Phó tổng tham mưu trưởng: ‘Chọn cách tiết kiệm khi tổ chức diễu binh’
‘Quân đội có nhiều loại vũ khí hiện đại, nếu có điều kiện phô diễn để đồng bào được tận mắt nhìn thấy là rất tốt. Tuy nhiên, nhà nước chọn cách tiết kiệm’, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Văn Tuấn nói.

– Để chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành chào mừng Quốc khánh 2/9, các lực lượng tham gia đã có quá trình tập luyện như thế nào thưa Trung tướng?

– Ban chỉ đạo cấp quốc gia về các ngày lễ lớn năm 2014-2015 đã có kế hoạch tổ chức kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9 từ rất sớm. Lễ kỷ niệm gồm có mít tinh trọng thể, diễu binh, diễu hành. Diễu binh của lực lượng vũ trang bao gồm lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, dân quân tự vệ và công an nhân dân. Diễu hành gồm các tổ chức quần chúng tham gia.

Theo quy định của nhà nước thì cứ 10 năm tổ chức kỷ niệm một lần (trừ trường hợp đặc biệt như 1.000 năm Thăng Long tổ chức cách đây 5 năm). Do số lượng người tham gia rất lớn, như đợt này trực tiếp tham gia diễu binh, diễu hành đã lên đến 30.000, để tạo được khối thống nhất là rất khó khăn. Vì vậy các đơn vị phải chuẩn bị và luyện tập từ cách đây nhiều tháng. Đơn vị tập luyện lâu nhất là 4 tháng, nhanh nhất là 2 tháng.

Những bài tập khó như 220 phút đứng im, những động tác diễu binh, thẳng tiến… được tập nhuần nhuyễn. Với thời tiết nắng nóng thời gian qua, các lực lượng đã rất vất vả, trong đó số lượng lớn nữ càng khó khăn. Nhưng tất cả đều rất tập trung, có ý chí luyện tập và quyết tâm vượt qua với tâm lý vinh dự, vì không phải ai cũng được lựa chọn như mình.

Hiện nay, buổi tổng duyệt đã xong, chỉ chờ lễ chính thức. Tất cả lực lượng tham gia đều háo hức, phấn khởi.

anh-tuan-JPG-5065-1441027339.jpg

Trung tướng Võ Văn Tuấn. Ảnh: Quý Đoàn.

– Diễu binh đợt này có khác gì so với diễu binh đợt đại lễ năm 2010?

– Diễu binh lần này chúng tôi lựa chọn đơn vị tham gia căn cứ vào lực lượng quân binh chủng. Có lực lượng phát triển thêm, nên tham gia thêm. Lần này, chúng ta tập trung vào diễu binh con người, còn vũ khí trang bị không tham gia.

Tại sao nhà nước không tổ chức duyệt binh mà là diễu binh, thưa ông?

– Có quan điểm nói duyệt binh là có vũ khí trang bị đi theo, như tên lửa, máy bay, xe tăng, đạn pháo…, còn diễu binh chỉ có người diễu hành. Nhưng cũng có khái niệm cho rằng duyệt binh là có người đứng để duyệt những lực lượng đi qua. Tạm thời, nhà nước đang sử dụng diễu binh – tức là chỉ có con người mà không có vũ khí tham gia.

Có nhiều nguyên nhân chúng ta tổ chức diễu binh chứ không phải duyệt binh, trong đó có việc tiết kiệm. Với điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nhà nước chọn cách tiết kiệm vì riêng số lượng người tham gia diễu binh, diễu hành chi phí đã tốn kém, nếu có vũ khí càng tốn kém hơn.

Thông qua thông tin đại chúng, nhân dân ta đã biết rằng, hiện Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiều loại vũ khí hiện đại. Nếu có điều kiện có thể phô diễn để đồng bào được tận mắt nhìn thấy là rất tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nhà nước chọn cách tiết kiệm.

– Ban tổ chức đã lên phương án ứng phó với thời tiết và các sự cố ra sao?

– Tất cả các bộ, ngành có liên quan đều thành lập tiểu ban để bảo đảm hoạt động trong đại lễ diễn ra tốt đẹp, những sự cố, bất trắc nếu có xảy ra đều đã có phương án đảm bảo an toàn.

Khi sự kiện diễn ra, ai cũng mong thời tiết tốt, nhưng nếu thời tiết khắc nghiệt thì lễ diễu binh, diễu hành vẫn diễn ra bình thường. Như hôm tổng duyệt người dân đã nhìn thấy trong mưa gió nhưng các lực lượng tham gia vẫn tươi và tự hào. Hơn nữa, không chỉ có lực lượng diễu binh làm nhiệm vụ trong mưa, mà hàng nghìn người dân cũng đội mưa đứng dọc các tuyến phố để cổ vũ khi đoàn diễu binh đi qua.

Để có được hòa bình, độc lập, đất nước ta đã phải đánh đổi bằng sự hy sinh của hàng triệu đồng bào. Chính vì vậy, người dân, các lực lượng luôn ý thức được quân đội lớn mạnh, nhân dân đoàn kết mới bảo vệ được đất nước.

db-4106-1441069880.jpg

Lực lượng đổ bộ đường không trong buổi tổng duyệt. Ảnh: Giang Huy.

Các tuyến phố bị cấm trong thời gian diễn ra lễ diễu hành: Hùng Vương, Hoàng Văn Thụ, Chùa Một Cột, Độc Lập, Ông Ích Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, Tôn Thất Đàm, Nguyễn Cảnh Chân, Bắc Sơn, Mai Xuân Thưởng, Lê Hồng Phong, Ngọc Hà, đường Thanh Niên, Hoàng Hoa Thám (từ Mai Xuân Thưởng đến Văn Cao), Thụy Khuê (từ Quán Thánh đến Văn Cao); Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Chu Văn An, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Thái Học, Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng Tiền, Cổ Tân, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Kim Mã (từ Liễu Giai đến Nguyễn Thái Học), Liễu Giai, Văn Cao, Trần Phú, Sơn Tây, Nguyễn Chí Thanh (từ Kim Mã đến La Thành), Yên Phụ, công viên Bách Thảo, Đội Cấn (từ Lê Hồng Phong đến Văn Cao).

Ngoài ra, sẽ tạm cấm toàn bộ các loại xe ô tô tải, xe chở khách từ 24 chỗ trở lên cả ngày 2/9 gồm phố Cát Linh, Giảng Võ, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn (từ Nguyễn Thái Học đến Đại Cồ Việt), Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nguyễn Khuyến, Hàng Gai, Hàng Bông, Phùng Hưng, Cửa Đông, Lý Nam Đế, Hai Bà Trưng, Lạc Long Quân, Thụy Khuê (từ Văn Cao đến Bưởi), Bưởi, Hoàng Hoa Thám (từ Văn Cao đến Bưởi), Kim Mã (từ Liễu Giai đến Bưởi), Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, Láng, Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân, Đội Cấn (từ Văn Cao đến Bưởi), Hàng Than.

Nguồn vnexpress


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề