Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc – Những tác động về an ninh biển

Sách Trắng về chiến lược quân sự mới của Trung Quốc công bố ngày 26/5/2015 đang tạo nên những “gợn sóng” trong giới chiến lược toàn cầu. Đối với Ấn Độ, chiến lược quân sự mới của Trung Quốc là một mối quan ngại, bởi nó thể hiện tư tưởng bành trướng của Bắc Kinh.

Sách Trắng Quốc phòng được Quốc vụ viện Trung Quốc bắt đầu công bố từ năm 1998, nhưng đây là lần đầu tiên Sách Trắng nói rõ chiến lược quân sự, kêu gọi thể hiện sức mạnh hải quân ở những vùng biển gần, thậm chí thảo luận khả năng tăng cường sự hiện diện của hải quân nước này ở những vùng đại dương xa xôi.

Mặc dù nhiều lập trường chính sách hải quân của Trung Quốc trong Sách Trắng đã được biết đến, song thời điểm công bố Sách Trắng nói lên một số thông điệp và ý định của Bắc Kinh. Tại thời điểm căng thẳng trong khu vực gia tăng trước hành động bồi lấn của Trung Quốc tại các đảo tranh chấp ở Biển Đông, chiến lược quân sự mới của Trung Quốc càng làm tăng quyết tâm của Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại Thái Bình Dương…

Về phía Ấn Độ, khía cạnh quan tâm nhất về chiến lược quân sự mới của Trung Quốc là khả năng hoạt động quân sự lớn hơn của Bắc Kinh tại Ấn Độ Dương. Trong những ngày qua, các cuộc thảo luận về Sách Trắng của Trung Quốc đã xoay quanh một điểm chính là “dần dần chuyển hoạt động của hải quân Trung Quốc sang phòng thủ ngoài khơi, với nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển khơi”. Lực lượng hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ sớm tăng cường khả năng đánh chặn chiến lược, phản công, diễn tập trên biển, triển khai các hoạt động chung trên biển, tiến hành các hoạt động phòng thủ và hỗ trợ toàn diện. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi những nhiệm vụ như vậy của hải quân Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng hiện diện lâu dài của Trung Quốc tại các vùng bờ biển thuộc khu vực Ấn Độ Dương.

Cùng với những phát triển chiến lược gần đây nhất của Bắc Kinh tại Nam Á, Sách Trắng Quốc phòng của Trung Quốc đã đề ra một chiến lược biển khơi quyết đoán hơn, đặc biệt khả năng hiện diện lớn hơn của lực lượng hải quân PLA tại khu vực Ấn Độ Dương (IOR). Không phải ngẫu nhiên mà một phần chính trong đề nghị mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về xây dựng hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, với vốn đầu tư 46 tỷ USD, lại có kế hoạch phát triển cảng Gwadar – căn cứ tiềm năng của hải quân PLA.

Mặc dù không trực tiếp nói đến sự hiện diện của hải quân PLA tại IOR, song một số phần của Sách Trắng cùng với các tài liệu bán chính thức trước đây đã lý giải câu hỏi về hoạt động của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Chẳng hạn “Sách Xanh” tại Ấn Độ Dương của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) được phát hành cách đây hai năm đã thể hiện điều đó. Với tựa đề “Báo cáo phát triển ở Ấn Độ Dương”, tài liệu được công bố năm 2013 này đã vẽ một bức tranh toàn diện về lợi ích kinh tế và an ninh ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, bao gồm cả khả năng hải quân PLA đóng vai trò an ninh lớn hơn trong khu vực. Sách Trắng mới nhất đã đề cập đến việc hải quân PLA phải “hết sức chú ý tới những thách thức trong lĩnh vực an ninh mới”, đồng thời cố gắng giành sáng kiến chiến lược trong cạnh tranh quân sự. Thực tế, việc hải quân PLA tích cực tham gia cả hợp tác an ninh khu vực lẫn quốc tế, đồng thời bảo vệ hiệu quả các lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc, sẽ khiến các nhà hoạch định chiến lược của Ấn Độ phải suy nghĩ.

Sách Trắng của Trung Quốc dường như cũng phản ứng trước những hành động do Mỹ đứng đầu để siết chặt khoảng không chiến lược của Bắc Kinh tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trên thực tế, Bắc Kinh đã bị áp lực nặng nề khi tìm phản ứng thích hợp trước vụ khiêu khích của máy bay do thám Mỹ ở khu vực xung quanh các đảo tranh chấp, thậm chí tìm cách phản bác những chỉ trích rằng PLA đã triển khai pháo binh di động trên các đảo bồi lấn. Không có gì ngạc nhiên khi Sách Trắng được coi là một phản ứng chiến lược đối với chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương và những nỗ lực của Nhật Bản trong việc sửa đổi các chính sách quân sự và an ninh của mình.

Sách Trắng không giải thích âm mưu trắng trợn của Bắc Kinh nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, tự tạo cho mình điểm mạnh hơn trên “đòn bẩy” tranh chấp tại khu vực này. Song trên thực tế, trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã bồi lấn hơn 2.000 mẫu đảo chìm và đảo san hô tại Biển Đông, dẫn tới tình hình căng thẳng trong khu vực. Đối với Ấn Độ, chiến lược quân sự mới của Trung Quốc là một mối quan ngại, bởi nó thể hiện tư tưởng bành trướng của Bắc Kinh.

Trí Lê (Theo Nghiên cứu Biển đông)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề