Nhiều người Crimea “tâm tư” sau một năm về Nga

Trước đây, Yevgeny Repekov – huấn luyện viên bóng đá và là một người khá nổi tiếng ở thành phố Sevastopol, thủ phủ của Crimea – đã cùng một số người khác đứng ra thành lập các đơn vị “tự vệ”. Chính các đơn vị này đã tham gia vào quá trình Crimea ly khai khỏi Ukraine và gia nhập Nga cách đây một năm.

Trong cuộc trò chuyện với hãng tin Bloomberg, Repenkov nói, giờ đây, đôi khi ông cảm thấy không thoải mái vì đã tham gia vào thứ mà ông gọi là “một cuộc cách mạng”.

“Giống như tôi đã phản bội một ai đó. Tôi đã rời bỏ Ukraine khi đất nước đang gặp vấn đề”, Repenkov phát biểu.

Theo Bloomberg, giờ là lúc nhiều người dân tộc Nga ở Crimea – những người đã vui mừng khi bán đảo bên bờ biển Đen sáp nhập Nga vào tháng 3/2014 – bắt đầu cảm nhận được chiến thắng này có ý nghĩa như thế nào.

Mấy tháng trước, những người thân Nga chiếm đa số ở Crimea còn vui mừng vì được tăng lương. Tuy vậy, mức lương tăng thêm có vẻ không đủ bù đắp lại được tốc độ lạm phát lên tới 42%. Một kg khoai tây ở Sevastopol có giá 64 Kopeck, so với mức giá 22 Kopeck ở Kiev, thủ đô của Ukraine.

Ban đầu, thay đổi quốc tịch không phải là kế hoạch của huấn luyện viên bóng đá Repenkov, khi ông cùng những người bạn chống lại chính phủ được thành lập ở Kiev sau khi Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị người biểu tình thân phương Tây lật đổ. Khi còn nắm quyền, Yanukovych đã từ chối thắt chặt quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU) và thay vào đó muốn xích lại gần hơn nữa với Nga.

Nhưng chính những tuyên bố hiếu chiến của các chính trị gia theo trường phái dân tộc chủ nghĩa của Ukraine đã khiến Repenkov thay đổi suy nghĩ.

Như một giọt nước cuối cùng làm tràn ly, Quốc hội Ukraine khi đó đã thu hồi một đạo luật trao cho tiếng Nga địa vị đặc biệt ở những khu vực nơi người nói tiếng Nga chiếm đa số.

“Sẽ chẳng có gì xảy ra ở đây nếu như không có những hành động như vậy. Chủ nghĩa dân tộc đã giết chết mọi thứ ở Ukraine”, Repenkov nhận xét.

Mang tên “Sevastopol chống lại chủ nghĩa phát xít”, đơn vị tự vệ của Repenkov giúp phong tỏa các căn cứ của quân đội Ukraine và truy lùng “các phần tử gây bất ổn” – cụm từ được dùng để chỉ các nhà hoạt động ủng hộ Chính phủ Kiev.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người luôn phủ nhận những cáo buộc của phương Tây về việc đưa quân vào Ukraine, giờ đã dần dần thừa nhận việc này. Trong một bộ phim tài liệu phát sóng trên truyền hình Nga đầu tuần này, Putin nói việc sáp nhập Crimea là một chiến dịch quân sự được thực thi theo lệnh của ông. Người đứng đầu điện Kremlin cũng nói ông đã từng sẵn sàng đối đầu hạt nhân với phương Tây vì Crimea.

Nhiều trong số những người cùng chiến đấu với Repenkov đã tới miền Đông Ukraine để tiếp tục chiến đấu. Repenkov cũng nói, ông biết ơn lực lượng đặc biệt của Nga vì đã chiếm lấy Crimea bằng biện pháp hòa bình.

Đội bóng FC Sevastopol của Repenkov giờ đã giải thể. Trước đây, đội bóng này chơi trong giải ngoại hạng Ukraine. Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea. Repenkov đang tìm cách thành lập một giải bóng đá độc lập ở Crimea dành cho các cầu thủ trẻ tuổi dưới sự bảo trợ của UEFA, nhưng triển vọng của một giải đấu như vậy là không rõ ràng.

Một năm sau ngày Crimea về Nga, Repenkov nhận thấy thành phố quê hương ông không thuộc về đâu.

“Sevastopol chắc chắn không phải là Ukraine, chưa bao giờ là một thành phố Ukraine. Nhưng, đây cũng không phải là một thành phố Nga. Có lẽ Sevastopol thuộc về Liên Xô thì đúng hơn”, Repenkov nói.

Ông Vladimir Kartashov, một công tố viên quân đội về hưu ở Crimea, được tăng lương hưu gấp 5 lần sau khi Crimea về Nga. Ban đầu, mức lương mới này khiến ông tin là mình đúng, khi đã tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý về ly khai hôm 16/3/2014. Nhưng giờ đây, ông không còn chắc về việc mình đã làm.

“Tôi bỏ phiếu ủng hộ gia nhập Nga, vì so với Ukraine, tình hình ở Nga lúc đó có vẻ khả quan hơn”, Katarshov nói với Bloomberg. “Nhưng bây giờ, có vẻ như Nga lại đang đem đến cho Crimea những điều tồi tệ”.

Cũng giống như nhiều người Crimea khác, Katarshov phàn nàn về việc phải xếp hàng nhiều ngày mới xin được giấy tờ Nga, cũng như việc đưa những công chức Nga kém năng lực vào thay thế các vị trí trong chính quyền ở địa phương.

Các nhà lãnh đạo mới ở Sevastopol đã hứa sẽ biến thành phố này thành “thung lũng Silicon” của Nga. Nhưng thay vào đó, hàng trăm chuyên gia công nghệ thông tin làm việc ở Crimea đã chạy sang Ukraine sau khi Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ban lệnh cấm ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp ở Crimea và chuyển tiền từ các ngân hàng phương Tây tới Crimea. Ngành công nghệ còn non trẻ của Ukraine vốn phụ thuộc vào hợp đồng với các công ty phần mềm phương Tây.

“Trong mấy tháng qua, nhiều người có khả năng kiếm được mức lương trên 2.000 USD/tháng đều đã rời khỏi Crimea”, một chuyên gia phần mềm người Crimea cho biết.

Hiện người này đã chuyển tới thành phố Lviv ở miền Tây Ukraine. Anh không muốn đưa tên mình lên báo vì chưa chuyển hết người thân khỏi Sevastopol. Các công ty công nghệ hàng đầu của Ukraine như SoftServe đều đưa ra mức thù lao hấp dẫn để khuyến khích nhân viên chuyển từ Crimea sang các thành phố của Ukraine.

Nhiều người làm trong các ngành khác ở Crimea cũng đang rời khỏi đây.

Marat Pavlenko, chủ một khách sạn chuyên dành cho những người đi xe đạp khám phá những dãy núi tuyệt đẹp ở Crimea, đã lên kế hoạch mở rộng kinh doanh. Tuy vậy, sau khi Crimea về Nga, Pavlenko đã rao bán khách sạn để rời đi.

“Tôi chẳng còn tâm trí nào để tiếp tục làm ăn ở đây nữa”, Pavlenko – một người nói tiếng Nga nhưng tự xem mình là một người Ukraine yêu nước – nói. “Điều tốt đẹp duy nhất lúc này là tôi có thể bắt đầu lại cuộc sống và kinh doanh từ con số 0”.

Pavlenko cho biết, ông đã bắt đầu đưa khách quen theo các tour du lịch đạp xe ở Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia.

Ngành du lịch tạo 200.000 công việc cho Crimea, bán đảo có 2 triệu dân. Phần đông du khách tới Crimea là người Ukraine, nhưng từ sau khi Crimea về Nga, lượng khách này giảm hẳn. Nga đã bù đắp một phần mất mát này bằng cách đưa công chức sang Crimea du lịch theo những tour được trợ giá, nhưng vẫn không thấm vào đâu. Nhiều công ty trong ngành du lịch ở Crimea vì vậy đang rơi vào cảnh thua lỗ.

Ngành nông nghiệp của Crimea cũng đang khốn đốn vì nguồn nước từ sông Dnipro qua con kênh Severokrymscky đã bị Ukraine chặn lại. Một quan chức chính quyền Crimea nói rằng, việc sản xuất lúa gạo ở đây đã bị chặn lại bởi các cánh đồng rơi vào cảnh khô hạn. Những cánh đồng dâu tây, những vườn anh đào và đào rộng lớn cũng đang gặp nguy – vị này cho biết.

Vấn đề giao thông ở Crimea càng trở nên khó khăn hơn kể từ khi Ukraine dừng hoạt động tuyến đường sắt tới Crimea.

Người dân và xe cộ phải xếp hàng nhiều giờ, thậm chí vài ngày, tại điểm kiểm soát ở biên giới giữa Crimea và Ukraine, cũng như tại các bến phà ở hai bờ eo biển Kerch nằm giữa Crimea và Nga. Giao thông khó khăn được dự báo sẽ cản trở du khách đến Crimea trong hè năm nay.

VnEconomy


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 6 phản hồi cho bài viết “Nhiều người Crimea “tâm tư” sau một năm về Nga”:

  1. Kiem Xuan Hoang viết:

    Tôi xem trong băng là phỏng vấn cho Rossia1 đấy chứ có phải Ukrainskiy novosti đâu… xiên xẹo quá… Mất thời gian. Nếu là kênh TV Nga thì tôi xem làm gì. Tôi đoán cũng ra nội dung họ nói.

  2. Nguyen Duc Huy viết:

    Chưa kịp xem những kênh TV Nga đa biết họ nói gì rồi.

  3. Bài mới đăng mà có đôạǹ́ viết: ” Một kg khoai tây ở Sevastopol có giá 64 Kopeck, so với mức giá 22 Kopeck ở Kiev, thủ đô của Ukraine. ” Giá này từ thời 1$ ~ 5 gr mới có! Hay là thông tin mới ̉quá mà dân sống ở Ucr không biết 😛 ???

Trả lời Nguyen Duc Huy Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề