Tinh giản biên chế kiểu Hi Lạp

Ưu tiên sẽ là không tuân theo kiểu cách áp đặt của “bộ ba” Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Thay vào đó sẽ thực hiện cắt giảm kiểu Syriza để ngân sách được cân bằng và lành mạnh hóa bộ máy nhà nước.

Vừa nhậm chức thủ tướng lúc 3g30 chiều 26-1, ông Alexis Tsipras đã chỉ ra kế hoạch hành động của mình gọi là “những thay đổi quét sạch bộ máy hành chính”. Ông cảnh cáo: “Bất cứ ai đang bắt đầu nghĩ rằng mình như là một tân bộ trưởng, phải quên điều đó đi”.

Cương lĩnh tranh cử của Đảng Syriza cũng chỉ rõ rằng thay cho việc cắt giảm bộ máy nhà nước theo hàng dọc như trước kia, vốn thường chỉ rơi vào giới trung cấp và thấp nhất, tới đây sẽ cắt giảm theo chiều ngang.

Nói đúng ra là ông thủ tướng 41 tuổi sẽ tái cấu trúc bộ máy chính phủ còn lại 10 bộ mà ông tin cũng đủ để đảm đương mọi việc. Sáp nhập không có nghĩa gom hết mọi cán bộ, viên chức lại trong 10 bộ, mà là sẽ cho thôi việc những cá nhân và tổ chức không hiệu quả. Việc đánh giá sẽ dựa trên những tiêu chí khách quan.

Tân thủ tướng cho biết sẽ “cho về vườn” ngay cả “rừng” chuyên viên “bất tài vô tướng” hiện đang ngồi chơi xơi nước song lại “ăn bát vàng”, thay vào đó sẽ thi tuyển lấy người ngay từ trong hàng ngũ công chức hiện nay.

Ông Tsipras nêu rõ rằng đã có sẵn bộ quy tắc ứng xử dành cho các đại biểu quốc hội nhằm làm thối chí trước những ai cảm thấy một chính phủ mới của Đảng Syriza sẽ đem lại cho họ quyền tự tung tự tác.

Lợi ích khác của việc cắt giảm các bộ và vị trí căn cứ trên tính hiệu quả sẽ là loại bỏ được những cơ quan cho đến nay vẫn là những cái nôi nuôi dưỡng tham nhũng.

Đây là một hội chứng kinh niên trong một xã hội mà các đảng phái khi tham chính được chia một số bộ. Từ đó họ tự do bổ nhiệm hàng dọc, hàng ngang để rồi xem đó là cơ hội chia chác.

Rồi hình thành những câu kết chính trị – tài phiệt – truyền thông trong một số lĩnh vực kinh tế bị thao túng bởi một số tài phiệt để lũng đoạn thị trường.

Thủ tướng Tsipras nhấn mạnh ông sẽ đập vỡ cái tam giác câu kết giữa các đảng chính trị, các “ông trùm” kinh tế, cùng ông chủ các tập đoàn truyền thông và ngân hàng.

Một vài biện pháp ông nêu ra: ngân hàng trung ương sẽ có thẩm quyền kiểm tra nguồn gốc vốn liếng các xí nghiệp truyền thông (để xem ai bỏ vốn ra báo), ấn định mức tối đa mà các ngân hàng có thể cho các đảng phái vay, cấm tuyệt các khoản cho vay dài hạn (lãi suất thấp) tức một hình thức hối lộ các đảng tham chính…

Tái cơ cấu, tinh giản bộ máy nhà nước ở Hi Lạp sẽ là thách đố căn bản mà tân Thủ tướng Tsipras phải vượt qua để có thể khẳng định với “bộ ba chủ nợ” IMF, EU và ECB rằng Hi Lạp sẽ không “quỵt nợ”, sẽ vẫn “khắc khổ” song theo cách hợp lý của mình.

Hôm qua, tân Thủ tướng Tsipras đã lệnh cho bộ trưởng tài chính mãn nhiệm Gikas Hardouvelis đang họp với “bộ ba chủ nợ” không được đề cập các vấn đề quan trọng trong khi chờ đợi một tân bộ trưởng tài chính ra mắt vào cuối ngày thứ ba (giờ địa phương).

Và đến thứ năm này, cuộc làm việc đầu tiên giữa EU và tân chính quyền Hi Lạp sẽ diễn ra giữa Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz với tân Thủ tướng Tsipras.

Nguồn: Tuổi trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề