“Sở hữu toàn dân” và câu chuyện ai đang ăn oản chùa?

“Sở hữu toàn dân” là một đề tài rất nóng trong dịp sửa đổi Hiến pháp năm 2013 bởi nó đụng tới hai vấn đề căn cốt mà xã hội quan tâm: tham nhũng đất đai và minh bạch trong quản trị tài sản quốc gia. Bởi vậy, khi dự thảo Bộ luật Dân Sự (đang được đem ra lấy ý kiến nhân dân cho đến hết ngày 5-4-2015) đề cập vấn đề này, ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận, và tiếp tục dấy lên hai câu hỏi cũ:

Thứ nhất, tại sao các quốc gia văn minh nhất trên thế giới không sử dụng hình thức “sở hữu toàn dân” mà chỉ sử dụng sở hữu nhà nước, nhưng họ quản trị tài sản quốc gia hiệu quả hơn, ít thất thoát hơn, ít tham nhũng hơn ta?

Thứ hai, “sở hữu toàn dân” có mang lại lợi thế cho một nhóm lợi ích nào đó không?

Trước khi cùng đi tìm câu trả lời, tôi xin kể lại câu chuyện mà anh bạn chung phòng người Do Thái rất tự hào kể cho tôi về cách phân chia lợi ích khi đào được hũ đồng xu vàng: Cùng tâm niệm về quy tắc “lộc bất tận hưởng”, người nông dân Trung Quốc lấy que vạch ra một vòng tròn, lấy mình làm trung tâm, tung những đồng xu vàng lên trời và tuyên bố “đồng xu nào trong vòng tròn là của tôi, ngoài vòng tròn là của dân làng”. Người nông dân Ấn Độ dùng que vạch ra một đường thẳng, tung những đồng xu vàng lên trời và tuyên bố “đồng xu nào nằm bên trái là của tôi, nằm bên phải sẽ thuộc về người hàng xóm”. Người nông dân Do Thái có một cách phân xử khác, sau khi tung những đồng xu vàng lên trời, ông ta tuyên bố “đồng xu nào bay lên trời là của thượng đế, đồng xu nào rơi xuống đất là của tôi”.

Toàn dân không phải là một thực thể pháp lý

Điểm mặt các doanh nghiệp tầm cỡ ở Việt Nam, thấy họ rất ít liên quan đến công nghiệp, dịch vụ, mà chủ yếu liên quan bất động sản. Sự giàu lên của các “đại gia” bất động sản trong hai thập kỷ qua đã tạo nên lớp váng giàu có, tạo ra sự hào nhoáng Việt Nam

Nhân dân đã được “nâng niu” với tư cách là chủ sở hữu trong Hiến pháp, trong dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS), nhưng tại sao trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký tài sản không bao giờ gặp tên chủ sở hữu nào mang tên “toàn dân” hay “nhân dân”? Tại sao trong các giao dịch về tài sản trên toàn thế giới, không có giao kết nào, mà một bên chuyển nhượng tài sản hay nhận chuyển nhượng tài sản là “toàn dân“?

Thứ nhất, “toàn dân” là một khái niệm về mặt lịch sử, chính trị, văn hóa, nhưng dưới góc độ pháp lý, không phải là một thực thể pháp lý (legal entity) theo bất kỳ hệ thống pháp luật nào trên thế giới. Giống như khái niệm “đám đông” (mob), “công chúng” (pubic) ở Việt Nam là một khái niệm chính trị học, báo chí, nhưng không thể trở thành một thực thể pháp lý, một chủ sở hữu độc lập được.

Thứ hai, chính vì lý do trên, trong tất cả thủ tục tố tụng trước tòa án quốc gia cũng như quốc tế, thủ tục khiếu nại trước cơ quan hành chính, “toàn dân” không bao giờ là bị đơn, nguyên đơn được cả. Hay nói cách khác, toàn dân có tiếng nói chính trị, nhưng khi khởi kiện để bảo vệ lợi ích theo thủ tục tố tụng, thì “toàn dân” là một chủ thể câm lặng. Điều này đặc biệt đúng, tại các quốc gia nào không sử dụng trưng câu dân ý, thì việc phát ngôn nhân danh “toàn dân” đều không có cơ sở chắc chắn. Mà chúng ta có thể thấy rõ điều này trong vụ chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội vào tháng 3-2015, ai cũng có thể nhân danh “nhân dân” để nói rằng “đa số nhân dân ủng hộ việc chặt cây”, hay ngược lại “đa số nhân dân kịch liệt lên án” một ai đó.

Thứ ba, nếu một quốc gia nào quy định tất cả tài sản quốc gia không do nhà nước, cơ quan nhà nước sở hữu, mà giao cho hàng trăm triệu công dân của một quốc gia làm đồng chủ sở hữu thì sẽ họ sẽ đón nhận một trong hai rắc rối:

Nếu hàng trăm triệu công dân là chủ sở hữu đích thực, chính họ mới có quyền định đoạt số phận từng tài sản công. Đây là một điều bất khả thi, và sẽ không có đối tác nào chịu làm ăn, hợp tác với một loại hình chủ sở hữu rắc rối, thủ tục định đoạt phức tạp như vậy;

Hoặc nếu hàng trăm triệu cư dân này “ủy quyền định đoạt” cho nhà nước rồi sau đó nhà nước toàn quyền định đoạt việc mua bán tài sản mà không cần phải hỏi lại chủ sở hữu, thì quyền sở hữu thực sự đã chuyển sang tay nhà nước. Trong trường hợp này thì giao dịch giữa “toàn dân” và người mua chỉ là một giao dịch trá hình, nhằm che đậy giao dịch thực chất là giao dịch giữa nhà nước – ông chủ đích thực – và người mua. Chúng ta có thể dễ hình dung điều này khi cơ quan thuế của Việt Nam gần đây đã kiên quyết đánh thuế chuyển nhượng bất động sản đối với “hợp đồng ủy quyền định đoạt bất động sản”, với lý do đây là giao dịch trá hình, để che đậy giao dịch thực chất là giao dịch mua bán bất động sản.

Ai hưởng lợi, nhìn từ… đất?

Điểm mặt các doanh nghiệp tầm cỡ ở Việt Nam, thấy họ rất ít liên quan đến công nghiệp, dịch vụ, mà chủ yếu liên quan bất động sản. Sự giàu lên của các “đại gia” bất động sản trong hai thập kỷ qua đã tạo nên lớp váng giàu có, tạo ra sự hào nhoáng Việt Nam và Rolls-Royce, Hermès ngay lập tức có mặt để phục vụ lớp váng này. Nhưng ở một thái cực khác, những người bị thu hồi đất đai với giá tương đương ba bát phở một mét vuông để cho nhà đầu tư xây lên khu đô thị đẳng cấp trở thành đám đông thầm lặng ở nơi khác, vùng khác. “Toàn dân” được hưởng lợi trong những phi vụ thu hồi đất đai béo bở này là ai? Các đại gia bất động sản “cũng là dân”, nông dân mất đất “cũng là dân”.

Nếu mỗi người dân Việt Nam đều có quyền sở hữu chính danh trên mảnh đất của mình, thì không thể áp dụng thủ tục thu hồi đất đai, mà phải là thủ tục trưng mua. Rõ ràng, thủ tục trưng mua sẽ công bằng hơn cho người dân mất đất, nhưng sẽ khó khăn hơn cho người muốn có đất. Nếu không có “cổ phần hóa sau một đêm của Liên Xô” thập niên 1990 thì sẽ không có thế hệ tỉ phú sau một đêm ở Nga?

Nếu đừng thần thánh hóa quyền lực nhà nước, mà hãy tượng tượng công dân như các cổ đông, còn nhà nước như công ty cổ phần hoạt động nhằm mang lại lợi ích cho cổ đông, thì cần phân biệt tư cách chủ sở hữu của cổ đông và tư cách chủ sở hữu của công ty. Ô tô, trụ sở, máy móc là tài sản của công ty, không phải của cổ đông; đến lượt bản thân công ty lại trở thành tài sản của tất cả cổ đông.

Cho nên, nếu thần thánh là có thật thì thầy tế không bao giờ được ăn oản chùa cả, lập ra chùa chẳng ích gì cho thầy tế. Nếu thượng đế là có thật thì người Do Thái đã không dại gì tung hũ tiền vàng lên trời.

TBKTSG


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề