Vụ chấm dứt hợp đồng với 214 giáo viên: Bộ Nội vụ đề nghị Hà Tĩnh… rút kinh nghiệm (!)
 

Bộ Nội vụ làm việc với huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sáng 26.10. Ảnh: T.TBộ Nội vụ làm việc với huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sáng 26.10. Ảnh: T.T

Sáng 26.10, đoàn công tác của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn dẫn đầu về UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) làm việc liên quan đến 214 giáo viên (GV) bị cắt hợp đồng lao động (HĐLĐ).
Đang dôi dư mà vẫn ký thêm hợp đồngTheo ông Bùi Quang Hoàn – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh – trong thời gian từ năm 2010-2014, UBND huyện Kỳ Anh (cũ) ban hành quyết định cho các trường học trên địa bàn ký hợp đồng đối với 214 GV để làm nhiệm vụ giảng dạy trên địa bàn. Việc ký hợp đồng này, UBND huyện Kỳ Anh không tuân thủ nghiêm các quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức, thực hiện các quy định về hợp đồng chưa đúng quy định.

Sau khi chia tách huyện Kỳ Anh cũ thành thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh mới, căn cứ vào chỉ đạo của tỉnh về việc yêu cầu xử lý số GV dôi dư, hợp đồng, đầu năm học 2015-2016, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh tổ chức nhiều cuộc họp thông báo về việc chấm dứt HĐLĐ đối với hơn 200 giáo viên.

Ông Nguyễn Thiện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – thẳng thắn chỉ ra rằng nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc này là do UBND huyện Kỳ Anh cũ, bộ máy này không tuân thủ các quy định về quản lý viên chức, sử dụng HĐLĐ không đúng, có trường đang dôi dư mà vẫn ký hợp đồng.

“Có thời điểm thừa 24 GV, nhưng lại nhận hợp đồng lên 109 người. Cấp tiểu học thị xã Kỳ Anh thiếu 77 người, nhưng lại hợp đồng với 133 người. Như vậy là buông lỏng trong quản lý, thiếu sự kiểm tra, giám sát của Sở Nội vụ, ngành giáo dục, mặc dù đã có sự phân cấp” – ông Thiện nói.

Cũng theo ông Thiện, đại diện các ngành của huyện Kỳ Anh vẫn đang nói vòng vo, chưa thừa nhận đi thẳng vào vấn đề, việc này sai đến đâu sửa tới đó, thời gian sau sẽ tiến hành kiểm điểm với một sốcán bộ.

Có tố cáo phải mất tiền cho mỗi suất giáo viên

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, việc chấm dứt HĐLĐ với 214 GV có nguyên nhân khách quan là do tách huyện, do vậy chưa giải quyết được tồn đọng của tổ chức trước để lại. Về nguyên nhân chủ quan, có những cái chưa thực hiện đúng pháp luật.

Thứ trưởng dẫn chứng, mặc dù tỉnh phân cấp, nhưng từ năm 2011 tới nay huyện Kỳ Anh cũ mới chỉ tổ chức một kỳ xét tuyển GV là chưa được, một số bộ môn dôi dư nhưng vẫn ký HĐLĐ. Thực hiện HĐLĐ nhưng không ký, không đóng bảo hiểm lao động, chưa chú ý chính sách, chế độ hợp đồng với GV có hoàn cảnh khó khăn, con thương binh, chấm dứt số lượng lớn lao động nhưng chưa có kế hoạch chu đáo.

“Việc ký hợp đồng và chấm dứt là thỏa thuận của người lao động và chủ sử dụng lao động. Khi có nhu cầu thì cần, khi không có nhu cầu nữa thì chấm dứt, về mặt pháp luật là đúng. Tuy nhiên cần phải tuân thủ nội dung ký kết, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho tất cả” – Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị Hà Tĩnh rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo tổ chức tuyển dụng GV hằng năm, về lâu dài nên tăng cường thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phân cấp, ủy quyền, nên xác định việc làm và nhu cầu của từng trường học, cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng. Về việc có một số GV tố cáo nghi ngờ để có một suất đi dạy phải chi tiền, ông Tuấn nhấn mạnh phải tăng cường chống tiêu cực trong việc này.
Trước những tâm tư, nguyện vọng mong muốn có cơ hội để tiếp tục giảng dạy của 214 GV bị cắt hợp đồng, Thứ trưởng Tuấn cho biết sẽ trao đổi với tỉnh Hà Tĩnh để có định hướng, sẽ đánh giá phân loại từng trường hợp và trong kỳ thi tuyển giáo viên tới đây, sẽ cho họ đăng ký dự tuyển.
Theo Lao động

 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề