(bộ nhớ đệm: 23:52:15 19/04/2024)
Kygia
Phải phấn đấu để nước ta không là những nước có tham nhũng cao trên thế giới
Chủ tịch nước gửi một thông điệp mới vào cuối năm 2015.

Đó là một trong những thông điệp được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi đi trong bài trả phỏng vấn cuối năm (ngày 30.12.2015) được nhiều báo đăng tải.

Nguyên văn đoạn này được Chủ tịch nước nêu rõ: “Chúng ta day dứt trăn trở trước thực trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn tồn tại và phải cương quyết phấn đấu để nước ta không nằm trong danh sách những nước có thực trạng tham nhũng cao trên thế giới”.

Vậy đâu là lý do khiến vị nguyên thủ quốc gia của chúng ta phải day dứt, trăn trở trước thực trạng tham nhũng?

Tham nhũng đã, đang trở thành một mối nguy hiểm cho sự an nguy của dân tộc, nhiều nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhằm ngăn chặn nó. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nó chưa có chiều hướng giảm đi mà ngày càng tinh vi và bắt đầu thao túng cả một số cơ chế, chính sách để nhằm đem lại lợi ích cho một số đối tượng.

Hậu quả là gì?

Trong bài phỏng vấn trên, Chủ tịch nước nêu rõ: “Có một thực tế là thời gian gần đây, nguồn lực bên ngoài tăng nhanh trong khi bên trong tăng chậm. Nhưng điều này không phải do không có nguồn lực trong nước. Tôi cho rằng nguồn lực trong nước còn rất lớn, phải tiếp tục giải phóng nguồn lực này“.

Chính vì vậy, Chủ tịch nước nêu rõ: “Điều lo nhất hiện nay là sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của nền kinh tế nước ta còn rất thấp so với khu vực và thế giới. Với những tiêu chí hội nhập mới, thách thức còn lớn hơn.”
Mặt khác, tình trạng nợ công dù đang được nhiều cơ quan chức năng vẫn khẳng định đang trong tầm kiểm soát, nhưng Chủ tịch nước tỏ ra rất lo lắng khi cảnh báo: “Vay thì cần, nhưng trả không đơn giản; một đất nước rơi vào tình thế vay nợ mà đến thời gian trả nợ không được là mất uy tín và ảnh hưởng rất tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội”.

Vậy nguyên nhân từ đâu?

Một trong những nguyên nhân đó là công tác cán bộ và trách nhiệm cá nhân không rõ. Chủ tịch nước rất thẳng thắn khi đề cập: “Bên cạnh những thành tựu lớn của đất nước thì trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công tác cán bộ cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm, thiếu sót. Nhưng trách nhiệm cá nhân thì không rõ, tạo ra bức xúc trong xã hội và ngay trên diễn đàn Quốc hội”.

Bởi lẽ, như Chủ tịch nước chỉ rõ: “Hạn chế hiện nay là cả trong chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước, những quy định về trách nhiệm cá nhân còn chưa đầy đủ. Chính từ đó cho nên có chuyện gì xảy ra, ưu điểm thì dễ tìm còn khuyết điểm, trách nhiệm cá nhân tìm vô cùng khó”.

Khi có vụ việc, việc truy tìm trách nhiệm cá nhân vô cùng khó, thì còn gì nguy hiểm hơn bởi nó tạo ra vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Và không phải ngẫu nhiên, ngay ngày đầu tiên của năm 2016, trong bài viết của mình đăng trên VietnamNet, ông Vũ Ngọc Hoàng – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nói rõ sự hạn chế cơ bản của chúng ta: “Nước ta chủ yếu mới đổi mới về kinh tế, mà cũng mới đi nửa đường, còn văn hóa và chính trị thì cơ bản chưa đổi mới, sắp tới cần đồng bộ và toàn diện trong công cuộc này”.

Từ đó, ông Hoàng cũng đưa ra đề nghị rất mạnh mẽ: “Khẩn trương nghiên cứu để sớm có các bước đi phù hợp, cụ thể, tích cực nhằm đổi mới về chính trị, như việc kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước, bằng cơ chế dân chủ, thông tin đại chúng và tự do ngôn luận, đổi mới quản lý nhà nước và phương thức lãnh đạo của Đảng,…”.

Vì lợi ích dân tộc, tôi tin, nửa chặng đường còn lại, không có lý gì chúng ta không đi nốt. Và khi đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam sẽ có những bước tiến dài.

Theo laodong.com.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề