Phố Tây

Lâu nay, nhiều người Hà Nội vẫn quen gọi hai con phố nối liền nhau Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến là “phố Tây”. Gọi thế không chỉ bởi tuyến phố này thu hút rất nhiều khách du lịch bụi tìm đến mỗi ngày, mà đêm về, nơi đây trở thành một không gian hoàn toàn khác. Ở đó, tất cả dường như không ngủ, sôi động náo nhiệt đến từng con ngõ nhỏ.

Nơi không dành cho sự yên tĩnh

Trên rất nhiều trang web du lịch, Tạ Hiện- Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm, Mã Mây xuất hiện và được giới thiệu như một điểm đến không thể thiếu đối với khách du lịch khi đến phố cổ Hà Nội. Chẳng thế người ta vẫn bảo ở cái “ngã tư quốc tế” này mỗi ngày thu hút rất nhiều ngoại tệ về cho Hà Nội bởi có đến hàng ngàn du khách cả tây và ta tìm đến mỗi ngày, đêm. Thống kê sơ bộ, chỉ riêng con phố Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến đã có tới hơn ba chục cửa hàng dịch vụ, 14 quán bar, 38 văn phòng tổ chức tour du lịch…

Ngắn chỉ vài trăm mét nhưng phố Tạ Hiện có thể đáp ứng được các nhu cầu của du khách du lịch, từ ăn uống, nghỉ ngơi, thuê xe, đặt tour với giá rất bình dân. Dạo một vòng quanh khu phố cổ với những con phố nhỏ và sâu hun hút, những ô cửa sổ màu xanh chỉ hé mở khi chiều muộn…điểm dừng chân của Jansen Meijer, 25 tuổi đến từ Hà Lan chính là con phố nhỏ Tạ Hiện.

Gọi một cốc bia cỏ, anh kể, có vài người bạn học chung của tôi đã từng tới đây, họ nói Việt Nam rất đẹp, nhiều thứ mới lạ và khuyên tôi nên tới. Những gì bạn bè giới thiệu cùng với thông tin tìm hiểu trên internet về Hà Nội đủ để tôi quyết định một chuyến du lịch đến phố cổ này.

Meijer chia sẻ, Hà Nội náo nhiệt hơn tôi nghĩ rất nhiều. Cái thu hút chính là sự đan xen giữa cổ xưa và hiện đại. Ở đây tôi vẫn tìm được những ngôi nhà của Hà Nội nhiều năm trước, cũng thấy được sự nhộn nhịp hiện đại của thành phố lớn, thấy người Hà Nội tất bật mưu sinh trong từng mét vuông cửa hàng nhỏ xíu…Rất lạ và cũng rất thú vị. Meijer không thích uống bia ở đây cho lắm, anh bảo vị của nó quá nhẹ, nhưng đồ ăn cũng thú vị lắm.

Cùng đi với Meijer là Zaac Peleg Ducan, cũng đến từ xứ xở hoa tuy luýp. Anh hào hứng: “Bia ở đây rẻ hơn rất nhiều so với Hà Lan, lúc đầu đọc trên internet tôi không thể tin được tại sao các bạn trẻ lại thích uống bia mà ngồi vỉa hè như thế. Nhưng đến rồi mới biết, thú vị lắm. Đây đúng là phố cổ, nhưng người đông và nhiều xe máy quá.

Có cầu ắt có cung. Ở đâu có khách là ở đó có nhà hàng. Những quán bia san sát nhau dọc theo con phố luôn đông kín khách tây lẫn ta. Anh Tuấn, chủ một cửa hàng bia cỏ tại phố Lương Ngọc Quyến cho biết, cửa hàng chủ yếu phục vụ khách Tây. Nhiều người đi du lịch một lần rồi quay lại. Cũng có nhiều người làm việc ở Hà Nội và trở nên thân quen với con phố này. Họ tìm ra đây uống bia cỏ như một thói quen hàng ngày, cũng là để ngắm phố, giao lưu.

Những con phố không ngủ

Thường trên các tuyến phố này ban ngày, hoạt động buôn bán diễn ra bình thường với đủ loại hàng hóa từ quần áo, giày dép, đồ lưu niệm và rất nhiều văn phòng đặt tour du lịch… Nhưng khi thành phố lên đèn, Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến như có một diện mạo mới, sôi động và nhộn nhịp hẳn lên. Kể từ khi 6 tuyến phố: Hàng Buồm – Mã Mây – Hàng Giầy – Lương Ngọc Quyến – Tạ Hiện – Đào Duy Từ chính thức trở thành phố đi bộ sau nhiều tháng thử nghiệm thì khác với cái vẻ rêu phong cổ kính của thành phố ngàn năm, sau 22 giờ đêm tất cả dường như đều không ngủ, sôi động náo nhiệt đến từng con ngõ nhỏ.

Đang loay hay tìm chỗ gửi xe, tôi nhận được một lời mời:

– Dắt lên đây đi em, 20.000 nghìn/1 xe thôi, chứ ra đầu kia 30, 40 nghìn cũng chẳng có chỗ để đâu.

Lời mời nhưng có lẽ cũng là lời khuyên thật. Bạn tôi hôm nọ lên đây đi chợ đêm, gửi hai xe máy và không hỏi giá trước. Hơn 1 tiếng sau ra, bị “chém” ngọt: 60.000 đồng em ạ. Phàn nàn, đôi co rồi cuối cùng bạn vẫn phải móc túi trả đủ số tiền.

Lâu nay, khi phố đêm sáng đèn cũng là thời điểm làm ăn của nhiều người dân phố cổ quanh đây như Hàng Bạc, Đinh Liệt, Hàng Mắm… Mỗi nhà chiếm một khoảnh vỉa hè. Người thì bán nước, người nhận trông xe và một số dịch vụ khác. Thế nhưng, xem ra việc nhận trông giữ xe có vẻ thu nhiều lợi nhuận hơn cả. Trung bình vài mét vỉa hè, cộng với khéo xếp gọn trong ngõ, dựng tạm dưới lòng đường… cũng được đến hai chục xe máy. Tính sơ sơ cũng là 4-5 trăm ngàn cho vài tiếng làm thêm buổi tối.

Ở Tạ Hiện và Lương Ngọc Quyến, nếu tính cả vỉa hè và lòng đường chiều ngang mỗi con phố cũng phải rộng đến 6,7 mét vuông. Thế nhưng, chỉ còn lại chưa đầy nửa mét cho dòng người đi bộ chen chân trên phố. Diện tích còn lại người ta bày la liệt những bàn ăn vặt với ốc, nem chua rán, khoai tây chiên, phomai que cùng với hoa quả dầm, trà đá, bia hơi… Đủ, chẳng thiếu thứ gì. Khách đến đây đa phần là giới trẻ, cả tây lẫn ta, chuyện trò cứ râm ran, tạo nên một âm thanh rất…phố.

Đấy là ngoài vỉa hè, còn trong các quán quán bar, pub thì càng náo nhiệt hơn với những điệu nhạc sôi động. Chỉ cần chạm chân tới cửa quán là đã muốn nhún nhẩy, uốn éo. Vào thử Funky B số 2 Tạ Hiện. So với một số quán bar khác trong phố cổ, Funky B có diện tích khá lớn với 2 quầy bar mang 2 phong cách khác nhau. Nếu muốn trò chuyện với bạn bè, khách có thể gọi một ly cocktail hay rượu nhẹ và ngồi ngay quầy bar phía bên ngoài gần cửa ra vào, còn phía trong thích hợp cho các chương trình DJ show buổi tối.

Chia Chua Ang, 43 tuổi, Đài Loan (Trung Quốc) bảo, tôi đã đến TP. HCM 5 ngày trước, bạn tôi tại đó nói rằng nên đến Hà Nội vì ở đây đang lạnh. Tôi tới đây lúc 7h tối, một số người trong đoàn ở lại khách sạn còn bạn tôi mời ra đây để thưởng thức quán đêm và uống bia vỉa hè. Bạn hỏi tôi cảm thấy thế nào à? Tôi thấy Hà Nội sôi động gần giống với TP. HCM nhưng không khí ở đây lạnh hơn. Thường thì chúng tôi thích những không gian mở, thoáng mát và có tính cộng đồng cao như những con phố này.

Không chỉ du khách nước ngoài, “phố Tây” còn thu hút rất đông người Hà Nội, đủ mọi tầng lớp. Với họ, đây đúng là điểm “xả tress” tuyệt vời dành cho người ưa thích sự ồn ã, náo nhiệt khi về đêm. Bởi ngoài khu ẩm thực, quán bar thì các loại hình âm nhạc dân gian truyền thống và hiện đại cũng được biểu diễn miễn phí ngay tại các di tích lịch sử hay trên các con phố.

Chẳng thế mà hỏi Jansen Meijer rằng có quay lại đây lần nữa không, anh nói ngay, có thể lắm chứ, nhưng khi nào tôi dành đủ tiền đã. Nếu cùng với số tiền đó bảo chọn Singapore hay Myanmar, tôi nghĩ rằng mình sẽ chọn Hà Nội của Việt Nam.

Lan Hương (Theo Đại Đoàn Kết)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề