‘Vụ kiện Trần Tố Nga, cơ hội cho hàng triệu nạn nhân da cam Việt Nam’

Vụ kiện Trần Tố Nga sẽ là cơ hội đòi công lý cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, đây là lời khẳng định của luật sư Bertrand Repolt làm việc tại văn phòng của luật sư nổi tiếng William Bourdon trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo…

… Trước khi diễn ra phiên làm việc ngày 18/6 giữa thẩm phán và luật sư các bên để từng bước hoàn thiện hồ sơ vụ kiện.

Trong bộn bề công việc của một văn phòng luật sư nằm tại trung tâm thủ đô Paris của nước Pháp, luật sư William Bourdon – người bảo vệ bà Trần Tố Nga trong vụ kiện 26 công ty hóa chất Mỹ tại tòa án thành phố Evry đã không thể thu xếp được thời gian, chính vì vậy, ông đã yêu cầu trợ lý của mình là luật sư Bertrand Repolt thay ông trao đổi với phóng viên TTXVN về lý do khiến ông và các cộng sự của mình theo đuổi cuộc chiến pháp lý trong hành trình đi tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Tại sao luật sư William Bourdon và các cộng sự của mình lại quyết định bào chữa cho nạn nhân chất độc da cam Trần Tố Nga?

Bà Trần Tố Nga là nạn nhân chất độc da cam nhưng mang quốc tịch Pháp. Đây là may mắn cho tất cả các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam, bởi vì việc bà mang quốc tịch Pháp cho phép chúng tôi kiện các công ty hóa chất Mỹ ra tòa án Pháp với tham vọng là đòi một quyết định có tính pháp lý không phải chỉ cho bà Trần Tố Nga mà còn cho toàn thể các nạn nhân chất độc da cam.

Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để một tòa án của Pháp công nhận sự tồn tại của quan hệ nhân-quả giữa việc phơi nhiễm chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trước đây và các chứng bệnh mà các quân nhân Mỹ mắc phải sau này, đặc biệt là đối với người dân Việt Nam, những người đã sống tại các khu vực hứng chịu rất nhiều đợt rải chất độc da cam/dioxin.

Có thể khẳng định mối quan hệ giữa quyết định rải chất độc da cam và các căn bệnh phát sinh sau này, các dị tật được di truyền qua nhiều thế hệ là mấu chốt của vụ kiện này. Khi tham gia vào vụ kiện này, chúng tôi muốn chứng minh mối quan hệ đó và muốn một tòa án công nhận điều đó.

Khi bảo vệ quyền lợi của bà Trần Tố Nga, chúng tôi hiểu rằng đằng sau bà là hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, những người vẫn đang phải chịu đựng những căn bệnh được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cần phải tiếp tục chiến đấu để vấn đề được công nhận trước một cơ quan có thẩm quyền mặc dù đơn kiện của các nạn nhân Việt Nam đã nhiều lần bị tòa án Mỹ bác bỏ.

Trong một vụ kiện có liên quan đến các luật sư của hai hệ thống tư pháp là Pháp và Mỹ, ông có nhận thấy rất nhiều khó khăn đang đặt ra ở phía trước?

Khó khăn trước tiên nằm ở chỗ đây là một hồ sơ phức tạp do liên quan đến nhiều nước như Việt Nam, Mỹ, Pháp và hồ sơ đó lại được đưa ra trước một tòa án của Pháp. Liên quan đến thẩm quyền xét xử, chính việc bà Trần Tố Nga mang quốc tịch Pháp đã cho phép tòa án Pháp có quyền xem xét đơn kiện.

Ngoài ra, luật nước nào sẽ được chọn để áp dụng cũng là một vấn đề. Đây sẽ là vấn đề được thảo luận giữa các luật sư và các thẩm phán trong quá trình thẩm định hồ sơ. Cần xác định rõ là luật của Pháp, Việt Nam hay Mỹ sẽ được áp dụng trong quá trình xử kiện. Chúng tôi sẽ dựa vào một số quy định đồng thời chuẩn bị một số lý lẽ để đề xuất áp dụng luật của Pháp.

Chúng tôi nghĩ rằng một sai phạm đã gây tổn hại thì người có sai phạm mà ở đây chính là các công ty hóa chất của Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ, phải thực hiện trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại do mình gây ra. Chúng tôi muốn đề nghị như vậy và có những công cụ, vũ khí để bảo vệ quan điểm của mình trước tòa.

Cho đến nay, các tòa án Mỹ không thừa nhận mối quan hệ giữa chất diệt cỏ mà quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam và các căn bệnh mà nạn nhân chất độc da cam mắc phải. Ông có nghĩ rằng các bằng chứng pháp lý và khoa học của ông đủ vững để có thể buộc tội được các công ty Mỹ không?

Chúng tôi tin tưởng rằng mình có đủ bằng chứng cần thiết cả về góc độ khoa học cũng như góc độ kỹ thuật để đảm bảo thực hiện được các ý định của mình trước tòa. Chúng tôi sẽ làm hết sức để bảo vệ quan điểm của mình trước tòa. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, còn quá sớm để có thể đưa ra những lời khẳng định.

Nhưng tôi tin rằng nhất định sẽ diễn ra một cuộc tranh luận. Không hẳn là về mối quan hệ giữa việc nhiễm chất độc da cam và các căn bệnh mà các nạn nhân mắc phải sau này bởi vì điều đó đã được chứng minh, bằng chứng là chính phủ Mỹ đã phải bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ bị nhiễm và mắc các căn bệnh được công nhận là có mối liên hệ với chất da cam/dioxin.

Chính vì vậy, khó khăn không nằm ở việc xác định mối quan hệ đó. Theo tôi, nếu các nạn nhân Việt Nam đã thất bại trong các vụ kiện tại Mỹ, theo hồ sơ mà tôi được đọc, lý do liên quan đến trình tự tố tụng và căn cứ pháp lý nhiều hơn là bản chất các sự việc và bằng chứng khoa học.

Ông có tin rằng vụ kiện sẽ giúp đòi được công lý cho bà Trần Tố Nga và các nạn nhân chất độc da cam?

Không luật sư nào có thể đảm bảo chắc chắn sẽ thắng trong một vụ kiện, nhưng chúng tôi tin tưởng vào thành công vì chúng tôi có những cơ sở vững chắc. Chúng tôi sẽ đấu tranh trong khuôn khổ của vụ kiện này đồng thời trả lời một cách chắc chắn nhất, với lập luận chặt chẽ nhất có thể trước các yêu sách mà các bị đơn sẽ đưa ra, cho dù đó là khả năng chi trả án phí, các vấn đề liên quan đến chọn luật áp dụng, thẩm quyền xét xử và cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất là mối quan hệ giữa chất độc da cam và các bệnh lý phát sinh để có thể buộc tội các công ty hóa chất Mỹ, bởi vì đây là một trong những vấn đề cốt lõi của vụ kiện.

Liệu các công ty hóa chất của Mỹ có sai phạm không? Chúng tôi tin là có, bởi vì chúng tôi có trong tay một số dữ liệu cho thấy các công ty Mỹ nhận thức được mức độ nguy hiểm của sản phẩm mà họ sản xuất vào thời điểm họ cung cấp chất da cam cho quân đội Mỹ. Việc họ nhận thức được mức độ nguy hiểm khiến họ phải chịu trách nhiệm về sai phạm của mình. Tóm lại, chúng tôi có một số cơ sở, tài liệu và lập luận đủ vững để tin vào việc bà Trần Tố Nga có thể thắng kiện.

Tại các phiên làm việc ngày 16/4 vừa rồi và ngày 18/6 sắp tới, thẩm phán lần lượt mời luật sư bên bị và bên nguyên có mặt tại tòa. Các phiên làm việc đó nhằm mục đích gì ? Khi nào thì bà Trần Tố Nga và các đại diện các công ty Mỹ sẽ được mời đến tòa?

Cả hai buổi làm việc đều mang tính chất thủ tục nhằm thẩm tra hồ sơ. Tại đó, các bên nguyên đơn và bị đơn bao gồm cả pháp nhân và thể nhân, không bắt buộc phải có mặt tại tòa. Vả lại, họ cũng không được mời đến. Đôi khi, sự có mặt của luật sư cũng không cần thiết. Đây đơn giản chỉ là một ngày vào hôm đó thẩm phán xem xét lại hồ sơ vụ kiện, yêu cầu của các bên phải hoàn thành một số công việc nhằm thúc đẩy quá trình tố tụng.

Ngày 16/4 là buổi làm việc đầu tiên. Thẩm phán đã thẩm tra hồ sơ, nhận định về tính chất phức tạp của vụ án do có rất nhiều bên liên quan. Thực tế là có 26 công ty của Mỹ đã bị kiện. Cho đến nay, 18 công ty đã mời luật sư và tham gia vào quá trình tố tụng, 8 công ty khác hiện vẫn đang yên lặng.

Quay trở lại các thủ tục của phiên tòa, vấn đề chỉ là đưa ra một lịch trình cho các phiên tranh luận bởi vì một số vấn đề đã được nêu ra: liệu bà Nga có quyền khởi kiện hay không, luật nước nào sẽ được áp dụng, mối quan hệ giữa việc nhiễm và các bệnh lý phát sinh-đây là vấn đề cốt lõi, sai phạm của các công ty Mỹ và thiệt hại mà bà Trần Tố Nga đã phải gánh chịu.

Tất cả các vấn đề này cần một lịch trình để xem xét, đó cũng là lý do của buổi làm việc ngày 18/6 tới. Bà Trần Tố Nga không được mời tới tòa, nhưng văn phòng luật sư của chúng tôi sẽ có mặt để cùng lên kế hoạch với các đồng nghiệp và các thẩm phán liên quan đến việc thảo luận về hồ sơ và các vấn đề mà tôi vừa nêu ra. Các thủ tục này mang tính kỹ thuật, hành chính và pháp lý. Sự có mặt của các luật sư là cần thiết nhưng của các chủ thể thì chưa.

Như vậy, vụ kiện sẽ kéo dài nhiều năm?

Vâng, chắc chắn vụ kiện sẽ kéo dài do tính chất phức tạp của nó và số lượng đông các bên tham gia. Cần phải có đủ thời gian để trả lời các yêu cầu của các luật sư bào chữa đồng thời bảo vệ quan điểm của mình. Như tôi đã nói ở trên, 18 công ty đã thuê luật sư, như vậy sẽ có chừng đó quan điểm bào chữa của các luật sư và chừng đó lập luận mà chúng tôi phải trình bày đáp trả.

Quá trình đó sẽ kéo dài, mất khoảng 1 năm, thậm chí 1 năm rưỡi hoặc 2 năm trước khi diễn ra phiên tranh tụng để có thể đưa ra phán quyết. Nói cách khác, quá trình bào chữa và tính chất phức tạp của vấn đề đòi hỏi thời gian để vụ việc được xem xét kỹ lưỡng, để các bên có thể trao đổi các vấn đề về hồ sơ.

Phiên xét xử cuối cùng tại đó tất cả các bên liên quan đều có mặt, các luật sư bào chữa cho thân chủ của mình – phiên tòa quan trọng nhất sẽ khó có thể diễn ra trước năm 2016.

Ông đã có dịp nào đến Việt Nam và được gặp gỡ với các nạn nhân chất độc da cam chưa?

Chúng tôi, những luật sư phụ trách vụ kiện của bà Trần Tố Nga đều đã có dịp đến Hà Nội. Tại đây, chúng tôi đã gặp đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), những người đã cam kết ủng hộ chúng tôi trong vụ kiện này vì đây không phải là vụ kiện đòi quyền lợi của riêng bà Trần Tố Nga mà nó còn liên quan đến tất cả các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam.

Chúng tôi cũng đã được đi thăm một ngôi làng nằm ở ngoại thành Hà Nội, nơi chăm sóc các trẻ em bị mắc các chứng bệnh ở những mức độ khác nhau liên quan đến chất độc da cam. Những cuộc gặp cảm động đó đã thúc giục chúng tôi cần phải đưa vụ việc này ra trước tòa án Pháp.

Trong các vụ kiện tại Mỹ, các nạn nhân da cam-những người phải chịu những nỗi đau cùng cực đã không đòi được công lý. Có vẻ như lẽ phải luôn thuộc về kẻ mạnh?

Trong một vụ kiện, không thể tránh khỏi việc có người mạnh và người yếu. Vụ kiện tại Mỹ rất có ích khi nó thức tỉnh công luận Mỹ và quốc tế về một vấn đề cần được quan tâm đó là đồng thời giải quyết các hậu quả về sức khỏe con người và môi trường tại Việt Nam do các loại hóa chất đã rải xuống Việt Nam trước đây, đó cũng còn là vấn đề trách nhiệm bồi thường.

Chính vì vậy, các phiên tòa đó không phải là vô ích. Chúng ta đang được hưởng lợi do kết quả đấu tranh từ các phiên tòa đó mang lại. Điều này cho phép chúng ta ngày hôm nay trong vụ kiện tại Pháp có thể đi xa hơn trong nỗ lực nhằm đạt được quyết định công nhận của tòa. Cá nhân tôi khi tham gia vào vụ kiện này, tôi cảm thấy có nhiều động lực thúc đẩy vì tính lịch sử của vấn đề và phạm vi đề cập ở tầm quốc tế của nó.

Nhưng ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung, nhiều người chưa biết tới vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam?

Trước đây cũng như hiện nay, công tác tuyên truyền luôn được tiến hành. Vì thế khi nêu vấn đề chất độc da cam, mọi người đều biết rằng đang đề cập đến vấn đề gì, tuy nhiên, họ không có nhiều thông tin và không hiểu rõ tác hại và hậu quả mà chất độc da cam gây ra cho nhân dân Việt Nam cũng như mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Vụ kiện này sẽ là dịp để nâng cao hơn nữa hiểu biết và nhận thức của công luận về vấn đề này.

Chúng ta đang ở vào thời điểm bắt đầu của vụ kiện, vì thế dư luận chưa thực sự quan tâm nhưng tôi tin rằng khi bắt đầu các phiên xét xử và tranh tụng truyền thông bắt đầu vào cuộc, dư luận sẽ thực sự chú ý đến vấn đề này. Đây là một cuộc chiến đấu mà chúng tôi, các luật sư tại văn phòng “Bourdon & Forestier” và các nạn nhân da cam đứng trong cùng một đội ngũ.

Lan Hương (Theo Xã Luận)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề