Trong hồ sơ Ukraina-Nga, Le Monde có bài phân tích đáng chú ý « Chiếc bóng của Sa hoàng » về người đứng đằng sau những biến động tại vùng biên giới phía Tây của Châu Âu.
Bài viết mang tựa đề « Chiếc bóng của Sa hoàng » trên Le Monde, nhận định tư tưởng chính trị của Tổng thống Nga Putin dường như là sự tiếp nối trung thành của Sa hoàng Nicolas I (1796-1855).
Ba trụ cột của chế độ Sa hoàng Nicolas đệ nhất
Trong văn phòng Tổng thống Nga có treo bức hình Sa hoàng Nicolas I, khiến những ai hiểu về lịch sử phải giật mình. Ông chủ điện Kremlin chắc chắn không ngẫu nhiên chọn bức hình của hoàng đế nói trên – hiện thân hoàn hảo nhất cho truyền thống quân chủ Nga. Học thuyết của Nicolas đệ nhất, được tuyên bố chính thức vào năm 1833, bao gồm ba trụ cột : cai trị độc đoán, đạo Chính thống và chủ nghĩa bành trướng Nga.
Về đối nội, để chống lại các hoạt động lật đổ và thuần hóa một giới quý tộc mà bản thân ông ta khinh bỉ, Nicolas I đặt đất nước dưới sự cai trị của quân đội và một hệ thống kiểm duyệt hết sức chặt chẽ. Một bộ máy cảnh sát chính trị được hình thành để kiểm soát gần như toàn bộ xã hội, ngăn chặn các tư tưởng mới nẩy nở.
Chế độ của Sa hoàng Nicolas I hoàn toàn quay lưng lại với chủ nghĩa duy lý Tây Phương, toàn bộ quyền lực nằm trong tay một người duy nhất, không có bất cứ một đối trọng nào, kể cả nhỏ nhất. Về mặt tôn giáo, với đạo Chính thống, Matxcơva tự coi là người tiếp nối ngọn lửa của đức tin Thiên chúa giáo, thay cho hai trung tâm trước đây, Roma và Constantinople, đã tàn lụi.
Về đối ngoại, chế độ Nicolas I tuyên bố tiếp tục bành trướng lãnh thổ, bảo vệ lợi ích của các kiều dân Nga, của các dân cư Slave theo đạo Chính thống ở khắp nơi.
Vào thời điểm Châu Âu bước vào giai đoạn cách mạng giữa thế kỷ 19, Nicolas I trở thành « viên sen đầm của Châu Âu », ra tay đàn áp các phong trào cách mạng tại Ba Lan, Hungary, tại Valachie, tức Rumani ngày nay, dự định can thiệp dập tắt cuộc nổi dậy của dân Bỉ chống lại ách thống trị của Hà Lan… Đế chế của Nga hoàng Nicolas I cũng làm lung lay đế quốc Ottoman hùng mạnh vào thời điểm đó. Sự bành trướng của vương triều được coi là bảo thủ nhất Châu Âu chỉ bị dừng lại sau chiến dịch của liên quân Anh-Pháp tại bán đảo Crimée 1854-1855.
Qua đời trước khi Sebastopol thất thủ năm 1855, Sa hoàng Nicolas đệ nhất đã trở thành một biểu tượng của những người dân tộc chủ nghĩa Nga, như đại diện cho một « thiên tài » Nga bất tử. Le Monde nhận định, đặt mình vào vị trí kế thừa Nicolas I, Tổng thống Putin « đang tìm cách làm sống dậy thời của đế chế Nga, lập trường của các thế lực phản động nhất của châu Âu, điều đó khiến ông ta rất được lòng dân chúng trong nước và làm mê hoặc các lực lượng chính trị cực hữu nhất tại Châu Âu ».
Nguyen Hong giới thiệu
- Gia nhập EU và NATO, nhưng không có Donbass - 9 câu hỏi về cuộc hội đàm Biden-Putin
- Sputnik V đe dọa sức khỏe của người Nga – Kết luận của các nhà khoa học Nga. Vậy còn đối với người Ukraina thì sao?
- Kết quả của cuộc họp ở Paris: núi ảo vọng bị xua tan
- Ukraina, Mỹ và Ba Lan đã ký thỏa thuận đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt
- KASPAROV: NƯỚC ĐỨC PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO NHỮNG HÀNH ĐỘNG TÀN BẠO CỦA PUTIN
- Thiên tình sử "người đẹp và cành cọ"-thất bại của Kremlin ở Malaysia
Trả lời