TT Putin: “tống tiền” Nga là sự liều lĩnh của Mỹ và phương Tây

(NLDO)Liên tiếp trong hai ngày, bắt đầu từ hôm nay, 16/10/2014, Nguyên thủ Quốc gia hay Thủ tướng chính phủ của hơn 50 nước Châu Âu và Châu Á gặp nhau tại thành phố Milano miền Bắc Ý để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Á- Âu ASEM, được tổ chức 2 năm một lần.

Do tính chất nóng bỏng, cuộc khủng hoảng Ukraina đương nhiên đã nổi bật trong chương trình nghị sự, đặc biệt trong một loạt các cuộc họp bên lề với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong một thông cáo ngày 15/10/2014, Thủ tướng Ý Matteo Renzi, nước đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu đã xác nhận Tổng thống Nga sẽ gặp đối tác Ukraina Petro Porochenko tại Milano ngày 17/10 vào lúc 8 giờ sáng giờ địa phương. Cùng tham gia cuộc gặp sẽ có Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và nhiều quan chức cao cấp khác.

Riêng Thủ tướng Ý, nước chủ nhà của Thượng đỉnh ASEM, đồng thời là chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, sẽ tiếp xúc trước ngay vào tối nay với Tổng thống Ukraina, và vào chiều thứ Sáu (17/10/2014) với Tổng thống Nga.

Theo nhận định của Muriel Pomponne, thông tín viên RFI tại Mátxcơva, cho dù hai Tổng thống Nga và Ukraina đã từng gặp nhau một số lần từ khi nổ ra khủng hoảng, nhưng cuộc gặp tại Milano lần này có thể mang tính chất quyết định :

« Cuộc gặp lần này cũng giống như lần gặp ngày 06/05 tại vùng Normandie, miền Tây Bắc nước Pháp, nếu có khác chăng là lần này không có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ.

Vào thời điểm đó, ông Porochenko vừa mới đắc cử, và tự cho là có thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông nước ông trong vòng hai tuần lễ. Bốn tháng sau thì vẫn chưa có gì được giải quyết, cho dù lệnh ngưng bắn chính thức có hiệu lực từ ngày 03/09. Cuộc hưu chiến đã được thương lượng vào lúc lực lượng ly khai thân Nga đang giành lại những vùng đất mà họ bị mất vào tháng 7. Thắng lợi đó, theo nhiều nhà quan sát, đã có được nhờ trợ giúp của quân đội Nga.

Lần gần đây nhất mà hai ông Putin và Porochenko gặp nhau trở lại là tại Minsk, thủ đô Belarus, ngay trước khi thỏa thuận ngưng bắn được ký kết. Nhưng lần gặp đó không mang lại kết quả, hai người đã không tìm được mẫu số chung nào. Từ lúc ấy, quân đội chính phủ Ukraina đi từ thất bại này đến thất bại khác, kể cả từ khi lệnh ngưng bắn có hiệu lực nhưng không đuợc tôn trọng. Về phần Nga thì nước này ngày càng bị phương Tây trừng phạt nặng nề thêm.

Trên bình diện chính trị quả là hồ sơ không lối thoát. Kiev sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội vào ngày 26/10 tới đây trong lúc mà phe ly khai cho là muốn tổ chức bầu tổng thống ở những vùng họ kiểm soát vào ngày 02/11. Tuy nhiên, trong tuần này, Tổng thống Putin đã ra lệnh cho quân đội Nga triệt thoái khỏi khu vực biên giới, hai lãnh đạo lại nói chuyện với nhau qua điện thoại, và hồ sơ khí đốt có tiến triển. Cuộc gặp ở Milano do đó có thể mang tính chất quyết định ».

Ngoài tuyên bố Nga sẽ đứng vững trước các biện pháp trừng phạt về kinh tế, ông Putin hồi tháng 8 cảnh báo lực lượng vũ trang nước này – được hỗ trợ bởi kho vũ khí hạt nhân – sẵn sàng đáp trả bất kỳ cuộc xâm lược nào và kêu gọi các thế lực bên ngoài không nên “lộn xộn với nước Nga”.

Trong khi Liên minh châu Âu đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực cung cấp năng lượng của Nga, vốn chiếm 1/3 nhu cầu khí đốt của EU, Tổng thống Putin đang đề xuất sử dụng hệ thống đường ống South Stream nhằm thay thế các đường ống dẫn khí qua Ukraine.

Để tránh gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu và bỏ lệ thuộc vào Ukraine, Nga đã xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream trực tiếp đến Đức qua biển Baltic. Còn hệ thống đường ống South Stream sẽ vượt biển Đen tới miền Nam châu Âu để bắt đầu cung cấp vào năm 2015.

Dự án kể trên đã khiến EU khó chịu. Các quan chức EU yêu cầu sử dụng hết công suất một đường ống dẫn OPAL nội địa từ Đức đến Cộng hòa Séc thay cho đường ống đến từ Nga.

Ngày 17-10 tới, lãnh đạo Nga và Ukraine sẽ thảo luận về vấn đề cung cấp khí đốt của Moscow cho Kiev bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á–Âu (ASEM) tổ chức tại TP Milan – Ý. Trước đó, Nga từ chối cung cấp khí đốt cho Ukraine vì chưa thanh toán hóa đơn tồn đọng, gây lo ngại đường ống dẫn khí sang châu Âu, quá cảnh Ukraine, sẽ bị gián đoạn.

Ukraine có khả năng đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí đốt trong mùa đông này nếu không đạt được thỏa thuận với Nga. Ông Mikhail Pogrebinsky, một nhà phân tích chính trị ở Kiev, cho biết: “Nga cuối cùng sẽ bán khí đốt cho Ukraine, sau khi được trả một phần nợ tượng trưng. Điều này cho phép Ukraine không bị đóng băng vào mùa đông”.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhận định “toàn bộ thế giới đều kỳ vọng lớn” vào cuộc hội đàm với tổng thống Putin vào cuối tuần này.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 3 phản hồi cho bài viết “TT Putin: “tống tiền” Nga là sự liều lĩnh của Mỹ và phương Tây”:

  1. Ba Long viết:

    Cứng rắn quá. Đanh thép quá.một lãnh tụ hiếm có.

  2. Ha Thien viết:

    Một tên phát xít cứng đầu và ngang ngược!

  3. Vu Hoang Hung viết:

    Anh này ngồi một mình lạc lõng giữa đám người văn minh thôi.

Trả lời Ba Long Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề