Ngày 7/12, bà Ngô Thuần Oanh, Giám đốc Công ty Cổ phần đa khoa Bệnh viện Hồng Đức, thừa nhận đang nợ lương người lao động từ tháng 10/2014 với số tiền 1,8 tỷ đồng. Trước mắt, công ty trả lương tháng 3 và tạm ứng tháng 4-5 cho người lao động với mức 1-3 triệu đồng; các tháng còn lại chỉ ai khó khăn đặc biệt mới được tạm ứng. Bác sĩ Bùi Văn Mã, Giám đốc phụ trách chuyên môn tại bệnh viện, có số tiền lương bị nợ cao nhất, tới 300 triệu đồng.
Lý giải việc này, bà Oanh cho rằng công ty đang gặp khó khăn, bị thâm hụt quỹ, thu không đủ chi, trong khi đó còn khoảng 10 tỷ đồng bệnh viện đã chi khám chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế, song chưa được BHXH Hải Phòng quyết toán, chi trả.
Mặc dù bị nợ lương hơn một năm, các y bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Hồng Đức vẫn làm việc. Ảnh:Giang Chinh |
Liên quan đến vấn đề này, bà Đặng Thị Vân Hằng, đại diện BHXH Hải Phòng khẳng định, thông tin bà Oanh đưa ra là không đúng. Hết quý IV/2014, cơ quan này đã ứng cho Bệnh viện Hồng Đức 3,025 tỷ đồng; riêng 9 tháng đầu năm 2015 đã ứng ra 4,921 tỷ đồng.
Sau khi đối chiếu với số tiền mà cơ sở này chi khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, BHXH Hải Phòng phải chi hơn 400 triệu đồng nữa. Nhưng đây lại là tiền Hồng Đức chi vượt so với định mức nên cần phải chờ ý kiến của BHXH Việt Nam, nếu đồng ý sẽ được quyết toán vào năm 2015.
Cũng theo bảo hiểm Hải Phòng, sau khi phát hiện Bệnh viện Hồng Đức không đóng bảo hiểm y tế, xã hội cho y bác sĩ và một số vụ việc lùm xùm trong khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, đầu tháng 5/2015, thành phố đã thành lập đoàn thanh tra cơ sở này. Nhà chức trách phát hiện nhiều sai phạm như: bố trí bác sĩ khám chữa bệnh không đúng chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề; kê khống danh mục xét nghiệm vào hồ sơ người bệnh khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, đưa danh sách đơn vị khám sức khỏe định kỳ vào diện hưởng bảo hiểm… nhằm rút hơn 1,1 tỷ đồng tiền bảo hiểm. Phía Công ty Hồng Đức đã thừa nhận lỗi, ký vào biên bản vi phạm.
Công ty cổ phần đa khoa Bệnh viện Hồng Đức có hơn 120 nhân viên y tế, trong đó khoảng 30 người được trả mức lương bình quân 5 triệu đồng; 40 người làm việc theo hợp đồng phần lớn là bác sĩ, y tá đã cao tuổi được trả ở mức lương từ 6 đến 25 triệu đồng/người tùy vào công việc cụ thể. Ngoài ra, còn khoảng 50 người là sinh viên mới ra trường đang trong diện học việc chỉ được nhận mức hỗ trợ 1-3 triệu đồng. 2 năm nay, công ty gặp khó nên số này không được hỗ trợ mà vẫn phải làm việc như người lao động được hưởng lương.
Nguồn vnexpress.net
Trả lời