Việt Nam sẽ tăng cường lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình

Việt Nam sẽ sớm cử Bệnh viện dã chiến cấp 2, Đơn vị công binh và tiếp tục cử sĩ quan liên lạc… tham gia các Hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Đây là thông tin được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh về hoạt động gìn giữ hoà bình chiều 28.9 (giờ New York), dưới sự chủ trì của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon và Tổng thống Mỹ Barak Obama.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống, Thủ tướng của gần 50 nước đã tham dự và phát biểu tại hội nghị này.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Việt Nam tham dự hội nghị với tư cách là nước đã đóng góp lực lượng cho Hoạt động gìn giữ hoà bình LHQ từ năm 2014.
Chủ tịch nước cũng thông báo Việt Nam sẽ sớm cử Bệnh viện dã chiến cấp 2, Đơn vị công binh và tiếp tục cử các sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu tham gia các Hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Chủ tịch nước nhận định thế kỷ 21 đang đặt ra cho hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ những nhiệm vụ và yêu cầu ngày càng cao.
Để triển khai thành công và hiệu quả các hoạt động này, Chủ tịch nước đề nghị LHQ cần giữ vững các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trung lập, không thiên vị, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước và phải được các bên liên quan chấp thuận.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng đề nghị LHQ tiếp tục cải tiến các quy trình nhằm nâng cao khả năng triển khai và ứng phó kịp thời; đồng thời có biện pháp bảo đảm tối đa an ninh, an toàn cho các lực lượng gìn giữ hoà bình.
Tranh chấp trên biển đặt ra yêu cầu mới với quan hệ hợp tác toàn cầu
Trưa 28.9 giờ New York, Chủ tịch nước dự phiên Đối thoại Chính sách về quan hệ Việt Nam – Mỹ nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Sự kiện diễn ra tại trụ sở Hội châu Á (New York) do Hội châu Á phối hợp với Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ tổ chức. Buổi đối thoại cũng được Hội châu Á truyền trực tuyến trên mạng internet cho các thành viên của hội cũng như công chúng Mỹ và toàn thế giới theo dõi.
Bà Chủ tịch Josette Sheeran, ông Phó chủ tịch điều hành Tom Nagorski, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, Chủ tịch Viện Chính sách Hội châu Á và gần 100 quan chức, học giả và doanh nghiệp Mỹ tham gia buổi đối thoại.
Thay mặt Hội châu Á, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, Chủ tịch Viện Chính sách Hội châu Á đã phát biểu chân thành cảm ơn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành thời gian thăm và phát biểu tại hội.
Ông Kevin Rudd cho biết là một tổ chức nghiên cứu, giáo dục quốc tế hàng đầu tại Mỹ, Hội châu Á luôn quan tâm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và tăng cường quan hệ giữa lãnh đạo, các tổ chức và nhân dân châu Á, trong đó có Việt Nam với Mỹ, thông qua nhiều sáng kiến và hoạt động giao lưu nghệ thuật, kinh doanh, giáo dục và đối thoại chính sách.
Ông Kevin Rudd cũng chân thành cảm ơn lãnh đạo Việt Nam đã ủng hộ và hỗ trợ Hội châu Á làm cầu nối hữu nghị và thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ trong 20 năm qua.
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động và hợp tác liên kết vẫn là xu thế chủ đạo.
chu-tich-nuocCũng trong ngày 28.9 (giờ New York), Chủ tịch nước đã trả lời phỏng vấn của AP khi đến thăm trụ sở Hãng AP tại New York theo lời mời của Chủ tịch và Ban lãnh đạo của Hãng truyền thông này – Ảnh: Giản Thanh Sơn

Tuy nhiên, tình hình căng thẳng ở một số khu vực, chủ nghĩa khủng bố cực đoan, an ninh mạng…; vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, những toan tính đơn phương nhằm thay đổi luật lệ, thay đổi nguyên trạng ở các vùng biển có tranh chấp nhằm xác lập sự kiểm soát các vùng biển này, và các tuyến đường biển quốc tế huyết mạch đi qua, bất chấp luật pháp quốc tế, trở thành những nguy cơ hiện hữu đối với hòa bình, an ninh, và ổn định tại khu vực, đặt ra yêu cầu mới đối với quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.

Tại cuộc đối thoại, Chủ tịch nước cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của đại diện quan chức, học giả và doanh nghiệp Mỹ về triển vọng phát triển của Việt Nam, tiềm năng và cơ hội đối với Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, quan hệ Việt Nam với các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Trung Quốc, vấn đề giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dân chủ và nhân quyền…
Đề nghị Pháp tăng cường vai trò ở Biển Đông
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã có cuộc gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande. Tại cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo nhất trí đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính của quan hệ Việt – Pháp.
Theo đó, hai nước cần tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, tàu điện ngầm, hàng không và vũ trụ, năng lượng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, môi trường, phát triển “đô thị thông minh”, xây dựng hệ thống y tế hiện đại…
Chủ tịch nước đề nghị Pháp, với tư cách là nước có vai trò trụ cột ở EU, tiếp tục ủng hộ việc phát triển quan hệ Việt Nam – EU, cụ thể là sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và công nhận quy chế Kinh tế thị trường cho Việt Nam; đồng thời đề nghị Pháp nhanh chóng thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định đối tác và hợp tác Việt Nam – EU (PCA) mà hai bên đã ký kết.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Pháp Hollande nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các dự án hợp tác ba bên Việt Nam – Pháp – châu Phi. Hai vị lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương, hợp tác, hỗ trợ nhau trong các vấn đề quốc tế như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các vấn đề liên quan đến nguồn nước, biến đổi khí hậu…
Về các vấn đề khu vực mà hai bên cùng quan tâm, Chủ tịch nước hoan nghênh Pháp đã có lập trường tích cực về các vấn đề an ninh, hòa bình tại châu Á – Thái Bình Dương, ủng hộ quan điểm của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Chủ tịch nước đề nghị Pháp tiếp tục phát huy vai trò, tiếng nói quan trọng của mình để đóng góp cho việc giữ gìn hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển Liên hợp quốc 1982.

Theo TNO


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề