Va chạm là đánh lộn, người Việt lên cả báo nước ngoài ‘không phải dạng vừa đâu’!

Tài xế ô tô nhảy xuống đạp người xe máy, nam thanh niên hành hung người già vì va chạm làm rơi bó hoa… Phản ứng này nói lên điều gì?

Mới đây, văn hóa giao thông của người Việt đã được lên cả báo nước ngoài. Tờ nhật báo “Bild” của Đức mới đây đã đưa một clip lên trang báo điện tử của mình với tiêu đề: ““Cú đá kungfu! Hãy cùng xem công lý giao thông trên đường phố Việt Nam“.

Clip này dài hơn một phút, mô tả một tài xế ô tô mang biển kiểm soát Hà Nội đang lưu thông trên đường thì bị xe máy tạt đầu để vòng ngược trở lại. Người lái ô tô mở cửa xe lao xuống đạp người lái xe máy ngã ra vệ đường.

Người lái xe máy không kém cạnh, vùng dậy lấy mũ bảo hiểm đập thẳng vào đầu đối phương, rồi cả hai lao vào đấm đá nhau như những võ sĩ thiện chiến nhất. Báo “Bild” còn lồng vào đoạn clip này một đoạn nhạc dân tộc rất đặc trưng Việt Nam, xem chẳng khác nào phim chưởng!

Đó là báo nước ngoài, còn báo trong nước cũng không kém. Một clip ghi lại cảnh vụ va chạm trên đường Yên Phụ (Hà Nội) giữa một thanh niên và một người đàn ông cỡ 65 tuổi. Cú va chạm làm bó hoa của người phụ nữ mang bầu ngồi sau thanh niên rơi xuống đất.

Thế là họ xông vào đánh nhau, mạt sát, chửi bới khiến CSGT phải đến can thiệp mới yên chuyện.

Trước đó, một vụ va chạm cũng nổi đình nổi đám khác là của nhân viên mặt đất một hãng hàng không với hành khách. Theo biên bản được lập, vì cãi nhau liên quan đến hành lý, nhân viên và khách to tiếng.

Khách hàng chắc cũng “không phải dạng vừa đâu” vì trong biên bản ghi là người này định trèo lên tát nhân viên. Nhân viên thì ném toàn bộ giấy tờ của khách xuống đất. Khách dọa chụp ảnh thì nhân viên giơ 2 ngón tay chữ V (biểu tượng chiến thắng) thách thức.

Nói tóm lại, qua 3 vụ va chạm khẽ nhưng dẫn đến xô xát lớn thế này, có thể rút ra kết luận: Người Việt chúng ta “không phải dạng vừa đâu” như tên một bài hát rất đang được lòng giới trẻ.

Cái thói hung hãn ấy hình như đang trở thành phổ biến trong ứng xử giữa người với người ở thời điểm hiện tại. Rõ ràng đã có một thay đổi lớn, bởi cách đây hơn 2 thế kỷ, khi những người Tây phương đặt chân đến Việt Nam, trong con mắt họ, người Việt là những người hiền lành, ngại va chạm, dễ tiếp xúc.

Một trong những điều khiến chúng ta bất an nhất khi ra đường hiện nay, đó là sợ va chạm. Bởi mỗi một va chạm dù nhỏ thôi, cũng rất dễ châm ngòi cho một xung đột lớn, thậm chí đổ máu, mất mạng như chơi.

Điều gì đã làm cho số đông trở thành một thùng thuốc súng, hay như là cái van xả hơi của nồi áp suất, chỉ cần chạm khẽ vào là bùng nổ, xì khói? Đó là một vấn đề lớn của toàn xã hội, cần tất cả các thành viên cùng nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Sự bất bình, ấm ức, không hài lòng vì những bất công, cái tâm lý “khôn sống mống chết”, “được làm vua thua làm giặc” đã khiến một bộ phận người Việt trở nên hung hãn một cách dị thường. Và chúng ta đang bớt thương nhau, bớt đùm bọc nhau đi.

Chưa bao giờ mà việc giáo dục để trẻ em lớn lên thành người với đầy đủ tình yêu thương, lòng bác ái, sự cảm thông, tính thượng tôn pháp luật lại cần phải đặt ra nghiêm túc đến thế.

Có lẽ hơn ai hết, các bậc cha mẹ càng phải thấm thía điều này, rằng chúng ta cần những đứa trẻ biết yêu thương, biết hành xử đúng mực, cao thượng, không vô cảm với đồng loại hơn là những đứa trẻ được nhồi nhét thật nhiều kiến thức.

Hãy nhìn những hành xử xung quanh ta để biết xã hội hôm nay cần gì. Chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận đói nghèo, rách rưới hơn bây giờ nhưng sẽ vẫn hạnh phúc nếu người với người biết thương lấy nhau.

Những tòa nhà chọc trời trong thành phố, những phương tiện đi lại đắt tiền xa hoa liệu có thể khiến chúng ta ấm áp và cảm thấy hạnh phúc hơn không khi nếu chỉ khẽ va chạm là có thể xúm vào đập nhau như gấu chó?

Hãy thay đổi chính mình, trước khi chúng ta trở thành những cỗ máy sống, vô cảm, lạnh lùng và không có trái tim.

Vũ Văn (Theo Một Thế giới)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề