Truyện ngắn xa xứ: Ngọn lửa

Bảo vệ xong luận án Tiến sĩ với đề tài khoa học “Kinh tế thị trường, sự tác động của nó đối với các mối quan hệ xã hội”, tôi thu xếp, gói ghém sách vở, tài liệu vào va li và… để đấy.

Tôi bắt tay vào cái đề tài thứ hai của mình, cái đề tài không cần những tài liệu khoa học, không cần những khuôn mặt khả kính của các giáo sư hướng dẫn, cái đề tài mang tiêu đề hết sức giản dị: kiếm tiền. Định lý đơn giản là mỗi ngày làm việc tại xứ này bằng lương của tôi cả tháng ở quê nhà. Không ra ngoài tiền lệ, với sự tham mưu của các bậc tiền nhiệm, tôi lên gặp vị giáo sư đã hướng dẫn tôi làm luận án tiến sĩ, đề nghị ông can thiệp để tôi ở lại Đức thêm ít lâu với lý do nghiên cứu sâu thêm chuyên môn. Đại khái với cái đề tài mới do tôi bịa ra, lấy cơ sở từ đề tài cũ “Kinh tế thị trường… đối với các nước đang phát triển tại châu Á”. Tất nhiên là ông bằng lòng, bởi đã là thầy thì ai mà chả yêu quý các học trò “hiếu học”. Tôi mang giấy tờ và hộ chiếu lên Sở Ngoại kiều. Tôi được mãn nguyện, họ đóng cho tôi cái triện đỏ chói, có giá trị một năm, tính từ ngày xyz…

****** ******** *******

Khác với lần trước, giờ tôi phải tự túc mọi mặt, từ nơi ăn, chốn ở, phương tiện đi lại, thanh toán bảo hiểm y tế… Không hề gì, trời sinh voi sinh cỏ, còn khối kẻ chờ tị nạn, giấy tờ ăn đong kia kìa, so với họ mình còn may hơn nhiều. Tôi đến tá túc tại phòng một anh bạn khóa sau. Số tiền nhà được cưa đôi, hai bên đều có lợi. Vợ con anh ở Việt Nam hàng tháng được thêm một “vé”. Tôi bắt đầu chương trình tìm kiếm việc làm.

Tôi đi khắp thành phố, vào các nhà hàng định xin một chân dọn dẹp, lau chùi gì đó. Nhìn cái vẻ mặt trí thức đáng ghét, cộng thêm cặp kính dầy cộp trên mắt, không một ông chủ nào muốn “dây” vào. Họ thoái thác:

– Rấc tiếc, dạo này doanh thu kém quá, đến chủ quán còn phải vào bếp rửa bát kia kìa.

Mùa đông, trời tối sớm. Tôi lại đi trong gió tuyết, đọc những mẩu quảng cáo thuê người, dưới ánh đèn vàng vọt, ngái ngủ. Tôi đến các địa chỉ trong quảng cáo, đều nhận được câu trả lời giống nhau:

– Tiếc thật, chúng tôi vừa nhận người đến trước ông. Cảm phiền nhé, tháng sau ông thử quay lại đây xem sao.

Tôi vỡ ra một điều, các xí nghiệp hấp hối, các công ty dặt dẹo, các nhà hàng ốm yếu. Họ cứ tung tin rởm về sự phồn thịnh của họ trên báo, trên Internet theo kiểu quảng cáo tìm người làm hòng cứu vãn tình thế. Hoặc giả họ đang giở trò phù thủy với nhà nước. Tôi tiếp tục đi, cuối cùng thì “có công mài sắt, có ngày nên kim”, tôi cũng tìm được một việc khá “xương xẩu”: bán báo trước cổng xuống một ga xe điện ngầm. Đọc đến đây chắc các bạn sẽ nói: “Xì, gớm, có gì mà vất vả, chỉ việc đưa báo, thu tiền… dễ ợt”. Thưa vâng, mùa hè khí hậu ấm áp, cây cối xanh tươi, chim hót vang lừng. Lúc đó thì bán báo là lý tưởng. Nhưng vào cái thời điểm bây giờ, nhiệt độ ngoài trời luôn xuống dưới âm 10-15độ C… Phải chui ra khỏi chăn khi đang mơ giấc mơ tiên mà ra đứng giữa trời thì quả là một cực hình. Có thế bọn Tây nó mới “nhè” ra, thì mới dư ra một chỗ làm cho một thằng nước ngoài là tôi.

Đành lòng vậy, cầm lòng vậy, tôi bắt đầu công việc, giống như con tằm nhả tơ, con kiến tha mồi. Tôi dậy từ 2 giờ sáng, lấy báo, mang đi bán, 8 giờ mang báo thừa về trả, nhận tiền, chỉ có vậy.

******** ******** ********

Như mọi ngày, tôi mặc 3 chiếc quần, nhiều lớp áo, đi ủng lông, găng tay lông, chuẩn bị lên đường. Tôi liếc mắt vào chiếc nhiệt kế treo ngoài cửa sổ, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng: kim nhiệt kế chỉ âm 20độ C. Trong tôi diễn ra một cuộc đấu tranh gay gắt, kiểu “Con cá chột nưa”[1]. Cái nhiệt kế bàn lùi:

– Nghỉ một hôm, mai ấm lên sẽ đi.

Các tế bào thần kinh khác chống lại:

– Một đồng Đêmác về nhà được hơn 7.000 đồng, một buổi thế này kiếm 50 Đêmác, cộng các khoản linh tinh khác quy đổi, tôi (hay vợ con tôi) có khoảng 600 ngàn đồng, một con số đáng kể.

Chiếc kim nhiệt kế lại tỉ tê:

– Em thành thật khuyên “bác”, với cái tuổi 45, cái cơ thể có hơn 40 kilôgam của bác mà đem đày ra ngoài trời bây giờ là “đi” đấy. Tiền bạc quý thật, song bác cũng nên nghĩ tới cái sức khoẻ.

Tôi đã định liều nghỉ, song nghĩ tới bản hợp đồng. Nếu tôi bỏ, dù một hôm, tôi đã vi phạm hợp đồng, phải chịu phạt. Hơn thế nữa, sẽ bị hủy bỏ hợp đồng và mất việc. Lắm lúc nghĩ tới cái “đoạn trường” này tôi chỉ muốn bỏ quách cái xứ lạnh này mà về. Nhưng “về thì đâm đầu vào đâu”, khi mà cái khả năng tài chính chưa đủ cho phép giải quyết các công việc tại quê nhà. Tôi quả quyết bước ra ngoài, ngoài trời tuyết giăng trắng xóa.

Tôi thận trọng dò dẫm tới chỗ bán hàng thường ngày, xếp loạt báo lên bàn. Trang nhất các báo đồng loạt in chữ to: Berlin, âm 20 độ C và có thể thấp hơn nữa. Tuyết vẫn rơi mỗi lúc thêm dầy. Thỉnh thoảng một chiếc xe con chậm chạp đi qua. Không có tiếng xào xạo nơi bánh xe, chứng tỏ tuyết vừa chạm đất đã vội đông cứng.

Tôi rao,báo buổi sáng đây, với giọng méo mó đến thảm hại. Nước mắt nước mũi giàn dụa, miệng thở ra khói. Tôi luôn luôn đưa tay quệt, nếu chậm chúng sẽ đóng đá trên mặt. Tôi thèm thuồng nhìn những cặp tình nhân (hoặc vợ chồng) đi qua, họ kín mít trong áo bành tô, khăn, chỉ hở mặt, thỉnh thoảng họ lại gắn hai cái miệng truyền hơi ấm cho nhau. Đốm lửa đầu điếu thuốc của tôi cứ lập lòe không dứt, đống mẩu thuốc cứ dày lên.

Thỉnh thoảng tôi tụt xuống ga tầu tránh rét, thậm chí còn định liều mang báo xuống dưới đó bán. Nhưng đâu có được, ở xứ này tấc đất tấc vàng, dẫu là một mét vuông cũng có chủ, ngay cả dán một tấm quảng cáo nhỏ cũng phải trả tiền. Tôi lại vọt lên mặt đất, chân lại đập đập, tay xoa xoa… Tôi thèm một đống lửa trại ngày bé, bếp lửa nồi bánh chưng bên mẹ… Tôi như mê đi.

– Anh cho em mua tờ Berliner Zeitung[2] – tiếng một phụ nữ Việt Nam kéo tôi về với thực tại.

Tôi dùi dụi mắt. Trong một chiếc nem cuốn chặt bằng các loại bông, vải sợi, một gương mặt thanh tú hiện ra. Bộ áo liền quần của cô màu đỏ rực. Giá như vào một lúc khác cái màu chói chang ấy dễ làm tôi khó chịu. Nhưng vào thời điểm này, nó giống như một ngọn lửa thiêu chảy những tảng băng quanh chỗ tôi đứng, lớp tuyết mỏng trên quần áo tôi như tan ra. Cô mỉm cười với ánh mắt chia xẻ:

– Trời lạnh quá anh nhỉ.

Tôi rút tiền trả lại, cô gạt đi:

– Thôi anh cầm cả đi, có đáng là bao.

Tôi cám ơn sự tử tế của cô. Qua vài câu trao đổi, cô cho biết có chồng, hai con. Chồng yếu, công việc ít. Cô làm tại khách sạn ban ngày, ban đêm rửa bát thuê cho một nhà hàng.

– Thời buổi khó khăn này, thêm tí nào tốt tí ấy – cô nói.

Tôi thầm cảm phục ý chí của nguời phụ nữ này. Trong cái rét cắt da cắt thịt, nét mặt cô vẫn ngời lên vẻ than thản, thanh thản đến quật cường.

Két, két… két tiếng tàu vào ga, cô chào tôi và nhào xuống ga, tôi nhìn theo “ngọn lửa” hun hút chui sâu xuống lòng đất. Bất chợt nhìn thấy tờ báo của cô bỏ lại, tôi hộc tốc đuổi theo và dúi vào tay cô tờ báo:

_ Em gái, quên chưa lấy báo, cầm lấy lên tầu mà đọc.

Cô nhìn tôi đôi mắt chớp chớp thoáng buồn:

– Khốn khổ, anh giữ lấy mà bán cho Tây. Em có đọc được đâu mà mua, tiếng Đức của em kém lắm, không xem được.
Tiếng chuông nhắc hành khách lên tầu. “Ngọn lửa” của tôi nhoẻn miệng cười, lao vào trong toa, cửa đóng. Đoàn tầu mang ngọn lửa của tôi, hun hút lao vào màn đen sâu thẳm. Tôi vẫn cầm tờ báo trong tay,xúc động đến nghẹn ngào. Ra là vậy! Cảm ơn em gái xa lạ, em đã thắp lên trong tôi ngọn lửa bằng chính cái sự nhân ái đằm thắm của người phụ nữ. Tôi cảm thấy đất trời như ấm lên, những ngọn đèn như bừng sáng.

Tôi châm điếu thuốc, mải mê nhìn ngọn lửa ở đầu que diêm, cháy cho đến tàn que. Ngọn lửa của tôi ơi! Giờ em ở đâu?

Cu Đỉn (Berlin – Đức)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Truyện ngắn xa xứ: Ngọn lửa”:

  1. Rewelacyjny materiał. Dziękuje Państwu. Zachęcam innych internautów do przestudiowania materiału. Mam pytanie. Czekam na Twój kontakt na mailaa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề