Tâm thư của một “con lợn” gửi nhà văn Trang Hạ

Ngay sau bài viết Trang Hạ: “Đàn ông về nhà chỉ ăn – tắm – ngủ khác gì con lợn“, nhà thơ trẻ Trương Xuân Thiên đã tự nhận mình là một con lợn và viết thư gửi đến nhà văn Trang Hạ.

Thưa cô Trang Hạ!

Trước hết tôi xin tự giới thiệu tôi là một thằng đàn ông mà sau khi đọc bài viết của cô tự thấy mình là một con lợn đực. Một con lợn đích thực. Một con lợn giống như bao con lợn khác ở đất nước này từ cổ chí kim đa phần mỗi khi về đến nhà chỉ biết ăn ngủ và… tắm.

Về phần này, đôi lúc tôi còn là con lợn tệ nạn, hay thậm chí không được bằng con lợn vì nhiều hôm còn không thèm tắm. Ví như hôm nay chẳng hạn. Trời lạnh quá lợn có quyền không tắm cô nhỉ? Có đôi khi con lợn tôi không ăn mà chỉ ngủ, bởi trước khi vác xác về nhà đã nhậu lu bu say bí tỉ với bạn bè. Tất nhiên con lợn tôi nhiều lúc cũng cố gắng chia sẻ việc này việc kia trong bếp, cũng bóc hành đuổi ruồi giúp vợ nấu cơm, cũng tíu tít nói cười vui vẻ khi vợ đang rửa bát, hay cũng pha cho vợ ly lipton trong lúc nàng đang phơi phóng quần áo. Hẳn như thế tôi cũng chưa hẳn là con lợn bỏ đi hoàn toàn, trong sâu thẳm con lợn ấy vẫn còn chút… “heo cách” phải không cô?

Chắc cô cũng biết lợn cũng có năm bảy loại lợn. Và chẳng có con lợn nào ngay khi sinh ra chỉ muốn sau này đời mình chỉ quẩn quanh ăn, tắm và ngủ. Tổ tiên chúng tôi cũng sục sạo khắp nơi, cũng đào bờ đào bụi, cũng sẵn sàng nhe năng chiến đấu với kẻ thù rình rập để bảo vệ bầy đàn, cũng tung tăng trên bờ dưới bãi, và cũng… yêu nữa đúng không cô?

Nhà thơ trẻ Trương Xuân Thiên: “Chưa làm lợn nên hẳn cô không biết đó thôi, làm lợn cũng chẳng sung sướng gì đâu cô ơi”.

Nhưng số phận đã sắp đặt loài lợn ngày nay phải ăn – ngủ – tắm để phù hợp với tiêu chí tăng trọng nhanh và… siêu nạc nữa. Dần dần, loài lợn chúng tôi trở nên thụ động và chỉ còn biết ăn, ngủ cô ạ. Chúng tôi đâu muốn thế, là nhà văn hẳn cô hiểu điều tôi muốn nói. Bản chất chúng tôi không hẳn như thế nhưng xã hội này với nền văn hóa lúa nước mang nặng tính nông nghiệp này nó đã như thế rồi. Chỉ ăn, ngủ, tắm cũng không hẳn là không biết thương vợ, thương con đâu cô ạ.

Chưa làm lợn nên hẳn cô không biết đó thôi, làm lợn cũng chẳng sung sướng gì đâu cô ơi. Một ngày phải ở cơ quan ít nhất 10 tiếng, rồi phải lo toan tính toán đủ thứ. Lúc nào cũng có cả một gánh nặng tài chính, gánh nặng công việc trên vai. Nhiều lúc cũng muốn… xõa, muốn đổi cho vợ, mình làm vợ, vợ làm lợn nhưng vợ nhất quyết không chịu đổi. Suy cho cùng vợ làm lợn không thể bằng chồng, mà lợn làm vợ không thể bằng vợ xịn được. Xã hội tự nó đã phân công như thế. Tự nhiên đã ban cho mỗi phái những đặc điểm như thế. Sinh ra và lớn lên đã được giáo dục như thế. Trách nhiệm với gia đình và xã hội quy định mình phải như thế. Lối sống đã ăn sâu vào máu như thế rồi cô ạ. Bởi vợ ai không biết chứ vợ tôi thích tôi làm lợn mới khổ chứ.

“Vợ ai không biết chứ vợ tôi thích tôi làm lợn mới khổ chứ”.

“Vợ ai không biết chứ vợ tôi thích tôi làm lợn mới khổ chứ”.

Thưa cô Trang Hạ, chẳng biết hoàn cảnh hay nền văn minh cô đang sống thế nào chứ cứ như gia đình tôi, vợ tôi nhất quyết không cho tôi từ bỏ quyền làm lợn cô à. Nói đúng hơn vợ tôi thích tôi làm lợn. Cô ấy tranh thủ đi học lớp nữ công gia chánh và mỗi khi có dịp là trổ tài nấu nướng, cắm hoa, thuê thùa, may vá. Trong lúc cô ấy nấu nướng thì tôi giúp cô ấy cắm nồi cơm điện. Khi hai vợ chồng đi siêu thị thì tôi chỉ có nhiệm vụ đẩy xe hay xách giỏ hàng.

Tôi chọn cách chia sẻ với vợ bằng cách giúp cô ấy những thứ lặt vặt và trò chuyện. Và mỗi khi tôi rửa bát thì cô ấy lại giành lấy cho mình. Trước khi lấy vợ tôi vẫn tự tay làm tất cả những việc ấy. Mỗi khi vợ đi vắng hay đau ốm tôi vẫn làm tốt những công việc nhà một cách bình thường. Nhưng đa số cánh đàn ông chúng tôi bắt đầu đổ đốn ra như thế từ khi lấy vợ. Bụng to ra, lười đi. Có lẽ chồng biến thành lợn là do phụ nữ trong gia đình đa số đều mong muốn khi thế. Hẳn cô sẽ cho là ngụy biện. Có thể cô đúng.

“Trang Hạ- Nhà văn đanh đá”

Bởi suy cho cùng có thể cô cũng tặc lưỡi: “Xin lỗi, cũng chỉ là con lợn”

Tôi biết vợ vui khi tôi đổi xe cho vợ từ Attila sang LX, khi tôi thay máy giặt cũ sang máy giặt có chức năng sấy. Cô ấy hãnh diện khi tôi có thể kiếm đủ tiền để đóng học phí cho con học trường chuẩn quốc tế. Cũng đôi lần chúng tôi nghĩ đến phương án thuê người giúp việc nhưng thời buổi này tìm người giúp việc như ý mình quá khó. Vả lại làm thế tôi sợ cô lại ví von vợ tôi là… lợn nái thì oan cho cô ấy quá.

Một mình tôi làm lợn là quá đủ rồi cô nhỉ. Vợ tôi bảo cô ấy vui nhất là khi cô ấy nấu nướng xong thì cả nhà ăn bằng hết và khen ngon. Có thể cô nghĩ gia đình tôi lạc hậu, nhưng chúng tôi đang cảm thấy phù hợp và tạm hài lòng với những gì đang diễn ra.

Thưa cô Trang Hạ, một vài lời mạo muội gửi đến cô mong cô thông cảm cho tôi. Bởi suy cho cùng có thể cô cũng tặc lưỡi: “Xin lỗi, cũng chỉ là con lợn”. Nhưng ngay cả khi là con lợn tôi cũng không có diễm phúc và không bao giờ chấp nhận làm con lợn của cô.

Chúc cô bình an và nhiều niềm vui trong cuộc sống!

Lan Anh (Theo Afamily)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 3 phản hồi cho bài viết “Tâm thư của một “con lợn” gửi nhà văn Trang Hạ”:

  1. Mình thấy lợn cũng đáng yêu mà có j phải bức xúc nhỉ 😀

  2. Hoàng Xuân Kiểm viết:

    Cháu tôi nó hỏi: Thưa ông, sao lại ví người như con lợn hả ông? – Tôi trả lời cháu: Văn mà con. Thì có ví von thì mới gọi là văn. Nhưng con lợn nó bẩn lắm, eo ôi… – Sao người ta không ví khác đi cho dễ chịu hả ông? – Thì nhà văn người ta ví chứ có phải ông ví đâu. Đó là văn của người ta, biết họ ở đâu mà hỏi. – Vậy nhà văn là gì ạ.? Cô giáo bảo cháu “văn là người”, “nhà văn là người viết văn”, “văn còn là văn hóa” thế mới có từ “văn vật”… “văn minh”… Trang Hạ là ai hở ông? – Thì cô Trang Hạ là nhà văn chứ còn là ai nữa… Con không thấy người ta viết “Nhà văn Trang Hạ” đấy à. – Cố ấy không có văn cũng gọi là nhà văn được hở ông? – Ừ thì, người ta viết là “nhà văn” chứ ông đâu biết. Chắc cô ấy có cái bằng “nhà văn”. – Thế không có văn mà lại có bằng cũng được hả ông? – Ừ thì cũng có “nhà văn” như thế, nhưng không phải ai cũng vậy… – Thế mà cô giáo cứ khuyên cháu sau này lớn lên thì làm nhà văn vì con có bài tập làm văn “Kể chuyện bố em” được 10 điểm. Bố cháu hôm nào cũng đi làm sớm, về muộn… Mẹ cháu thương bố cháu lắm… pha nước cho bố cháu tắm rửa hôm trời lạnh, pha nước chanh cho bố cháu uống, mở nhạc nhẹ cho bố cháu nghe. Mẹ bảo xả stress cho bố cháu bằng cách cho nghe nhạc nhẹ… mà không được vặn to… bắt ngồi vào ghế sofa và vặn nhỏ quạt cho bố cháu nghỉ ngơi… – Thế lớn lên con có định làm nhà văn không nào? – Làm nhà văn như cô Trang Hạ thì thà làm con lợn còn có ích…

  3. HÀ VĂN NĂM viết:

    Bài viết của nhà thơ  trẻ Trương Xuân Thiêm 
    rất trí lý.
    Đau đớn thay khi Nhà Văn Trang  Hạ,một người phụ nữ có  hiểu biết. có học đàng hoàng .mà lại dừng những ngôn từ thô thiển ,để ví người  đàn ông như vậy nhỉ…?

Trả lời HÀ VĂN NĂM Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề