Sau ngày đặc xá, ông Đoàn Văn Vươn làm gì?

“Tôi nghĩ mình sẽ bắt tay vào làm việc ngay, không cần nghỉ ngơi nữa”, ông Đoàn Văn Vươn tâm sự.

Ông Vươn vẫn muốn làm đầm tôm

Đúng 10h sáng 31/9, sau khi nhận được quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn, ông Đoàn Văn Vươn cùng em trai là Đoàn Văn Quý, đã chính thức trở thành những công dân tự do.

Cầm tờ quyết định trên tay, ông Vươn không giấu nổi cảm giác vui sướng, nghẹn ngào nói: “Tôi rất hồi hộp, tôi mong từng ngày được gặp vợ con, anh em họ hàng. Và bây giờ điều đó đã thành sự thật. Tôi cám ơn rất nhiều…”

Vây quanh người đàn ông sinh năm 1963 này và em trai là tất thảy 16 người thân, đều đến từ vùng quê Cống Rộc – Vinh Quang – Tiên Lãng – Hải Phòng, nơi mà gần 4 năm trước xảy ra vụ việc “cưỡng chế đầm tôm” chấn động dư luận cả nước.

Ông Đoàn Văn Vươn (trái) cùng em trai Đoàn Văn Quý chính thức thành công dân tự do từ ngày 31/8

“Không ngày nào tôi không nghĩ về đầm tôm của mình. Tôi tha thiết muốn nhìn thấy nó, muốn được trầm mình xuống dưới dòng nước trong xanh và muốn tự tay đặt những lờ tôm lớn. Tôi nghĩ mình sẽ bắt tay vào làm việc ngay, không cần nghỉ ngơi nữa”, ông Vươn tâm sự.

Theo lời người đàn ông này, tận sâu trong tâm khảm, không phải ông chưa từng nghĩ đến việc rũ bỏ công việc cũ vì bản thân nó đã gieo cho ông quá nhiều muộn phiền. Tuy nhiên cứ khi tĩnh tâm lại, ông lại càng thêm thôi thúc quai đê, lấn biển.

“Tôi khởi nghiệp bằng việc bán tài sản, vay mượn khắp nơi, chịu nhiều thiệt hại mất mát trong quá trình lấn biển, bao gồm cả việc mất đi cô con gái đầu lòng vì cháu bị ngã xuống mương. Giờ lại thêm viêc này nữa. Tôi không muốn tất cả trở nên vô ích”, ông Vươn nói.

Đầm tôm của ông Vươn chỉ còn là đống hoang tàn sau vụ cưỡng chế hôm 5/1/2012

Chính vì lẽ đó, ông Vươn trong lúc ở trại đã liên tục nhắn nhủ vợ con hãy tiếp tục công việc ông còn dang dở ở đầm tôm, một ngày trở về, ông sẽ gây dựng và cải tạo nó to đẹp hơn.

Tâm sự của những người vợ

Việc tận mắt chứng kiến những đổi thay ở đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã khiến nhóm phóng viên chúng tôi thấu hiểu hiểu được phần nào mong muốn của ông.

Ở nơi đó, trước khi 2 người đàn ông được trở về, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Báu (vợ ông Quý) cùng 4 cháu trai cùng dọn về đùm bọc nhau qua những ngày nắng cháy mưa tuôn trong căn chòi rách xây tạm bợ cạnh căn nhà bị phá hủy.

Nơi đầm tôm, hai người phụ nữ này vừa phải làm tròn bổn phận người mẹ, vừa phải thay người đàn ông trong một gia đình nuôi dạy các con và quán xuyến công việc.

Đều đặn mỗi tháng một lần, hai bà lại vượt quãng đường gần 100km đến trại giam Hoàng Tiến để chăm nuôi, động viên chồng.

Căn chòi rách này đã từng là nơi cư ngụ của gần 10 người trong khi 2 trụ cột của gia đình thụ án

Hai khu đầm tôm ngày trước rộng mênh mông, tuy nhiên do thiếu bàn tay gánh vác của những người đàn ông nên nay đã hoang tàn và bị thu hẹp đi nhiều.

Hai người phụ nữ chọn phương án cho thuê lại một phần đầm để lấy đó trang trải cuộc sống.

Ngày đó, khi chưa xây được nhà trong làng, những ngày mưa bão, hai chị em bà Thương cùng với đứa cháu ngoại phải chuyển hết trẻ con lên gửi trong làng. Đêm hôm phải mặc áo phao thức trắng đêm lo đầm có bị vỡ không, nước đang lên có ngập lụt không?…

“Nhiều khi, đêm mưa bão gió to, hai chị em đi trên bờ đầm suýt bị gió cuốn phăng xuống đầm. Nghĩ lại mà thấy sợ.

Cũng may nhờ trời, mấy năm làm đầm không bị thất bát, không được thu lớn nhưng cũng có đồng ra đồng vào, đủ trang trải cho việc thăm nuôi ông Vươn, ông Quý trong trại và lo cho các cháu học hành, công việc đối nội, đối ngoại trong gia đình”, bà Báu chia sẻ.

Căn nhà này được các cá nhân và tổ chức ở huyện Tiên Lãng xây dựng giúp đỡ gia đình ông Đoàn Văn Vươn

Trước hoàn cảnh đó, Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng cùng các tổ chức xã hội đã đã xây tặng thêm một căn nữa cho gia đình bà, kiên cố hơn.

Do cuộc sống tại đầm tôm quá khó khăn, việc đi học của các cháu nhỏ xa xôi, vất vả, gia đình ông Vươn được người thân và bà con chòm xóm giúp đỡ chuyển vào trong làng. Tại đây, hai bà vợ đã xây dựng được một căn nhà mới để cùng chung sống.

Hiện tại, khi mọi khó khăn đã qua đi, 2 người đàn ông đã được trở về trong vòng tay của người thân. 2 người phụ nữ mới dám thở phào, cùng hướng mắt nhìn về những tương lai tươi sáng…

Nguồn Soha & trí thức trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Có 1 phản hồi cho bài viết “Sau ngày đặc xá, ông Đoàn Văn Vươn làm gì?”:

  1. Sao Mai viết:

    Tôm bây giờ đang mất giá lắm, Bác Vươn đừng có trở lại công việc này nữa. Nghề thích hợp với Bác lúc này là đi hướng dẫn những gia đình dân oan khác cách bố trí đội hình để chống quân đội và côn an ăn cướp đất cho chủ của chúng, cách tạo bom bằng bình ga, cách đặt súng hoa cải… Thủ tướng 3X đang đứng sau lưng Bác, nếu như đối tượng ăn cướp của dân không nằm cùng phe cướp của 3X.

Trả lời Sao Mai Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề