Những câu hỏi trong buổi phỏng vấn đề bạt giáo sư tại Australia

‘Để thử tầm nhìn của người được đề bạt giáo sư, Hội đồng sẽ đưa ra câu hỏi xoáy vào 3 khía cạnh chính là chất lượng nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và tầm nhìn’, ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ về quá trình bổ nhiệm giáo sư của mình.

Ở Australia, như tôi trình bày trước đây, các trường đại học có 4 cấp chức vụ học thuật: lecturer (giảng viên), senior lecturer (giảng viên cao cấp), associate professor (phó giáo sư) và professor (giáo sư). Nhưng các đại học Mỹ có 3 cấp: assistant professor (trợ lý giáo sư), phó giáo sư, và giáo sư. Những năm gần đây, một số đại học Australia bắt đầu theo mô hình của Mỹ, tức chỉ có 3 bậc giáo sư. Đại học Tôn Đức Thắng cũng theo mô hình của Mỹ, với 3 bậc giáo sư.

Khi ở Mỹ tôi được bổ nhiệm phó giáo sư, nhưng khi về Australia, Đại học New South Wales (UNSW) bổ nhiệm tôi là giảng viên cao cấp, vì họ cho rằng bậc phó giáo sư của Mỹ tương đương với phó giáo sư của Australia. Tôi thấy cách giải thích đó chưa mấy thuyết phục, nhưng cũng chẳng đặt thành vấn đề. Lúc đó, tôi rất hào hứng với một dự án mới, nên không nghĩ đến mấy danh xưng như thế.

Rồi cũng đến thời điểm tôi hội đủ điều kiện để đệ hồ sơ xin đề bạt chức vụ giáo sư. Ở UNSW dạo đó, tất cả ứng viên ngành y muốn nộp hồ sơ xin đề bạt giáo sư đều phải hội kiến với khoa trưởng. Tôi cũng có một buổi nói chuyện thân mật với ông khoa trưởng, vốn là chỗ quen biết của tôi. Hôm gặp mặt, ông và tôi chỉ nói chuyện quá khứ và tương lai chẳng liên quan gì đến công việc, và ông cũng không đề cập gì đến hồ sơ của tôi. Đến khi bắt tay tạm biệt, ông ấy nói: À, suýt nữa tôi quên, tôi đã xem hồ sơ của anh rồi, anh cứ đệ trình lên Hội đồng học thuật. Nói cách khác, ông “bật đèn xanh” cho tôi.

Quy trình bổ nhiệm được giao cho Hội đồng học thuật của UNSW phụ trách. Theo đó, hồ sơ của tôi được gửi cho 8 đồng nghiệp ngoài trường thẩm định và bình duyệt; 4 người là do tôi chọn và 4 người do Hội đồng chọn. Sau vài tháng, Hội đồng nhận được thẩm định của 8 giáo sư, và nhìn qua đề nghị của họ, Hội đồng học thuật mời tôi đến phỏng vấn. Được phỏng vấn là khả năng thành công gần như 90%. Do đó, các ứng viên được trường UNSW cho đi học những lớp tập huấn về cách trả lời phỏng vấn và thậm chí có những phiên phỏng vấn mô phỏng.

Khổ nỗi ngày phỏng vấn tôi rơi đúng vào ngày tôi phải công tác ở Hà Nội, mà tôi không thể dời ngày được. Còn Hội đồng học thuật UNSW thì chắc chắn không dời ngày, vì tập hợp được một hội đồng như thế rất khó khăn. Thế là họ cho tôi được phỏng vấn qua… điện thoại. Điều này làm tôi cảm thấy áy náy, vì tôi sợ những người trong hội đồng nghĩ lầm là tôi đi nghỉ mát, trong khi họ đang làm việc cực nhọc vì tôi. Nhưng tôi hy vọng là đến lúc phỏng vấn sẽ giải trình cho sòng phẳng.

Hà Nội đúng 6h sáng, chuông điện thoại phòng khách sạn reo. Không chờ đến tiếng chuông thứ hai, tôi nhấc ngay điện thoại. Phía bên đầu dây Sydney là tiếng nói của ông khoa trưởng S. Ông hỏi tôi thời tiết Hà Nội ra sao và vài câu hỏi thăm khác. Lúc đó, lòng tôi nóng như đốt, mà ông S thì cứ nhẩn nhơ hỏi chuyện. Nhưng may quá, ông nói để tiết kiệm thì giờ, ông sẽ đi vào cuộc phỏng vấn.

Mở đầu, ông nói về quy định của cuộc phỏng vấn và giới thiệu thành viên. Theo “luật chơi”, tôi có quyền phản đối câu hỏi, nhưng không có quyền chất vấn lại người hỏi; còn người hỏi không có quyền hỏi những câu mang tính cá nhân hay xâm phạm cá nhân. Cuộc phỏng vấn sẽ được ghi âm lại tất cả những câu hỏi và trả lời. Nếu tôi đồng ý “luật chơi” thì tiếp tục, còn không thì ngừng. Nghe qua mấy “luật chơi” này tôi cũng chẳng ngạc nhiên vì mình từng là người phỏng vấn người khác, nhưng vì lý do pháp lý nên ông phải nói rõ ràng như thế.

Ông S giới thiệu những thành viên trong hội đồng, gồm có 8 giáo sư, dưới sự chủ tọa của ông. Trong số 8 người này, có một vài người trong khoa y (họ là chuyên gia về tim mạch, nội tiết, thần kinh, và di truyền học), một người từ khoa khoa học (science faculty), và 2 người từ Đại học Sydney. Tôi không quen biết ai trong 8 người này, nhưng có nghe tên. Có thể đó cũng là cách họ chọn người để đảm bảo tính khách quan. Sếp của tôi cũng có mặt trong cuộc phỏng vấn, nhưng ông chỉ dự với vai trò “quan sát viên”, ngồi ở góc phòng, chỉ được nghe chứ không được có ý kiến gì cả.

Tám người này luân phiên hỏi tôi, có câu hỏi họ yêu cầu tôi chỉ trả lời trong một số phút nhất định. Họ không bình luận gì về câu trả lời, mà chỉ tập trung lắng nghe tôi nói. Những câu hỏi mà tôi còn nhớ là:

– Nói cho chúng tôi biết tại sao ông muốn đề bạt lên giáo sư? Ông tự đánh giá mình so với các tiêu chuẩn của trường như thế nào? Ông có 5 phút để trả lời. Đây là câu hỏi của khoa trưởng, và ông chỉ hỏi một câu duy nhất.

– Nói cho chúng tôi nghe 3 công trình nghiên cứu tiêu biểu của ông. Xin đừng nói quá chi tiết, chúng tôi chỉ muốn nghe câu chuyện đằng sau của công trình và ảnh hưởng như thế nào?

– Nếu ông bước vào một hội nghị quốc tế, người ta có nhận ra ông không? Nếu nhận ra thì ông được biết đến về lĩnh vực gì?

– Trong số hàng trăm công trình khoa học và bài báo ông liệt kê, có bao nhiêu ông thực sự là người chủ trì, bao nhiêu là hợp tác, và bao nhiêu là do nghiên cứu sinh của ông làm và ông chỉ đứng tên tác giả?

– Ông làm việc với giáo sư E khá lâu và ông ấy cũng là thầy cũ của ông, vậy ông có thể chứng minh cho chúng tôi biết ông độc lập với thầy cũ mình như thế nào?

– Trong thời gian 1999-2001, công bố quốc tế của ông có vẻ suy giảm. Tại sao?

– Ông tự đánh giá chất lượng các công trình khoa học của ông như thế nào? Xin ngắn gọn!

– Chỉ số trích dẫn của ông rất ấn tượng. Xin nói cho chúng tôi biết có bao nhiêu bài báo chưa bao giờ được trích dẫn, và ông có bình luận gì không?

– Triết lý đào tạo tiến sĩ của ông là gì? Ông có 2 phút để nói.

– Nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ của ông có vẻ thành công nhiều. Bao nhiêu thành công là do ông và bao nhiêu là do công sức của họ?

– Ông làm gì để phát triển labo nghiên cứu của ông trong tương lai, và thu hút thêm hậu tiến sĩ?

– Nếu là khoa trưởng y khoa của UNSW, ông sẽ làm gì để nâng cao vị thế và uy tín của khoa trên trường quốc tế?

– Ông có đóng góp gì cho chính sách khoa học và y tế của Australia không? Xin đơn cử 2 đóng góp tiêu biểu.

– Ông nghĩ gì về y học thực chứng? Theo ông, y khoa nên đi về định hướng nào trong tương lai?

– Ông liệt kê một số cuốn sách xuất bản mà ông xem là đóng góp cho cộng đồng. Thì giờ đâu mà ông làm nhiều thế? – Đây là câu hỏi cuối cùng, ông giáo sư hỏi tôi câu này có vẻ đùa vui vì tôi nghe ông ấy cười trong điện thoại.

Nói chung, những câu hỏi xoáy vào 3 khía cạnh chính là chất lượng nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, và tầm nhìn. Hội đồng không quan tâm đến những chi tiết hay những con số, vì họ đã có trong tay nhận xét của 8 giáo sư từ bên ngoài thẩm định, họ chỉ xoay quanh những chi tiết của vài công trình tiêu biểu.

Tôi nghĩ mình trả lời thoả đáng, nhưng như bất cứ việc gì, tôi nghĩ nếu làm lại lần nữa, tôi sẽ ứng xử tốt hơn. Như nói trên, trước khi phỏng vấn tôi đã được trường tập dượt và cũng biết được những nguyên tắc của cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, vẫn có vài câu hỏi tôi thiếu chuẩn bị nên trả lời chưa được thông lắm. Chẳng hạn câu hỏi có bao nhiêu bài chưa bao giờ được trích dẫn, vì không có con số cụ thể nên tôi hơi chao đảo và nói… lạc đề (ngay cả sếp tôi ngồi nghe cũng nhận ra được điều này).

Những câu hỏi về chính sách khoa học, về “nếu là khoa trưởng” cũng làm tôi lúng túng, vì chưa bao giờ nghĩ họ hỏi. Phải mất cả vài chục giây định thần để trả lời.

Tôi nghiệm ra những câu hỏi “cắc cớ” nhưng quan trọng này là nhằm thử tầm nhìn của tôi. Tôi nhớ đến câu nói của ông viện trưởng nơi tôi công tác trước đây rằng làm khoa học cần phải quan tâm đến cái mà ông ấy gọi là “big picture” (bức tranh lớn) chứ không chỉ chúi đầu vào những chuyện nhỏ. Tôi trả lời dựa vào những gì mình đã viết trước đây trên báo đại chúng, và thêm vài câu về định hướng nghiên cứu để khoa y UNSW có thể sánh vai với các đại học hàng đầu bên Mỹ. Tôi không biết ông khoa trưởng nghĩ gì về câu trả lời đó, nhưng rõ ràng là tôi khác quan điểm với ông ấy.

Thật ra, tôi thấy hội đồng học thuật có vẻ thân thiện, tạo điều kiện cho tôi trả lời hay giải thích thêm. Trong 8 người phỏng vấn, tôi chú ý đến 2 người hỏi một số câu có thể gọi là thách thức, như chú ý đến số liệu, định lượng mức độ độc lập, hay câu hỏi mang tính “khiêu khích” rằng thành tựu tôi chỉ là do nghiên cứu sinh làm, hay tôi chỉ nhân danh sếp mà lấy công của học trò. Nhưng tôi lại thấy đó là cơ hội để mình giải thích trường hợp của mình tốt hơn.

Sáu tháng sau buổi phỏng vấn, tôi nhận lá thư đề bạt từ hiệu trưởng UNSW. Xin nói thêm rằng ông hiệu trưởng không có bằng tiến sĩ, xuất thân là chủ tịch của một tập đoàn truyền thông nổi tiếng của Australia. Ông được hội đồng học thuật UNSW bổ nhiệm chức danh giáo sư sau khi ông nhậm chức hiệu trưởng UNSW. Lá thư viết:

“Tuấn mến,

Tôi rất vui mừng để báo cho anh biết rằng tôi đã phê chuẩn đề nghị của Ủy ban chuyên trách chuyên môn đề bạt anh lên chức giáo sư y khoa.

Anh được Ủy ban đề bạt trường UNSW tiến cử dựa vào những đánh giá cao nhất của các đồng nghiệp anh. Tôi rất hài lòng để nói rằng những đánh giá của các giáo sư đồng nghiệp anh được tán thành bởi Ủy ban đề bạt trường UNSW.

Được đề bạt lên chức giáo sư của UNSW là một thành tự quan trọng, dựa trên những công trình học thuật và nỗ lực đã được phản ảnh qua bộ tiêu chuẩn. Xin anh nhận lời chúc mừng nồng nhiệt nhất của tôi. Tôi kỳ vọng nghe thêm nhiều thành tựu ngoại hạng của anh trong tương lai.

Kính thư,

Fred G Hilmer

Hiệu trưởng”

Nói chung, quy trình bổ nhiệm và đề bạt ở trường UNSW mà tôi đã qua thì khá đơn giản và minh bạch. Tất cả quy trình và tiêu chuẩn đề bạt cho mỗi chức vụ đều được công bố trên mạng. Như thấy trên, hội đồng ở trường chỉ đóng vai trò trung gian, vì việc thẩm định đã được 8 giáo sư ngoài phụ trách. Dĩ nhiên, những người này thẩm định dựa vào tiêu chuẩn của trường, và những tiêu chuẩn đó phản ảnh đẳng cấp của trường. Đó chính là lý do tại sao trường yêu cầu tôi phải chỉ ra 3 người mà tôi xem là tương đương trên thế giới. Ở Australia không có lễ tiến phong giáo sư như ở Việt Nam.

Tôi nghĩ một quy trình gọn nhẹ như thế cũng có thể thực hiện ở Việt Nam. Nhà nước, qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thể quản lý quy trình và bộ tiêu chuẩn cho từng trường, còn việc bổ nhiệm nên giao về trường với bình duyệt từ ngoài. Những bất cập trong việc tiến phong giáo sư trong quá khứ chúng ta không sửa được, nhưng chúng ta có cơ hội để kiến tạo một tương lai tốt hơn, và đây là thời điểm để kiến tạo.

Nguyễn Văn Tuấn

Giáo sư y khoa, Đại học New South Wales, Australia

Theo vnexpress


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề