Vẫn còn 14 ‘Bức tường Berlin’ trên thế giới

Sau khi “Bức tường Berlin” sụp đổ cách đây 25 năm, hàng chục bức tường và hàng rào phân chia biên giới giữa các nước và vùng lãnh thổ vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.

Theo dữ liệu của nhà nghiên cứu Élisabeth Vallet thuộc Đại học Quebec tại Montreal, ngay sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ, số lượng bức tường biên giới được xây dựng nhằm phân chia lãnh thổ giữa các nước và vùng lãnh thổ đã giảm một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, các dự án xây dựng tường rào đã xuất hiện trở lại với tốc độ tăng nhanh đặc biệt tại khu vực Trung Đông kể từ sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào Tòa tháp đôi tại Mỹ. Tính tới năm 2011, trên thế giới vẫn còn hơn 45 bức tường làm nhiệm vụ phân tách các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dưới đây là tổng hợp của tờ Washington Post:

Ấn Độ – Pakistan

Bức tường rào chia cắt Ấn Độ – Pakistan, hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân, xuất hiện vào năm 1947. Vào thời điểm đó, những vùng lãnh thổ trên đất Ấn Độ thuộc quyền kiểm soát của người Anh đã được phân chia thành 2 quốc gia. Kể từ đó, họ phát động 3 cuộc chiến bao gồm cuộc chiến tranh giành lãnh thổ Kashmir.

Năm 2003, nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ sự xâm nhập của các phiến quân Pakistan, Ấn Độ đã quyết định xây dựng một hàng rào phân chia biên giới với Pakistan sau khi 2 nước ký kết thỏa thuận ngừng bắn.

Georgia và Nam Ossetia

Cách đây một năm, quân đội Nga được cho là đã dựng một hàng rào bằng kim loại giữa vùng đất Georgia và Nam Ossetia. Trong đó, Nam Ossetia đã được Moscow công nhận là một vùng đất thuộc lãnh thổ Liên bang Nga.

Năm 2008, chính quyền Nga và Georgia còn phát động một cuộc chiến nhằm tiêu diệt các phần tử ly khai tại Georgia. Cho tới nay, hàng rào dây thép gai này hiện vẫn đang chia cắt ngôi làng Dvani, nằm dọc phía bên phải đường phân giới.

Dải Gaza và Israel

Hàng rào biên giới dài 64 m dọc khu vực dải Gaza và Israel được dựng lên vào năm 1994 và do chính lực lượng biên phòng Israel đảm nhận công tác bảo vệ. Dọc đường biên giới này chỉ có vài trạm kiểm soát theo dõi người dân qua lại.

Ai Cập và Dải Gaza

Theo hiệp ước ký kết với Israel vào năm 1979, Ai Cập đã đồng thuận thiết lập một vùng đệm giữa lãnh thổ quốc gia với dải Gaza. Sau đó, phía Israel đã triển khai xây dựng một hàng rào làm từ kim loại, bê tông và dây thép gai.

Sau sự kiện quân đội Israel tấn công dải Gaza vào năm 2005, một hiệp ước khác cũng đã được ký kết cho phép lực lượng lính biên phòng Ai Cập tới bảo vệ khu vực này nhằm ngăn chặn các tay súng ly khai và dân buôn lậu vượt biên.

Ngoài ra, nhằm ngăn chặn bọn buôn lậu tận dụng hệ thống đường hầm dưới lòng đất để di chuyển, chính phủ Ai Cập còn xây dựng một bức tường kim loại vào năm 2009.

Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận Ả Rập Xê-út cho rằng dự án này được ví như “một bức tường xấu hổ” ngăn mối quan hệ hợp tác giữa Ai Cập và Israel vào thời điểm đó.

Israel và Bờ Tây

Cách đây 12 năm, Israel đã bắt đầu xây dựng một bức tường dài 675 m chia cắt lãnh thổ quốc gia với khu Bờ Tây. Điểm đặc biệt là bức tường này được xây với độ cao từ 5 – 8 m bằng bê tông hoặc dây thép gai tùy từng khu vực.

Nhiều người Israel cho rằng bức tường này đã giúp giảm số vụ tự tử trên vùng đất quê hương họ. Trong khi đó, người dân Palestin lại coi bức tường này là rào cản trong giấc mơ xây dựng một đất nước của riêng mình.

Mỹ và Mexico

Năm 2006, tình trạng bạo lực, buôn bán ma túy và di cư bất hợp phát bùng nổ là nguyên nhân dẫn tới sự ra đời của hàng rào phân chia biên giới giữa Mỹ và Mexico. Tới năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cho dừng một phần dự án xây hàng rào biên giới để chú trọng vào nâng cấp công nghệ hỗ trợ tại đây.

Triều Tiên và Hàn Quốc

Khoảng 60 năm trước, Triều Tiên và Hàn Quốc đã thiết lập khu vực phi quân sự giữa hai nước. Nhằm bảo vệ an ninh cũng như ngăn chặn tình trạng người dân vượt biên, Triều Tiên và Hàn Quốc đã cho dựng một hàng rào dây thép gai tại đây.

Mặc dù, vùng phi quân sự dài 241 m và rộng 4 m này trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch song với nhiều người nó là biểu tượng của sự chia cắt giữa 2 quốc gia láng giềng. Trong vài năm qua, đã không ít người phải bỏ mạng khi vượt biên trái phép qua khu vực này.

Ngoài ra, vùng phi quân sự giữa Hàn –Triều còn được xem là một trong những khu vực biên giới còn sót lại từ thời Chiến tranh Lạnh.

Ấn Độ và Bangladesh

Ấn Độ và Bangladesh có chung hàng rào biên giới dài 4.000 m. Vào năm 1986, quốc hội Ấn Độ đã phê chuẩn kế hoạch xây một hàng rào biên giới nhằm ngăn chặn làn sóng di cư trái phép. Tuy nhiên, tới năm 1993, công trình này mới được thi công.

Do lối đi trắc trở dưới tác động của hướng gió, sông suối và các hòn đảo lầy lội, mỗi năm, khu vực này đã chứng kiến hàng loạt vụ tai nạn và đụng độ biên giới. Theo Guardian, hơn 700 người Bangladesh đã thiệt mạng khi trèo qua hàng rào cao 2,4 m từ năm 2000 – 2007.

Liên minh châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) đã dựng hàng loạt hàng rào nhằm ngăn chặn làn sóng di cư từ Trung Đông và Bắc Phi tràn vào các nước thành viên trong nhóm.

Hồi tuần trước, các nhà hoạt động thuộc tổ chức “Center for Political Beauty” đã nhắc lại những ký ức về hành trình vượt qua “Bức tường Berlin” và liên hệ tới những hàng rào biên giới của EU hiện nay nhằm cảnh báo về số phận của những người đã chết khi cố gắng chạy trốn sang châu Âu. Theo đó, trong vài năm trở lại đây, hàng chục ngàn người đã tử vong trong khi vượt biên qua biển Địa Trung Hải.

Tây Ban Nha và Moroc

Có một hàng rào chia cắt vùng đất thuộc khối EU với các quốc gia khác hiện đang nằm tại Bắc Phi, đó là vùng đất Melilla của Tây Ban Nha giáp biên giới với Moroc.

Đảo Síp

Đảo Síp, nằm tại phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, bị chia cắt với vùng đệm của Liên Hợp Quốc bằng một bức tường vào năm 1974. Hàng rào này chia cắt đảo Síp làm đôi, tách nước Cộng hòa Síp với cái mà Thổ Nhĩ Kỳ gọi là “Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ireland

Tại thành phố Belfast thuộc Bắc Ireland, “những bức tường hòa bình” vẫn chia cắt cộng đồng người theo Cơ đốc giáo và người theo đạo Tin Lành.

Chỉ riêng tại thành phố Belfast, đã có tới 99 hàng rào được dựng lên. Con số này cũng tương tự như tại thành phố Derry.

Moroc và Tây Sahara

Tây Sahara, vùng đất tranh chấp tại Bắc Phi, hiện đang bị phân cách với Moroc bằng một bức tường cát. Được khởi công xây dựng vào năm 1987, bức tường này giúp ngăn chặn các cuộc tấn công từ những tay súng ly khai tại khu vực Tây Sahara.

Cho tới nay, hàng loạt hào quân sự, hàng rào dây thép gai, bom mìn cùng lực lượng lớn binh sĩ vẫn đang làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực biên giới có tuổi thọ hàng thập niên này.

Baghdad

Vào năm 2007, chính phủ Mỹ đã theo đuổi ý tưởng xây dựng một bức tường nằm ngay trong Baghdad nhằm phân chia khu vực sinh sống của những người theo dòng Sunni và Shiite. Sau đó, công trình xây dựng này đã bị hoãn lại. Nhưng cho tới nay, nhiều tàn tích của bức tường biên giới vẫn còn xuất hiện tại Baghdad.

Nguồn: Infonet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề