triển khai có sử dụng vốn vay tín dụng xuất khẩu mà Petrovietnam làm chủ đầu tư là nhiệt điện Thái Bình 2. Chỉ tính riêng phần vay để mua sắm thiết bị đã lên tới 795 triệu USD, bao gồm Hợp đồng tín dụng xuất khẩu (ECA) vay trực tiếp từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) trị giá 330 triệu USD; Hợp đồng vay thương mại có bảo hiểm tín dụng của KEXIM trị giá 270 triệu USD và Hợp đồng vay thương mại nước ngoài trị giá hơn 195 triệu USD.
4. Tổng công ty Đầu tư phát đường cao tốc (VEC)
– Nợ nước ngoài của công ty mẹ: 18.525 tỷ đồng.
Với đặc thù là doanh nghiệp thực hiện những dự án “khủng”, tới hàng tỷ USD do Nhà nước giao như cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi… VEC cũng phải đứng ra huy động hàng chục nghìn tỷ để đầu tư.
Đầu năm nay, một báo cáo của doanh nghiệp cho hay, chỉ tính riêng 43% số vốn đầu tư vào 5 dự án lớn, Tổng công ty đã phải huy động 54.000 tỷ đồng từ các nguồn trái phiếu công trình, vốn vay thương mại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước..
Hiện nay, một trong những vướng mắc tài chính lớn nhất với VEC là nợ trên vốn quá lớn. Vì vậy, doanh nghiệp đang đề xuất được tăng vốn điều lệ từ hơn 1.000 tỷ đồng hiện tại lên hơn 22.100 tỷ, tương ứng mức tăng 21,7 lần.
5. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)
– Nợ nước ngoài của công ty mẹ: 12.138 tỷ đồng.
Tương tự như VEC, ACV phải thực hiện các dự án lớn nhất nước về hạ tầng hàng không như nhà ga T2 Nội Bài, sân bay Phú Quốc, Cần Thơ… nên doanh nghiệp cũng phải đứng ra vay nợ.
Đáng kể nhất trong các khoản nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp là từ các tổ chức tài chính Nhật Bản. Một báo cáo hồi quý III của ACV cho biết riêng khoản nợ ODA của đơn vị này là khoảng 78 tỷ yen, tương đương gần 600 triệu USD.
Trong một báo cáo mới đây của Chính phủ, cơ quan điều hành cho hay nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty khi kết thúc năm 2014 đã vượt trên 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013. Trong số này, vốn vay của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng là 550.000 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2013.
Báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty cho biết riêng nợ nước ngoài vào khoảng 381.500 tỷ đồng. Trong đó vay lại vốn ODA của Chính phủ gần 118.000 tỷ, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 124.000 tỷ. Riêng nợ nước ngoài của các công ty mẹ là 253.450 tỷ đồng.
Nguồn xaluan.com
Trả lời