Vết thương của Nga sau hai tháng tham chiến ở Syria

Sau hơn hai tháng phát động chiến dịch không kích chống IS, kết quả thu về của Nga không đạt được những gì mà các tướng lĩnh nước này kỳ vọng.

 

Khi Nga quyết định can thiệp quân sự ở Syria hôm 30/9, Daniel W.Drezner, giáo sư chuyên ngành chính trị quốc tế ở trường Luật và Ngoại giao thuộc Đại học Tuffs đã viết rằng “Những nước lớn luôn tỏ ra mình mạnh nhất khi họ mở rộng hoạt động trong một khu vực. Nhưng những gì xảy ra sau đó mới là vấn đề”.

Theo giới phân tích, những vấn đề trong chiến dịch can thiệp của Nga đang ngày càng lộ rõ, và quốc gia này có thể sẽ sa lầy vào một cuộc chiến dài hơi trong lần đầu tiên điều quân ra xa lãnh thổ của mình đến vậy.

Giáo sư Drezner cho rằng sau hai tháng không kích, những kết quả mà Nga đạt được ở Syria không mấy khả quan. Dù không quân Nga đã thực hiện hàng nghìn lượt xuất kích để yểm trợ hỏa lực, quân đội Syria không giành thêm được bất kỳ vùng lãnh thổ đáng kể nào trong các chiến dịch phản công.

Trong khi đó, cái giá mà Nga phải trả cho chiến dịch quân sự này là không hề nhỏ. Một máy bay hàng không dân dụng Nga bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đặt bom nổ tung trên bầu trời Ai Cập. Một chiếc Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ khiến quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ xuống cấp nghiêm trọng, và một trực thăng bị bắn cháy khi đang cố gắng tìm kiếm phi công Nga, khiến hai quân nhân Nga thiệt mạng.

Trong bài bình luận đăng trên Bloomberg, cây bút Henry Meyer cho rằng ngay từ đầu, các quan chức Nga có thể đã không lường trước được nguy cơ bị sa lầy ở Syria.

“Khi chiến dịch mới bắt đầu, nhiều quan chức cấp cao ở Moscow nói rằng hoạt động hỗ trợ tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ kéo dài chỉ vài tháng. Giờ đây không còn ai nhắc đến con số đó nữa, thậm chí có người đang hy vọng chiến dịch sẽ không kéo dài vài năm”, Meyer viết.

Theo lời một quan chức giấu tên, Nga ban đầu dự chi khoản ngân sách 1,2 tỷ USD cho cuộc chiến ở Syria trong năm 2016, tương đương 4 triệu USD mỗi ngày. Nhưng khi Tổng thống Putin quyết định tăng quân số và khí tài quân sự hồi giữa tháng 11, chi phí quân sự tăng gấp đôi lên 8 triệu USD/ngày, tức khoảng 3 tỷ USD/năm, theo tính toán của Viện Các lực lượng vũ trang Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), một tổ chức nghiên cứu quân sự ở London.

Anton Lavrov, một chuyên gia phân tích quân sự người Nga cho rằng, khi quân đội Syria dưới sự yểm trợ hỏa lực của Nga giành được một số thắng lợi như phá thế bao vây của IS suốt hai năm qua ở một căn cứ không quân chiến lược gần thành phố Aleppo, cũng là lúc Tổng thống Putin bắt đầu nhận ra rằng không thể đánh bại IS nếu chỉ không kích chúng.

Thay đổi chiến lược

Michael Crowley, chuyên gia chính sách đối ngoại kỳ cựu của tờ Politico cho rằng Nga sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng ở Syria bằng biện pháp quân sự, mà phải trông cậy nhiều hơn vào một giải pháp ngoại giao.

Theo các nguồn tin phương Tây, có nhiều dấu hiệu cho thấy Iran đã phải rút bớt hơn một nửa quân số tham chiến ở Syria về nước sau khi hứng chịu nhiều thương vong, trong đó có cả các tướng lĩnh cấp cao của Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), và có thể là do bất đồng về chiến lược với Nga.

Reuters hôm 11/12 đưa tin Tổng thống Putin nói rằng Nga sẽ yểm trợ hỏa lực trên không cho lực lượng nổi dậy Quân đội Syria Tự do (FSA) trong các chiến dịch tấn công phiến quân IS. Đây là lần đầu tiên Nga thể hiện sự ủng hộ các đối thủ của Tổng thống Assad trong cuộc chiến chống IS, thể hiện sự thay đổi đáng kể về lập trường của Moscow ở Syria.

Trước đây, Nga coi các phần tử đối lập ở Syria là “khủng bố”, trong đó có các nhóm vũ trang thuộc FSA. Chính quyền của ông Assad lại luôn phản đối việc đàm phán với FSA hay bất cứ tổ chức vũ trang nào khác ở Syria, khiến Nga có thể lâm vào tình thế mắc kẹt giữa một bên là chính quyền Damascus, một bên là phe nổi dậy FSA.

Trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Moscow để gặp Tổng thống Putin. Theo giới phân tích, do hoạt động can thiệp quân sự ở Syria tiến triển chậm hơn so với kỳ vọng nên nhiều khả năng ông Putin sẽ sẵn sàng hợp tác với phía Mỹ để tìm ra giải pháp cho cuộc chiến.

vet-thuong-cua-nga-sau-hai-thang-tham-chien-o-syria-1

Ngoại trưởng Mỹ Kerry trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin hồi tháng 5/2015. Ảnh: APTN

Giáo sư Drezner không tin là chính quyền Obama có thể thuyết phục Nga đạt được một giải pháp chính trị mang tính xây dựng trong lúc Moscow đang thất vọng với kết quả đạt được trên chiến trường ở Syria.

Để thực hiện được điều này, Nga cần có sự hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, nước bị tố là hỗ trợ rất lớn cho các nhóm phiến quân ở Syria. Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang vô cùng căng thẳng sau vụ Su-24 bị bắn rơi, khả năng hợp tác chống IS giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là gần như không thể.

Giới phân tích cho rằng khi yêu cầu đưa lực lượng quân sự vào một quốc gia nào đó, lãnh đạo các cường quốc cần phải trả lời được câu hỏi can thiệp ở quy mô lớn đến đâu mới có thể cải thiện được tình hình. “Những gì mà Nga đang đối mặt ở Syria cho thấy một nước dù lớn đến đâu khi can thiệp vào các cuộc nội chiến ở Trung Đông đều có thể phải hứng chịu nguy cơ sa lầy rất lớn”, ông Drezner nhấn mạnh.

Nguồn vnexpress.net


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề