Trong tháng 10, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trên cả nước ước đạt hơn 2,14 tỉ đô la Mỹ, nâng tổng vốn FDI cam kết từ đầu năm đến nay đạt gần 19,3 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), từ đầu năm nay đến thời điểm 20-10, Việt Nam đã cấp phép 1.657 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký đạt hơn 12,42 tỉ đô la Mỹ, tăng 26,9% về số dự án và 24,8% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời cùng thời gian này, có 667 lượt dự án đăng ký bổ sung vốn với số vốn tăng thêm đạt hơn 6,866 tỉ đô la Mỹ.
Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung trong 10 tháng đầu năm đạt gần 19,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng năm nay ước tính đạt 11,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong 10 tháng qua, theo thống kê của TCTK, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký gần 12,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 64,7% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt gần 2,62 tỉ đô la Mỹ, chiếm 13,6%, và ngành kinh doanh bất động sản đạt 2,13 tỉ đô la Mỹ, chiếm 11,1%. Các ngành còn lại đạt hơn 2 tỉ đô la Mỹ, chiếm 10,6%.
Trong số 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam trong 10 tháng qua thì Malaysia là nhà đầu tư lớn nhất với vốn cam kết là hơn 2,4 tỉ đô la Mỹ, chiếm 19,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc với 2,06 tỉ đô la Mỹ, chiếm 16,6%; Anh 1,266 tỉ đô la Mỹ, chiếm 10,2%; và Nhật Bản 1,126 tỉ đô la Mỹ, chiếm 9,1%.
Như vậy, dự báo vốn FDI đăng ký đạt 18 tỉ đô la Mỹ mà Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng đưa ra tại một hội thảo cách đây nửa năm giờ đã bị vượt qua. Ngoài ra với kết quả vốn giải ngân 11,8 tỉ đô la Mỹ trong 10 tháng đầu năm giới phân tích cho rằng mục tiêu cho vốn giải ngân trên 12 tỉ đô la Mỹ trong năm nay cũng sẽ đạt được khi kết thúc năm.
Tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khu vực này trong 10 tháng đầu năm nay cũng cho thấy tăng trưởng khá tốt so với doanh nghiệp trong nước. Cụ thể trong 10 tháng năm nay, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của nền kinh tế ước đạt 134,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 3,3%; trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,3%.
Theo TBKTSG
Trả lời