VN 8 lần gửi công văn phản đối TQ tạo đảo trên biển Đông

Thời gian qua, Việt Nam cũng đã có 8 công hàm gửi trực tiếp đến Trung Quốc để phản ứng về việc Trung Quốc tạo đảo trên biển Đông…

Việc Trung Quốc xây dựng hai ngọn hải đăng ở quần đảo Trường Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động sai trái này. Và bằng cách công bố video quay cảnh Trung Quốc cải tạo đảo, Mỹ đang phát đi tín hiệu sẽ có lập trường cứng rắn hơn về Biển Đông và tìm cách khuyến khích những đối tác ở châu Á hành động nhiều hơn, ngăn chặn việc làm sai trái của Trung Quốc với các nước láng giềng…

Việt Nam đã gửi 8 công văn phản đối đến Trung Quốc

Liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, tại buổi họp báo Chính phủ vào chiều (27/5), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng: “Đây là chuyện hệ trọng của Quốc gia, liên quan đến mối quan hệ giữa 2 nước, 2 dân tộc Việt Nam – Trung Quốc”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đề cập chuyện tuần trước, Quốc hội trong phiên khai mạc đã có yêu cầu Chính phủ báo cáo bổ sung về việc này. Theo Bộ trưởng, dù không trực tiếp bàn việc này trong phiên họp, nhưng quan điểm nhất quán của Chính phủ vẫn được khẳng định như lần gửi công hàm chính thức tới TQ và các nước thành viên Liên Hợp Quốc để phản đối hành động vi phạm của TQ trên biển.

Bộ trưởng Nên thông tin, thời gian qua, Việt Nam cũng đã có 8 công hàm gửi trực tiếp đến Trung Quốc để phản ứng vấn đề này. Người phát ngôn bộ Ngoại giao cũng đã có khoảng 10 lần phát ngôn trực tiếp để lên tiếng phản đối. Với tinh thần đó, ông Nên khẳng định, Chính phủ đã yêu cầu cơ quan chuyên môn cập nhật, báo cáo với Quốc hội những thông tin mới nhất, những đánh giá tình hình cụ thể.

Nhắc lại nguyên tắc, mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc là quan hệ lâu đời, có nhiều vấn đề, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh, những quan điểm tương đồng giữa hai nước sẽ được tiếp tục phát huy xây dựng ngày một tốt hơn.

“Chúng ta có đầy đủ thiện chí để làm việc đó. Còn những gì bất đồng thì ta tiếp tục trao đổi trên cơ sở tôn trọng công ước Quốc tế của LHQ về luật Biển năm 1982. Nguyên tắc chung nhất là không làm thay đổi hiện trạng, không làm xấu hơn tình hình trên biển. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là đấu tranh bằng phương pháp hoà bình”, Bộ trưởng Nên bày tỏ.

Bộ trưởng cũng thông tin thêm, Việt Nam cùng với các nước ASEAN mới đây cũng ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề này. Tổng thư ký LHQ cũng ghi nhận, chia sẻ và bày tỏ quan điểm chung với Việt Nam.

Từ đó, đã tạo được sự hưởng ứng của quốc tế vì việc này không chỉ ảnh hưởng đến chủ quyền của Việt Nam mà còn tác động xấu với hoạt động vận tải hàng hải, hàng không tự do trên khu vực biển quốc tế.

Còn Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn xác nhận, Trung Quốc đang ráo riết triển khai thi công lấn biển trên tất cả các cấu trúc trái phép mà nước này chiếm đóng ở Trường Sa. Cụ thể, có 5 điểm đang được triển khai các hoạt động xây dựng lớn là các đảo, bãi đá Huy Gơ, Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Chữ Thập.

Trong đó, khu vực có hoạt động bồi lấn, xây dựng lớn nhất là đảo Chữ Thập với diện tích triển khai tới 100 ha. Các đảo Gạc Ma, Châu Viên, Huy Gơ cũng có rất nhiều công trình đồ sộ. “Tất cả các đoàn đi Trường Sa đều có thể dễ dàng phát hiện, chứng kiến những hoạt động xây dựng, các công trình lớn Trung Quốc triển khai trên biển.

Có những thời điểm, tàu của ta đi vào sát các đảo này, ở khoảng cách gần 3 hải lý có thể thấy họ xây dựng bằng san, bồi những bãi hô lớn, san lấp trên mặt bằng đó. Họ tạo luồng lạch để cho tàu đi vào. Các công trình trên đảo Huy Gơ, Gạc Ma xây dựng đến 8-9 tầng. Họ xây dựng cả đèn biển, trung tâm hướng dẫn điều hành bay trên các đảo”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn mô tả.

“Đây là một bước đi chiến lược để hiện thực hoá yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Cũng không loại trừ việc nước này muốn độc quyền kiểm soát toàn bộ vùng biển phía Nam. Việc này vi phạm nghiêm trọng tuyên bố DOC. Các nước đã lên tiếng mạnh mẽ để phản ứng những hành động này, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đã chủ động, tích cực nêu về các quyền của mình trên vùng biển chủ quyền, kịch liệt bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò, yêu cầu Trung Quốc thực hiện đúng UNCLOS”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn đề nghị báo chí tiếp tục tuyên truyền mạnh việc này cũng như thực hiện các chiến lược biển đến 2020, nêu gương các mô hình, nhân tố mới về việc làm ăn trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền.

Yêu cầu Trung Quốc dừng ngay xây dựng tại Trường Sa, Hoàng Sa

Trong cuộc họp báo thường kỳ của bộ Ngoại giao chiều 28/5, tại Hà Nội, Người Phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã thông báo về hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới và trả lời các câu hỏi của phóng viên Việt Nam và quốc tế về các vấn đề báo chí quan tâm.

Cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc xây dựng hai hải đăng ở quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động nêu trên vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 ký giữa ASEAN và Trung Quốc.

Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Trước sự kiện ngày 26/5/2015, Trung Quốc công bố sách trắng đầu tiên về chiến lược quân sự, có nội dung cố tình bảo vệ xây dựng những đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng, là một nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như là nước có vai trò quan trọng ở khu vực, Trung Quốc cần phải tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và có những đóng góp trách nhiệm cũng như xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực và trên thế giới”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết việc truyền thông Australia đưa tin, giới chức nước này quan ngại việc Trung Quốc di chuyển một số vũ khí lên đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên Biển Đông, Người Phát ngôn bộ Ngoại giao cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi sát sao hoạt động của các bên liên quan tại Biển Đông.

“Chúng ta đều biết Biển Đông là tuyến hàng hải cũng như là hành lang hàng không quốc tế hết sức quan trọng. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu cũng như mong muốn các bên liên quan duy trì hòa bình ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”, Người Phát ngôn bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Trước đó, sáng 28/5, tại phiên thảo luận về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, ĐB Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, khi quy định các bãi đá, bãi ngầm, bãi san hô vào trong luật chính là kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Như ở Trường Sa, ngoài phần đảo nổi còn có rất nhiều bãi nửa chìm, nửa nổi, bãi đá, bãi san hô.

“Quy định điều đó vào trong luật hoàn toàn phù hợp, không mâu thuẫn với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Chỉ có quy định chúng ta mới có cơ sở đấu tranh với các hành vi gây hại đến tài nguyên và môi trường biển, hải đảo thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng ta”, đại biểu Lê Việt Trường phân tích.

Cũng theo đại biểu Lê Việt Trường, nếu như trong luật quy định còn góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển của chúng ta. Cụ thể như hành vi Trung Quốc đổ hàng vạn mét khối bê tông xuống biển, căn cứ trong luật Việt Nam hoàn toàn có quyền lên án họ đang làm biến dạng môi trường biển đảo, ảnh hưởng đến tài nguyên ở đây. Căn cứ vào đó, Việt Nam còn có thể kêu gọi các nước lên tiếng phản đối để bảo vệ môi trường biển, hải đảo dễ dàng.

Vũ Văn (Theo Người Đưa Tin)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề