Việt Nam sẽ mơ làm máy bay: Hãy cứ đi từ từ

Đánh giá cao Airbus muốn lập nhà máy sản xuất linh kiện tại VN nhưng chuyên gia cho rằng, từ đó đến giấc mơ làm máy bay của VN còn rất xa.

Cơ hội

Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus mới đây đã gửi thư đến Chính phủ và Bộ GTVT Việt Nam bày tỏ mong muốn mở một trung tâm sản xuất linh kiện máy bay tại Việt Nam. Trung tâm này sẽ là đơn vị duy nhất trong khu vực Đông Nam Á chuyên sản xuất bộ dây đai an toàn điện được lắp trên dòng máy bay Airbus A320.

Hiện tại, Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp chế tạo linh kiện máy bay như MHI Aerospace Vietnam, doanh nghiệp thành viên của Mitsubishi (Nhật Bản) đang lắp ráp cửa khoang hành khách cho máy bay Boeing 777 và cánh tà cho dòng máy bay Boeing 737.

Hoan nghênh thiện chí hợp tác của Airbus đối với Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam làm quen với các sản phẩm công nghệ cao trên máy bay.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, bộ dây đai an toàn điện mà Airbus có nhu cầu sản xuất tại Việt Nam có thể là seatbelt (dây an toàn ở ghế ngồi máy bay). So với những linh kiện Việt Nam từng hợp tác sản xuất với các hãng bay trước đó, chẳng hạn như cánh tà cho dòng máy bay Boeing 737 thì cánh tà là một bộ phận của máy bay, đòi hỏi chất lượng cao cấp hơn, thuộc công nghệ cao. Còn bộ dây đai an toàn điện nói trên thuộc phần nội thất của máy bay, đòi hỏi chất lượng cao cấp hơn sản phẩm tương tự trên phương tiện khác như xe hơi.

“Từ đây, Việt Nam có thể mở rộng sản xuất các sản phẩm dây an toàn chất lượng cao tương tự cho xe hơi hay cho công nhân sửa chữa trên các tòa nhà cao ốc, sửa chữa điện cao thế… Đặc biệt, nếu Việt Nam phát triển dịch vụ sửa chữa máy bay, ngoài việc nhập khẩu phụ tùng của các nước, chúng ta có thể hướng tới sản xuất các sản phẩm nội thất máy bay từ seatbelt đến ghế, nệm…, đem lại nguồn thu cao cho nền kinh tế. Khi Việt Nam đã làm quen, tạo ra được những sản phẩm chất lượng tốt thì có thể hướng tới làm dòng sản phẩm cao cấp hơn”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống chia sẻ.

Trng khi đó, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không – Vũ trụ Việt Nam đánh giá, nếu Airbus lập nhà máy sản xuất linh kiện máy bay tại Việt Nam thì lao động Việt sẽ có thêm công ăn việc làm, Nhà nước thu được thuế. Tuy nhiên giá trị gia tăng phía Việt Nam nhận được sẽ rất ít bởi đó cũng chỉ là những việc phụ.

“Bây giờ Việt Nam tham gia vào những chuỗi giá trị lớn như máy bay Airbus, Boeing chắc chắn không thể tham vọng làm các khâu thiết kế, chế thử… bởi chúng ta chưa thể làm được, nếu bắt đầu từ những khâu nhỏ cũng rất tốt. Nhưng để phát triển công nghiệp hàng không, về lâu dài, Việt Nam phải tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng nhiều hơn, phải đi từ khâu thiết kế, chế thử… Lúc đó mẫu là mẫu của mình, bản quyền của mình, sở hữu trí tuệ của mình. Việt Nam cứ đi từ những cái nho nhỏ đi lên, như làm máy bay không người lái, máy bay cỡ nhỏ 1 người ngồi.., một ngày nào đó Việt Nam cũng có thể phát triển công nghiệp hàng không”, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương nói.

Chủ tịch Hội Hàng không – Vũ trụ Việt Nam cũng nhắc lại trường hợp của Công ty CP dịch vụ kỹ thuật hàng không AESC hiện đang sản xuất các chi tiết nội thất máy bay như ghế máy bay, rèm cửa… Ông đánh giá cao hướng đi của doanh nghiệp này: dựa trên mẫu có sẵn, họ tự chế tạo theo công nghệ của mình và đạt được các chỉ tiêu của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng như hãng bay, giá trị gia tăng mang lại cũng cao hơn.

“Khó nhất là chúng ta tự thiết kế chế tạo, sử dụng chính công nghệ của mình, tự làm và cuối cùng đạt tiêu chuẩn an toàn bay của ICAO. Thế nhưng để làm được như thế thì vẫn còn xa lắm”.

Mơ làm máy bay thì cứ mơ

Từ việc nhiều hãng bay lớn của thế giới đã và đang lập nhà máy lắp ráp linh kiện tại Việt Nam, có ý kiến cho rằng Việt Nam đã có thể mơ về giấc mơ làm máy bay. Tuy nhiên, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương cho rằng giấc mơ ấy “hơi lạc quan quá” bởi từ chỗ chế tạo ra nội thất máy bay hay các bộ phận khác trên máy bay đến chỗ tự chế tạo ra máy bay mang thương hiệu Việt Nam thì còn rất xa.

Trí Lê (Theo Đất Việt)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề