Thêm nhiều bằng chứng về sự can dự quân sự của Nga ở Ukraine

Các nhà quan sát nhân quyền của Liên hiệp quốc nói rằng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy quân đội Nga can dự trong cuộc chiến tranh tại Ukraine. Phái bộ quan sát nhân quyền của Liên hiệp quốc tại Ukraine vừa phổ biến phúc trình thứ 10 về tình hình nước này trong khoảng thời gian từ ngày 16 tháng 2 đến ngày 15 tháng 5. Thông tín viên đài VOA Lisa Schlein tường thuật từ Geneva.

Nga phủ nhận việc binh sĩ của họ tham chiến tại miền đông Ukraine, và nói rằng những người lính Nga chiến đấu bên cạnh các phiến quân Ukraine đòi ly khai thân Nga là những người tình nguyện. Khi các lực lượng vũ trang Ukraine bắt sống hai người Nga hồi tháng trước, Điện Kremlin không công nhận những người đó là binh sĩ của quân đội chính quy của Nga.

Nhưng Trợ lý Tổng thư ký Liên hiệp quốc đặc trách nhân quyền, ông Ivan Simonovic nói rằng các nhà quan sát sau khi phỏng vấn riêng các binh sĩ Nga hôm 21 tháng 5 đã đi đến một kết luận khác.

“Ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy các quân nhân hiện dịch của Nga hoạt động tại Ukraine. Chúng tôi rất thận trọng với những trường hợp đó, bởi vì chính những người chúng tôi gặp là những đối tượng của cơ quan điều tra hình sự quốc gia của Ukraine, và những người đó bị cáo buộc là khủng bố, và dĩ nhiên những người đó đang ở trong tình thế hết sức nguy hiểm bởi vì cả Nga cũng đang theo dõi sát để xem những người đó thổ lộ những thông tin gì, hay không nói những gì.”

Ông Simonovic nói rằng cũng có những tin tức cho hay các loại vũ khí hạng nặng tinh vi và binh sĩ được Liên bang Nga đưa sang.

Phúc trình nói rằng hơn 6.400 người đã thiệt mạng và gần 16.000 người bị thương ở miền đông Ukraine trong khoảng thời gian từ giữa tháng 4 năm 2014 đến cuối tháng 5 năm nay. Phúc trình nói đó là một con số ước tính có tính chất thận trọng và con số trên thực tế có thể cao hơn. Phúc trình cũng cho biết 1,2 triệu người bị thất tán trong nước và hàng trăm ngàn người chạy sang Nga hoặc những nước khác để tị nạn.

Phúc trình nói nạn pháo kích bừa bãi đã giảm đi rất nhiều kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn Minsk được ký kết ngày 12 tháng 2, nhưng pháo kích chưa chấm dứt hoàn toàn, và thường dẫn vẫn tiếp tục sống trong lo âu, sợ hãi.

Phúc trình ghi nhận hàng loạt vụ vi phạm nhân quyền. Ông Simonovic nói với đài VOA rằng hai bên cáo buộc lẫn nhau phạm tội ác chiến tranh, nhưng hồ sơ về các vi phạm tội ác đó nhiều hơn ở các khu vực của phiến quân.

“Về các nhóm vũ trang, có những cáo buộc giết hại, tra tấn, ngược đãi, cưỡng bức lao động, cướp bóc, bắt người đòi tiền chuộc, tống tiền. Về cả hai bên, chúng tôi ghi nhận được các cáo buộc – và đối với các nhóm vũ trang, có những hồ sơ cáo buộc trong đó có những vụ hành quyết không thông qua thủ tục pháp lý. Về phía chính phủ, chúng tôi ghi nhận được những cáo buộc mà chúng tôi vẫn tiếp tục điều tra.”

Phúc trình nói vi phạm nhân quyền tiếp tục diễn ra ở Crimea kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo này vào ngày 4 tháng 3 năm 2014. Phúc trình ghi nhận những vụ bắt bớ, ngược đãi, tra tấn, và hăm dọa đối với những người bất đồng chính kiến, chủ yếu là thuộc cộng đồng người Tatar ở Crimea.

Theo Voa 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề