(bộ nhớ đệm: 09:52:34 29/03/2024)
Kygia
TP.Hồ Chí Minh: Hết 66.800 tỉ đồng – ngập vẫn hoàn ngập
Cùng với ảnh hưởng của biến đối khí hậu làm cho lượng mưa lũ, triều cường ngày càng tăng cao bất thường đã, đang và sẽ diễn ra thì TPHCM có chống cách mấy cũng không bao giờ hết ngập.

Tốc độ đô thị hóa tăng chóng mặt, nhiều diện tích ao hồ, kênh rạch tự nhiên lâu nay bị san lấp và thay vào đó là diện tích bêtông hóa làm thành phố không còn đủ nơi điều tiết, thoát nước khi xảy ra mưa lớn. Đô thị hóa cũng đang làm cho TPHCM mỗi năm bị lún 1-2cm (hiện 60% diện tích thành phố có cao trình ở dưới mức 1,5m so với mực nước triều).

Ao, hồ, kênh, rạch bị bêtông hóa

Các khu vực (Q.7, Q.8, Nhà Bè, Bình Chánh) vốn là những vùng trũng, với nhiều hệ thống ao hồ, kênh rạch và từng được ví như những “túi chứa nước” tự nhiên khổng lồ cứu nguy cho TPHCM mỗi khi mưa lớn, triều cường hay lũ từ thượng nguồn đổ về. Tuy nhiên đến nay, những “túi chứa nước” này đang bị mất dần, bởi tình trạng san lấp để xây dựng các khu dân cư, khu đô thị hoành tráng. Chỉ tính riêng Khu đô thị Phú Mỹ đã có đến hàng trăm hecta đất tự nhiên bị san lấp, đấy là chưa kể hàng loạt khu dân cư, đô thị khác ăn theo khu Phú Mỹ Hưng cũng san lấp cả nghìn hecta đất tự nhiên.

Một nhóm nghiên cứu Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cho rằng, việc bêtông hóa mặt đất, ao hồ, kênh rạch trong quá trình đô thị hóa, nhưng lại không có những giải pháp thay thế tương xứng nên thành phố mất khả năng điều tiết, thoát nước tự nhiên như trước đây. PGS-TS Hồ Long Phi – GĐ Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu ĐH Quốc gia TPHCM – cho biết, tốc độ đô thị hóa cũng đang khiến TPHCM đối mặt với tình trạng đáng lo ngại là bị lún 1-2cm/năm.

Trận mưa ngày 15.9 đã khiến nhiều đường phố TPHCM biến thành sông. Ảnh: T.PHAN

Trong khi đó, nước triều cường hằng năm đều tăng cao bất thường, đỉnh triều cường năm sau thường tăng cao hơn năm trước (năm 2014 đỉnh triều tại TPHCM khoảng 1,7m). Số liệu từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cũng cho thấy, hiện nay TPHCM có khoảng 63% diện tích có cao trình dưới mức 1,5m, thậm chí một số khu vực chỉ đạt 0,6-0,9m. Điều này có nghĩa, trời không mưa nhưng triều cường chỉ cần dâng cao vượt mức 1,5m là 60% diện tích TPHCM đối mặt với ngập úng.

Vẫn sẽ sống chung với ngập

Những năm qua, thành phố đã chi hàng chục nghìn tỉ đồng thực hiện các dự án để chống ngập, nhưng thực tế qua cơn mưa đêm 15.9, thành phố vẫn biến thành sông. Hiện thành phố vẫn đang tiếp tục triển khai nhiều dự án, giải pháp chống ngập như: Xây dựng đê bao ven sông Sài Gòn, cải tạo hàng trăm kilomet đường cũ, nhỏ thành cống lớn, cải tạo các rạch xuyên tâm, xây dựng 103 hồ điều tiết… Để thực hiện các dự án chống ngập cho TPHCM giai đoạn 2016-2020, thành phố cần đến 66.800 tỉ đồng. Tốn tiền là vậy, nhưng với câu hỏi bao giờ thành phố hết ngập thì đến nay chưa cơ quan nào dám cam kết. Ông Đỗ Tấn Long – Trưởng phòng Quản lý thoát nước Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM – cho biết: “Rất khó trả lời khi nào TPHCM hết ngập”.

Theo phân tích của TS Hồ Long Phi, nếu thực hiện được các dự án của thành phố hiện nay thì 10 năm tới, thành phố mới có thể giảm ngập được khoảng 70-80%, tuy vậy sau đó, thành phố sẽ nguy cơ tái ngập nặng trở lại. Bởi lẽ, các giải pháp công trình (xây cống lớn, trạm bơm, đê bao ngăn triều) được thiết kế với khả năng thoát nước, ngăn triều đều có giới hạn và chỉ hiệu quả trong một thời gian nhất định. Do đó, sớm muộn những giải pháp công trình cũng trở nên lạc hậu, quá tải trước diễn biến mưa lũ, triều cường đang có xu hướng dâng cao rõ nét do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

“Do vậy, đừng bao giờ mong đợi TPHCM sẽ hết ngập 100%, mà chỉ có thể giảm ngập là tốt rồi. Một khi không thể ngăn được ngập hoàn toàn thì TPHCM cần tính đến các quy hoạch, tìm cách chung sống bền vững với nó. Đặc biệt, thành phố xây dựng những kịch bản ứng phó với tình trạng lũ từ thượng nguồn xả xuống, kết hợp mưa lớn, triều cường dâng cao, với mục đích cuối cùng là nhằm giảm thiệt hại cho người dân” – TS Hồ Long Phi đề xuất.

 Kinh nghiệm chống ngập một số nước

Có một thực tế là không chỉ ở TPHCM, mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang phải đối mặt với vấn đề ngập lụt và thiên tai hoành hành nghiêm trọng mà nguyên nhân chính gây ra là do biến đổi khí hậu toàn cầu, chính quyền chưa làm tốt công tác quy hoạch quản lý đô thị và chống ngập. Dưới đây là một số kinh nghiệm chống ngập của các quốc gia trên thế giới.

* Singapore thành phố Công viên và Nước (City of Gardens and Waters). Hệ thống kênh này cùng với mạng lưới cống rãnh dài tổng cộng 7.000km đã giúp Singapore xử lý được tình trạng ngập lụt do triều cường và trời mưa lớn. Bên cạnh đó, những con kênh của Singapore bây giờ lại có thêm chức năng thành những dòng suối, sông hồ phục vụ nhu cầu thư dãn, giải trí.

* Để chống ngập lụt, các thành phố ở Malaysia có nhiều giải pháp khác nhau trong quy hoạch hạ tầng. Ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, hầm SMART được xem là công trình chống ngập khá thành công. Đường hầm 2 tác dụng là hầm đường bộ và quản lý nước mưa, dài 9,7km. Mục đích chính của đường hầm này là giải quyết tình trạng ngập lụt ở Kuala Lumpur và giảm tắc nghẽn giao thông ở một số giao lộ chính trong giờ cao điểm. Hầm SMART có 2 phần chính là đường hầm thoát nước mưa và đường hầm cao tốc dành cho xe cộ.

* Khoảng 2/3 diện tích Hà Lan dễ bị ngập lụt nên các thành phố đều xây đê lớn phía ngoài chống nước biển, nước sông xâm nhập và tạo nhiều kênh, rạch bên trong để tiêu nước nhanh.

TRỊNH THỊ HIỀN – Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM

Theo Lao Động


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề