Vì sao quan hệ Hoa Kỳ – Cuba nồng ấm lên?

Ngoài đôi cái bắt tay vội vàng, đã chẳng có một cuộc tiếp xúc thực sự nào giữa một tổng thống đương nhiệm của Mỹ với các nhà lãnh đạo Cuba trong hơn nửa thế kỷ qua. Vì vậy cuộc họp được dự kiến giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama City vào các ngày 10-11 tháng 4 được xem là một sự kiện lịch sử, đặc biệt là nếu hai bên trao đổi những điều có ý nghĩa.

Với cả hai ông, sự xích lại gần nhau này là một canh bạc. Các ứng cử viên tổng thống tiềm năng của đảng Cộng hòa hẳn sẽ chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận hồi tháng 12 của ông Obama với ông Castro về “bình thường hóa” quan hệ ngoại giao, cùng nỗ lực của ông Obama nhằm gở bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài 54 năm. Fidel Castro, vị cựu lãnh đạo Cuba, cũng có vẻ không hài lòng với chính sách của ông em Raul của mình. Hơn nữa, ba vòng đàm phán ngoại giao giữa hai nước kể từ tháng 12 vẫn chưa vượt qua được nhiều thập kỷ mất lòng tin. Vì sao hai nhà lãnh đạo lại mong muốn chôn vùi những bất đồng đến vậy?

Đối với ông Obama, các lý do là rõ ràng. Nỗ lực lâu dài trong việc cô lập Cuba của Mỹ cả về thương mại lẫn ngoại giao đã thất bại hoàn toàn. Nó thất bại trong việc lật đổ nhà Castro, hạ gục người Cuba, song lại thổi bùng tình cảm chống Mỹ ở phần còn lại của châu Mỹ Latinh. Những người nhất mực đòi quay lại cấm vận thương mại chính là những người Mỹ gốc Cuba cùng thế hệ với anh em nhà Castro mà nay đã trở thành một nhóm thiểu số bất mãn. Các cuộc thăm dò ý kiến ​​cho thấy người Mỹ gốc Cuba dưới 65 tuổi không chỉ ủng hộ các nỗ lực cải thiện quan hệ của ông Obama, mà còn muốn chấm dứt lệnh cấm vận. Điều này cho thấy rằng việc tổng thống Obama chìa tay ra với Cuba phần nào đó có thể là cách đáp đền số đảng viên Dân chủ trẻ gốc Hispanic (người Mỹ Latinh gốc Tây Ban Nha nhập cư – ND) đã giúp đưa ông lên nắm quyền. Nó cũng cải thiện hình ảnh của Mỹ trên khắp Mỹ Latinh. Điều này giúp chính quyền Obama lấy lại ảnh hưởng đã bị mất vào tay vị cố tổng thống Hugo Chávez trước khi ông qua đời và để lại nền một kinh tế Venezuela xã hội chủ nghĩa suy sụp, không đủ sức cung ứng tài chính cho cái gọi là cuộc Cách mạng Bolivar lan ra khắp các phần khác của bán cầu này.

Có thể không phải là ngẫu nhiên khi các cuộc đàm phán bí mật giữa Cuba và Mỹ đã bắt đầu ngay sau cái chết của ông Chavez hồi năm 2013, bởi đó là cách giải thích tốt nhất cho việc ông Castro chớp thời cơ hòa hoãn: ông cần một nhà hảo tâm mới. Sau khi giá dầu giảm, các lô dầu được trợ giá của Venezuela tới Cuba cũng đã tụt giảm, có nghĩa là hòn đảo này cần có nhiều ngoại tệ mạnh hơn: và các du khách Mỹ nay có khả năng du lịch đến Cuba tự do hơn nhờ các chính sách của ông Obama sẽ là nguồn triển vọng nhất. Ông Castro cũng cần một sự khích lệ dành cho dân mình, những người đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế èo uột bất chấp các cải cách mà ông đề ra để cho phép thành lập một vài doanh nghiệp tư nhân từ khi ông chính thức nhận quyền từ anh trai mình hồi năm 2008. Trong một biểu hiện của sự lạc quan gia tăng, số cờ Mỹ treo bên ngoài nhà người dân Cuba đang tăng kể từ tháng 12. Có giai thoại là một số cặp vợ chồng Cuba đã ngừng sử dụng bao cao su vì nay họ cảm thấy đủ tự tin để có con.

Tuy vậy, xét cho cùng cũng có cái khó cho ông Castro. Viêc tan băng với nước Mỹ làm tăng kỳ vọng trong dân chúng Cuba. Điều này sẽ khó lòng đáp ứng trừ phi ông nới lỏng hệ thống chỉ huy và kiểm soát mà chế độ đã xây nên. Các doanh nghiệp Mỹ như Airbnb (mạng đặt chỗ lưu trú); Netflix (nhà cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến); và IDT International, một công ty điện thoại di động, đã vận dụng các luật lệ mới để khởi động các thương vụ ở Cuba và vượt lên sự độc quyền nhà nước ở đây. Ông Obama đã khéo léo tìm cách lập nên những quy định mới để hỗ trợ 400.000 việc làm trong các nhà hàng nhỏ, nhà nghỉ và các công ty dịch vụ khác được thành lập bởi các cá thể tư nhân ở Cuba.

Cảnh giác với tác động của tự do hóa kinh tế đối với chế độ của mình, ông Castro trước tiên đang tập trung vào các vấn đề ngoại giao, như Cuba mong muốn được loại ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố của Mỹ trước khi hai nước mở lại Đại sứ quán. Tuy nhiên, khi việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận cuối cùng cũng diễn ra, có thể ông sẽ âm thầm lo lắng là làn sóng thương mại và đầu tư diễn ra sau đó sẽ loại ông và bộ sậu cầm quyền của mình ra khỏi quyền lực vĩnh viễn.

Trí Lê (Theo Nghiên cứu Quốc tế)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề