Con trai chủ tịch Samsung đã lãnh trách nhiệm điều hành tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc này từ hơn một năm qua, nhưng ông sẽ không được bổ nhiệm làm chủ tịch khi cha ông vẫn còn sống.
Dù chưa nắm giữ cương vị chủ tịch tập đoàn, Lee Jae Yong, con trai chủ tịch Lee Kun Hee, đang tạo nên những dấu ấn của riêng mình tại Samsung, theo Bloomberg.
Trong lúc ông Lee Kun Hee cần thời gian để dần hồi phục sau cơn đau tim cách đây một năm, con trai duy nhất của ông đang tiến hành tái cơ cấu phần sở hữu của gia tộc trong tập đoàn Samsung, thực hiện nhiều thương vụ sáp nhập và gặp gỡ các nhà lãnh đạo từ chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới CEO của Apple Tim Cook.
Cùng lúc, “viên ngọc” của tập đoàn là Samsung Electronics đã cho ra mắt smartphone Galaxy S6, sản phẩm được người tiêu dùng mong đợi, và cam kết sẽ chi 15 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn tại Hàn Quốc.
Trong thời gian qua, ông Lee Jae Yong, 46 tuổi, đã gánh trách nhiệm lãnh đạo tập đoàn gia đình (chaebol) lớn nhất Hàn Quốc với khoảng 70 công ty con. Tuy nhiên, quy tắc văn hóa của các chaebol khiến ông không được chính thức làm chủ tịch khi cha ông vẫn còn sống.
Samsung công bố rất ít thông tin về việc thừa kế, và trong thời gian chủ tịch tập đoàn này vắng mặt do vấn đề sức khỏe, không hề có sự thay đổi nào với các vị trí giám đốc điều hành. Song con trai ông ngày càng có vai trò lớn hơn và đưa ra những chiến lược dài hạn.
“Có vẻ như Lee Jae Yong đang cố gắng truyền đi một thông điệp rằng Samsung dưới thời của ông sẽ khác với thời của cha mình”, Lee Sang Hun, một nhà phân tích tại Công ty Đầu tư & Chứng khoán HI, nhận định. “Về nguyên tắc, Lee Jae Yong không phải là chủ tịch của Samsung, nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng thực tế thì ông ấy là chủ tịch”.
Cách làm của Samsung khác với những tiêu chuẩn bên ngoài Hàn Quốc. Ví dụ, hầu hết các công ty Mỹ sẽ ngay lập tức cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin về người kế nhiệm khi có một người rời nhiệm sở. Những công ty không cung cấp thông tin đầy đủ sẽ chịu rất nhiều áp lực về việc công bố thông tin.
Samsung không đưa ra thông tin cụ thể về quá trình chuyển giao quyền lực của chủ tịch Lee Kun Hee, và cũng không có thông báo nào về việc ông bị đau tim, cho đến khi báo giới đặt câu hỏi.
Ở Hàn Quốc, việc người thừa kế lên nắm quyền thay cha tại tập đoàn gia đình sẽ tương tự như một cuộc cách mạng, giáo sư kinh tế Kim Sang Jo tại Đại học Hansung, Seoul cho biết.
“Vị trí chủ tịch sẽ không được giao cho Lee Jae Yong đến khi ông Lee Kun Hee qua đời. Đây là văn hóa chaebol rất độc đáo của Hàn Quốc”, ông Kim nói.
Điều đó có nghĩa là Lee Jae Yong, hay còn được gọi là Jay Y, vẫn đang trong quá trình “học việc” với vai trò lãnh đạo Samsung, một tập đoàn mà mỗi công ty con của nó trong các ngành công nghệ, bảo hiểm, xây dựng và thời trang đều có bộ máy điều hành riêng.
Công ty điện tử Samsung là đơn vị tạo ra nhiều doanh thu nhất trong tập đoàn, và hiện có ba đồng tổng giám đốc, tất cả đều do chủ tịch Lee bổ nhiệm.
Jay Y đã được chuẩn bị để trở thành nhà lãnh đạo tiềm năng kể từ khi ông vào làm việc ở Samsung vào năm 2001. Ông tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul, trường đại học hàng đầu Hàn Quốc, và có bằng thạc sĩ từ Đại học Keio của Nhật Bản. Ông cũng từng là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Harvard Business School, nhưng ông chưa nhận được học vị tiến sĩ.
Hầu hết hoạt động hàng ngày tại tập đoàn đều do các giám đốc điều hành đảm nhận, nên ông Lee Jae Yong chỉ tập trung vào việc xây dựng các định hướng chiến lược của Samsung và cắt giảm những mảng kinh doanh không cần thiết của tập đoàn đa ngành này.
“Người nước ngoài sẽ không hiểu tại sao Samsung không bổ nhiệm chủ tịch mới, nhưng đó là một điều rất độc đáo và chỉ có ở Hàn Quốc”, Chang Sea Jin, tác giả của “Sony vs. Samsung: The Inside Story of the Electronics Giants’ Battle For Global Supremacy”, cho biết.
“Hoàng đế của Samsung hiện đang trong bệnh viện và con trai của ông, thái tử, sẽ phải ở nguyên vị trí của mình cho đến khi triều đại của hoàng đế kết thúc với cái chết của ông”, ông Chang nói.
Trí Lê (Theo VnEconomy)
Trả lời