Về vụ máy bay quân sự Trung Quốc bỏ trốn sang Liên Xô

Tường thuật của sĩ quan trực ban

Chiều ngày 25/8/1990, khi tôi đang trực tại Ban Chính trị bộ đội không quân quân khu Đông Bắc thì bỗng nhận được thông báo điện thoại của Sở Chỉ huy cho biết một chiếc máy bay J-6 của đội bay thuộc trung đoàn không quân tỉnh Hắc Long Giang mất tích không lâu sau khi cất cánh vào lúc khoảng 12 giờ trưa. Người lái máy bay là Vương Bảo Ngọc (Wang Baoyu). Qua rà soát trên bầu trời chưa phát hiện bất cứ dấu vết nào, dù là máy bay hay phi công đều không biết kết cục ra sao, hiện đang mở rộng phạm vi tìm kiếm. Đề nghị các đại đội không quân chú ý hướng phát triển của vụ mất tích này, có tin gì lập tức báo ngay lên cấp trên.

Lúc ấy tôi đoán khả năng lớn nhất là xảy ra tai nạn máy bay, bởi lẽ hôm ấy đội bay này tiến hành tập bay tầm thấp kỹ thuật đặc biệt, là một bài tập khó và độ rủi ro lớn, cũng hay xảy ra trục trặc, nếu không cẩn thận có thể xảy ra tai nạn.

Khi tôi báo cáo lại tin nói trên cho thủ trưởng Ban Chính trị, phản ứng đầu tiên của thủ trưởng là e rằng tuyến phòng thủ trên bầu trời có vấn đề gì đó; ông đề nghị tôi lập tức báo cho Phòng Bảo vệ nắm chắc tình hình tuyến phòng thủ, đồng thời xem xét lại hồ sơ lý lịch phi công và làm tốt việc chuẩn bị ứng phó.

An toàn tuyến phòng thủ bầu trời là vấn đề rất nhạy cảm, chẳng ai muốn động chạm nhưng lại không thể né tránh. Giả thiết phi công lái máy bay bỏ trốn có vẻ không hợp lý, vì hiện nay các quốc gia xung quanh Trung Quốc đều không có điều kiện để phi công làm việc này. Quốc gia gần Trung Quốc nhất có Triều Tiên và Hàn Quốc. Triều Tiên là nước bạn hữu hảo, dù trốn sang đấy thì cũng có thể dẫn độ về Trung Quốc. Hàn Quốc hồi ấy tuy chưa lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nhưng cũng đang xúc tiến việc này. Trước đây từng xảy ra chuyện người Trung Quốc vượt biển trốn sang Hàn Quốc, sau khi hai bên bàn bạc cuối cùng cũng giải quyết ổn thỏa. Như vậy con đường trốn sang Hàn Quốc coi như đã bị bịt kín. Còn nói tới chuyện trốn sang Đài Loan thì máy bay J-6 không đủ lượng xăng để bay xa thế.

Như vậy hướng cuối cùng là Liên Xô, nước ở phía Bắc Trung Quốc. Nhưng từ tháng 5/1989, sau khi Tổng Bí thứ đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev thăm Bắc Kinh, Trung Quốc và Liên Xô đã thực hiện bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ai có chút đầu óc chính trị đều hiểu rằng Liên Xô chẳng dại gì coi việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao rất khó khăn ấy là trò trẻ con, đánh đồng giá trị một phi công bình thường ngang với lợi ích quốc gia mình. Bởi vậy phần lớn mọi người trong cơ quan tôi đều cho rằng khả năng Vương Bảo Ngọc bỏ trốn là rất thấp, chỉ có thể xảy ra tai nạn gì đó thôi.

Thế nhưng sự việc “không thể” ấy lại đã xảy ra. Ngay tối hôm đó, Thông tấn xã TASS phát đi bản tin nói vào 12 giờ 45 phút chiều hôm nay, một chiếc máy bay quân sự Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay quân sự Knevchev ở gần Vladivostok, phi công yêu cầu được sang Mỹ tị nạn chính trị.

Lúc bấy giờ chúng tôi mới ngã người xác nhận việc Vương Bảo Ngọc bỏ trốn là sự thực. Cơ quan Không quân Quân khu lập tức khởi động dự án đối phó tình hình khẩn cấp. Một mặt báo cáo ngay lên cấp trên sự kiện chính trị nghiêm trọng này; một mặt Không quân Quân khu thành lập Nhóm công tác tới ngay đơn vị có Vương Bảo Ngọc để điều tra giải quyết vấn đề.

Một vụ “hạ cánh trên Quảng trường Đỏ” nữa chăng?

Sau khi xảy ra vụ đào tẩu nói trên, mọi người bất giác nghĩ ngay tới sự kiện máy bay nước ngoài hạ cánh trên Quảng trường Đỏ ở Moskva ngày 28/5/1987.

Tối hôm ấy một thanh niên Tây Đức mới 19 tuổi tên là Mathias Rust lái chiếc máy bay thể thao hạng nhẹ kiểu Cessna 172B Skyhawk vượt qua hệ thống phòng không của Liên Xô được coi là tốt nhất thế giới, hạ cánh như một trò đùa ngay trên Quảng trường Đỏ, làm cho chính quyền Liên Xô sửng sốt, lúng túng và tức giận.

Theo đánh giá của Mỹ, Liên Xô hồi ấy có 14 nghìn bệ phóng tên lửa phòng không, 10 nghìn giàn ra-đa phòng không và 2.100 máy bay tiêm kích sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào. Đặc biệt hệ thống phòng không xung quanh thủ đô Moskva lại càng kín kẽ hơn bất cứ ở đâu, một giọt nước cũng không thể lọt vào đây, có thể ngăn chặn được mọi vụ tấn công hạt nhân.

Tháng 5/1960 một chiếc máy bay trinh sát trên cao kiểu U-2 của Mỹ khi bay vào bầu trời Liên Xô từng bị tên lửa Liên Xô bắn hạ. Tháng 8/1983 một máy bay hàng không dân dụng Hàn Quốc kiểu Boeing-747 bay chệch đường vào không phận Liên Xô liền bị máy bay chiến đấu Liên Xô phóng tên lửa bắn rơi.

Thế mà lần này một tay lái máy bay không chuyên mới có lý lịch 40 giờ bay lại dễ dàng chọc thủng lưới phòng không chặt chẽ nhất thế giới của Liên Xô bình yên vô sự hạ cánh giữa trái tim thủ đô Liên Xô – điều đó không thể không làm các nhà lãnh đạo Liên Xô toát mồ hôi. Một nhà bình luận quân sự phương Tây nói: “Chưa từng có sự việc nào làm cho chính quyền Liên Xô bẽ mặt như vụ máy bay hạ cánh tại Quảng trường Đỏ này.”

Ngày 30/5, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Liên Xô họp khẩn cấp, ra quyết nghị cách chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh lực lượng phòng không không quân Liên Xô Aleksandr Koldunov; Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên soái Sergey Sokolov 75 tuổi cũng bị cho về hưu. Từ sau Thế chiến II, những quyết định như vậy cực kỳ hiếm khi xảy ra tại Liên Xô. Sau đó khoảng hơn 300 sĩ quan bộ đội phòng không bị bãi chức; một số người còn bị bắt giam.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Liên Xô nói Mathias Rust đã xâm phạm bầu trời Liên Xô và do đó bị bắt giam để xét xử. Hôm sau Giám đốc Hãng Thông tấn TASS nói sự kiện Quảng trường Đỏ không ảnh hưởng tới mối quan hệ Liên Xô với CHLB Đức, và nói: “Nên cảm ơn Mathias Rust đã nhắc nhở chúng tôi chú ý tới các lỗ hổng trong hệ thống phòng không”.

Lần này phi công Trung Quốc Vương Bảo Ngọc lái máy bay trốn sang Liên Xô chắc hẳn sẽ làm thế giới ngạc nhiên.

Hôm 25/8/1990, Vương Bảo Ngọc lái máy bay cất cánh bình thường, tiến hành tập bay kỹ xảo ở độ cao thấp. Sau khi tới tọa độ quy định, anh ta ngoặt sang bên phải, bay với độ cao 100 mét được một thời gian thì vượt biên giới. Thoạt tiên Vương định bay thẳng tới sân bay Ugrov của Liên Xô nhưng khi đến nơi mới phát hiện sân bay đang sửa chữa nên không thể hạ cánh. Vương bay tiếp đến sân bay quân sự Knevchev. Do bay cực thấp nên rất tốn xăng, khi đến sân bay này thì thấy xăng đã sắp cạn. May sao đây là sân bay của máy bay ném bom, đường băng vừa rộng vừa dài, Vương liền cho máy bay hạ cánh, lúc ấy là 12 giờ 45. Hạ cánh xong, Vương lái máy bay ra khỏi đường băng ngoặt vào bãi đỗ máy bay, tắt máy rồi mà vẫn chưa thấy phía Liên Xô để ý đến mình. Vì không có thang nên Vương không thể xuống đất, đành mở nắp cửa máy bay để thông gió. Lúc này Vương mới thấy bộ đồ bay ướt đẫm mồ hôi.

Khoảng 10 phút sau thì thấy một binh sĩ Liên Xô tiến lại, Vương bèn giơ tay vẫy, lúc này phía Liên Xô mới chú ý tới chiếc máy bay lạ này. Người lính kia liền quay lại, chắc là về báo cáo cấp trên. Lát sau, một chiếc ô tô chạy đến. Một sĩ quan và mấy binh sĩ xuống xe. Khi xác nhận đây là máy bay Trung Quốc, họ hết sức ngạc nhiên, trố mắt như muốn hỏi: “Sao anh lại có thể bay từ Trung Quốc tới đây được thế?”.

Rồi họ lắp cầu thang, giúp Vương Bảo Ngọc ra khỏi máy bay. Khi có phiên dịch đến, họ biết được ý định của Vương Bảo Ngọc và thấy đây là chuyện lớn, bèn lập tức báo cáo cấp trên. Viên sĩ quan cười gượng gạo nói: “Việc anh đến đây sẽ trở thành một vụ hạ cánh trên Quảng trường Đỏ. Sẽ có không ít sĩ quan chúng tôi bị mất chức vì anh đấy!”

Sự kiện Vương Bảo Ngọc hạ cánh trên sân bay Liên Xô đã gây ra sự kinh hoàng và tác động lớn vượt xa vụ Mathias Rust hạ cánh trên Quảng trường Đỏ. Đó là vì năm xưa khi Mathias Rust bay vào không phận Liên Xô đã bị bộ đội phòng không Liên Xô phát hiện và có phản ứng ngay, còn lần này khác hẳn, tính chất nghiêm trọng thể hiện ở chỗ một chiếc máy bay chiến đấu Trung Quốc dễ dàng hạ cánh xuống sân bay của Liên Xô mà hệ thống phòng không của Liên Xô không có bất cứ phản ứng nào cả. Đồng thời vụ này còn cho thấy phi công quân sự Trung Quốc có kỹ thuật bay rất cao siêu. Sự kiện ngày 25/8/1990 đủ chứng minh “Các lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Liên Xô” chẳng những chưa được lấp kín mà đúng là còn lớn hơn trước. Do vụ việc này mà một loạt tướng lĩnh cấp cao của Liên Xô và một số sĩ quan có trách nhiệm trực tiếp đã bị cách chức.

Trong thời gian dài trước khi đào tẩu, Vương Bảo Ngọc giả vờ tỏ ra tiến bộ trong công tác và học tập, thực ra Vương đã bí mật chuẩn bị mọi việc cho ngày trốn chạy. Lợi dụng các dịp huấn luyện và diễn tập, Vương thu thập, ghi nhớ, nghiên cứu kỹ số liệu và đường bay tới sân bay của các nước xung quanh Trung Quốc.

Ngày 25 tháng 8, cuối cùng Vương Bảo Ngọc đã có dịp lợi dụng chuyến bay huấn luyện để thực hiện nguyện vọng của mình. Lúc này Vương đã hạ quyết tâm chạy sang thế giới “tự do” của phương Tây. Trước khi lên máy bay, Vương tặng chiếc đồng hồ đeo tay của mình cho người đồng đội giao máy bay lại cho mình. Anh này là bạn học của Vương ở trường hàng không. Sau đó Vương lên máy bay, cất cánh bình thường. Sau khi đến vùng trời dự định, Vương đột nhiên chuyển hướng bay, tách khỏi biên đội, hạ xuống độ cao cực thấp bay thẳng về phía Vladivostok.

Dẫn độ và ra tòa

Hồi ấy, vì Trung Quốc và Liên Xô đã phục hồi quan hệ ngoại giao bình thường, cho nên sau khi xảy ra vụ Vương Bảo Ngọc lái máy bay bỏ trốn sang Liên Xô, hai nước liền lập tức khởi động trình tự tiếp xúc ngoại giao nhằm giải quyết thỏa đáng sớm nhất vụ rắc rối này bằng con đường ngoại giao.

Ngày 26 tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham và người cùng cấp phía Liên Xô là Sevarnatdze đến Khác-bin (thuộc Trung Quốc) gặp nhau bàn bạc khẩn cấp. Hồi ấy Liên Xô đang bức thiết mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, vì thế họ muốn sử dụng vụ này để thể hiện nguyện vọng đó.

Qua bàn bạc, hai bên nhất trí quyết định xử lý vụ này một cách nhẹ nhàng. Phía Liên Xô tích cực ủng hộ và phối hợp giải quyết vấn đề do Trung Quốc nêu ra là dẫn độ người lái máy bay về Trung Quốc. Hai bên đạt được thỏa thuận về việc này. Theo văn bản thỏa thuận đó, phía Trung Quốc sẽ cho một chiếc TU-154 sang sân bay Knevchev dẫn độ Vương Bảo Ngọc về Trung Quốc và đưa chiếc máy bay J-6 (do Vương lái sang Liên Xô) về nước.

Tuy thế, trên các chi tiết cụ thể vẫn có một số rắc rối. Phía Liên Xô cho rằng vì Vương Bảo Ngọc đã nêu yêu cầu tị nạn chính trị, cho nên vấn đề an toàn của Vương trước khi dẫn độ sẽ do phía Liên Xô phụ trách, đồng thời không được để cho Vương Bảo Ngọc biết chút nào về việc sẽ bị dẫn độ về Trung Quốc. Ngoài ra phía Trung Quốc không được bắt giữ Vương khi còn ở trên lãnh thổ Liên Xô.

Hai bên thỏa thuận ranh giới chính thức bàn giao người là cửa khoang chiếc máy bay TU-154 của Trung Quốc; mọi việc bên ngoài cửa máy bay này do phía Liên Xô phụ trách, mọi việc bên trong cửa máy bay không liên quan gì tới phía Liên Xô.

Để bảo đảm việc bàn giao dẫn độ được thuận lợi, phía Liên Xô sẽ nói với Vương Bảo Ngọc là các cơ quan hữu trách của quân đội Liên Xô đang nghiên cứu cách giải quyết yêu cầu của Vương xin tị nạn chính trị ở Mỹ; xét tới tư cách đặc biệt của Vương thì không được giữ Vương ở lại căn cứ quân sự này; để bảo đảm an toàn, quyết định đưa Vương tới một địa điểm khác chờ giải quyết. Do nguyên nhân bảo mật, trong quá trình di chuyển, Vương cần được bịt mắt. Nghe nói vậy, Vương Bảo Ngọc vui vẻ đồng ý.

Riềng về chiếc máy bay J-6, vì Vương Bảo Ngọc hạ cánh một cách cưỡng ép nên thân máy bay bị xước nhẹ, hai tấm cánh giảm tốc không trở về vị trí cũ được, nhưng sân bay này là sân bay của máy bay ném bom, không có cơ sở sửa chữa máy bay. Phía Liên Xô đã cố gắng giúp sửa chữa ngay trên đường băng không có mái che mà không lấy tiền công. Tuy thế cuối cùng vẫn không thể nào làm cho hai tấm cánh giảm tốc trở về vị trí cũ. Phía Trung Quốc cho rằng dù thế nào cũng không thể để máy bay của mình lưu lại trên đất Liên Xô.

Rốt cuộc một trung đoàn phó không quân Trung Quốc quả cảm quyết định tự lái chiếc máy bay J-6 có hai cánh giảm tốc mở này về Trung Quốc. Cho dù giả thử bay không tới được nơi cần tới mà bất đắc dĩ phải bỏ máy bay rơi trên đất Trung Quốc cũng được chứ nhất thiết không được để lại trên đất Liên Xô. Vì đây là chuyện liên quan tới sự tôn nghiêm của không quân Trung Quốc, nhất là sự tôn nghiêm của một quốc gia có chủ quyền.

Rốt cuộc, với tay lái điệu nghệ và ý chí quả cảm, vị trung đoàn phó này đã lái chiếc máy bay trục trặc ấy về tới Trung Quốc.

Riêng về Vương Bảo Ngọc, sau khi dẫn độ về nước liền lập tức bị khai trừ đảng tịch, quân tịch. Sau đó tòa án binh không quân xét xử, khép Vương vào án tử hình vì tội phản bội tổ quốc, được hoãn hai năm thi hành án, tước đoạt quyền lợi chính trị suốt đời.

Ít lâu sau, bộ đội không quân Trung Quốc đã thông qua vụ việc nói trên tiến hành một đợt giáo dục toàn quân, đồng thời đặt ra một loạt quy chế liên quan, từ đó trở đi đã chặn đứng khả năng xảy ra vụ việc tương tự. Bởi thế, có thể coi vụ Vương Bảo Ngọc là vụ lái máy bay đào tẩu cuối cùng trong lịch sử nước CHND Trung Hoa.

Nguyễn Hải Hoành dịch theo tài liệu Trung Quốc.

theo Nghiên Cứu Quốc Tế


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề