Tuy là nước trung lập, song Thụy Điển được cho là đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh với nước Nga trong tương lai.
Tờ The Local ở Thụy Điển mới đây dẫn các tài liệu quân sự rò rỉ cho biết quân đội nước này đang âm thầm chuẩn bị một cuộc chiến tranh trong vài năm tới.
Cụ thể, Tham mưu trưởng lục quân Thụy Điển – thiếu tướng Anders Brannstrom đã đưa ra cảnh báo về khả năng Thụy Điển phải tham chiến trong tài liệu nội bộ sẽ được phát cho những người tham gia hội nghị thường niên của quân đội tại thành phố Boden vào tuần này. Tại sự kiện, giới chức chính phủ, các quan chức cấp cao trong quân đội và các học giả Thụy Điển… sẽ cùng tham gia thảo luận sự phát triển trong tương lai của quân đội.
“Dựa trên tình hình an ninh toàn cầu hiện nay và căn cứ theo các quyết định chiến lược, có thể kết luận rằng chúng ta có thể rơi vào một cuộc chiến tranh trong vài năm tới. Đối với quân đội chúng ta hiện nay, bằng mọi nguồn lực có được, chúng ta phải thực thi các quyết định chính trị”, ông Brannstrom viết trong tài liệu được đăng tải trên tờ báo địa phương Expressen ngày 27.1. Vị tướng Thụy Điển còn nhấn mạnh thêm quân đội nước này phải “có khả năng chiến đấu chống lại đối thủ mạnh”.
Theo tờ Daily Express ở Anh, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm gần đây, một đại diện cấp cao của quân đội Thụy Điển đề cập đến khả năng quốc gia này đang đứng bên bờ vực chiến tranh. Dù ông Brannstrom không nêu rõ đối thủ lớn là ai, song có thể ngầm hiểu ông ám chỉ đến Nga, theo Hãng tin Sputnik. Hiện các nước liên quan chưa đưa ra bình luận về thông tin rò rỉ trên.
Đẩy mạnh quốc phòng
Lần cuối cùng Thụy Điển tham chiến là vào năm 1814, thời điểm nước này đánh bại Na Uy và buộc Oslo gia nhập liên minh với mình. Tuy nhiên, kể từ đó Thụy Điển giữ chính sách trung lập trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới của thế kỷ 20 và duy trì lập trường không đối đầu trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, theo Đài RT.
Kể từ thập niên 1990, Thụy Điển đã thu nhỏ quy mô quân đội và đến năm 2010, nước này đã bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự thời bình và thay vào đó chỉ sử dụng lực lượng tình nguyện. Thế nhưng 4 năm sau đó, chế độ trên lại được khôi phục sau khi Nga và phương Tây lâm vào thế đối đầu căng thẳng do cuộc khủng hoảng Ukraina leo thang, làm gia tăng lo ngại về tình hình an ninh tại châu Âu.
Cũng trong năm 2014, hải quân Thụy Điển đã triển khai lực lượng gồm nhiều tàu chiến và máy bay tham gia chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn trước thông tin về một vật thể được cho là tàu ngầm Nga xuất hiện gần vùng đảo Gotland.
Stockholm rốt cuộc không tìm thấy bất cứ con tàu nào và quân đội Thụy Điển đã thừa nhận bức ảnh “tàu ngầm Nga” thực ra chỉ là ảnh chụp một chiếc tàu bình thường. Tuy vậy, vụ việc trên không ngăn cản được quân đội Thụy Điển đề xuất tăng ngân sách quốc phòng trong những năm 2016 – 2020 lên thêm 696 triệu USD, để củng cố lực lượng nhằm đối phó mối đe dọa từ tàu ngầm Nga. Thụy Điển cũng úp mở ý định phát triển mối quan hệ khắng khít hơn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc thậm chí trở thành thành viên của liên minh này.
Bên cạnh đó, công dân Thụy Điển cũng ngày càng ủng hộ việc gia nhập NATO. Năm 2013, chỉ 29% số người được hỏi ủng hộ động thái trên nhưng tỷ lệ này đã tăng lên 41% trong năm 2015. Điều đó khiến Moscow không hài lòng và xem đây là mối đe dọa an ninh quốc gia Nga. Hồi đầu tháng 1 vừa qua, Thụy Điển đã ký kết một thỏa thuận song phương với Đan Mạch nhằm gia tăng hợp tác quân sự. Trước đó, Stockholm cũng đã ký hiệp ước hợp tác quân sự với Phần Lan.
Danh Toại (thanhnien.vn)
Trả lời