Năm 1990, khi nước Đức thống nhất, người Việt Nam ở Đức, nhất là ở Đông Đức đã đứng trước một bước ngoặt lớn: Từ những người sang Đức phần lớn trong diện „xuất khẩu lao động“, dù là công nhân, phiên dịch hay đội trưởng, đều làm công, ăn lương trong các nhà máy, lần đầu tiên họ nếm mùi „thất nghiệp“ ở xã hội Tư bản, khi những nhà máy ở CHDC Đức trước đây bị đóng cửa trong nước Đức thống nhất.
Phần lớn những người trong diện „Xuất khẩu lao động“ đã nhận tiền đền bù 3.000 DM để về nước, một số tiền khá lớn đối với người Việt Nam thời kỳ đó. Những người Việt còn ở lại Đức đứng trước một tương lai vô định: Không biết có được ở lại lâu dài hay không. Để kiếm sống và chuẩn bị ít „lưng vốn“, phòng khi phải về nước, phần lớn người Việt đã lao vào làm ăn, buôn bán, từ các mặt hàng hợp pháp như quần áo, đồ điện tử, thực phẩm… cho tới các mặt hàng bất hợp pháp như thuốc lá lậu, băng đĩa lậu… Đầu những năm 90 có thể gọi là thời kỳ „hái ra tiền“, vì người Đông Đức đang khao khát hàng tiêu dùng, lại mới được tiêu ngoại tệ mạnh, nên bán thứ gì cũng ra tiền. Cũng thời gian này, người Việt Nam ở Đức mới „làm quen“ với hệ thống tư pháp của nhà nước pháp quyền: Buôn bán hàng lậu bị bắt, bị đưa ra tòa, phải thuê luật sư bào chữa… Rồi người nhập cảnh bất hợp pháp, nộp đơn xin „tị nạn“, được nước Đức nuôi ăn, khi bị bác đơn vì lý do không xác đáng lại thuê luật sư kiện nhà nước Đức, đại diện là Bộ trưởng Nội vụ Đức…
Đến năm 1993, khi nước Đức sửa đổi luật, cho phép người Việt Nam trong diện „xuất khẩu lao động“ có thể ở lại Đức lâu dài, nếu không phạm tội nặng và không phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội, thì người Việt Nam ở Đức đổ xô vào kinh doanh, buôn bán, trở thành „ông chủ, bà chủ“ hay „nhà doanh nghiệp“, vì làm thuê chẳng được, do phần lớn tiếng Đức kém lại chẳng có nghề chuyên môn.
Những mặt hàng được kinh doanh, buôn bán hợp pháp đầu tiên thường là quần áo, giày tất, quà lưu niệm… do không cần nhiều vốn, vả lại không cần thuê cửa hàng mà có thể bán ở chợ cóc, chợ phiên, ngày nào bán hàng thì nộp lệ phí ngày đó. Những người có vốn „dày“ hơn thì thuê cửa hàng bán đồ ăn nhanh, nhà hàng ăn… Thời kỳ đầu, vì nhiều lý do mà các cửa hàng của người Việt phần lớn đội lốt „quán Tàu“ như China-Imbiß, China-Bistro, China-Restaurant… thậm chí món sở trường là mỳ xào cũng mang danh China-Pfanne… có lẽ một phần vì món ăn Việt Nam chưa có danh tiếng, trong khi người Việt Nam tại Đức trong những năm 90 lại có nhiều tai tiếng…
Giờ đây, ngành hàng ăn uống của người Việt đã phát triển tốt. Các món ăn Việt Nam đã được ưa chuộng vì không nhiều mỡ như món Tàu, không cay như món Thái. Nhiều chuỗi nhà hàng ăn nhanh đã mọc lên trên khắp nước Đức và lan sang các nước láng giềng như chuỗi nhà hàng Thăng Long, Asia Gourmet, Mai Mai… Không chỉ mở các nhà hàng Việt Nam, người Việt đã „lấn sân“ mở các quán Tàu, quán Thái, quán Nhật, quán Ấn Độ, thậm chí cả quán Mông Cổ…
Nhờ chăm chỉ, khôn ngoan và cả láu cá nữa, chỉ sau vài năm, nhiều người Việt đã tích lũy được vốn để có thể mở rộng kinh doanh với ý thức lâu dài như thuê cửa hàng bán quần áo, đồ lưu niệm, cửa hàng hoa, kiosk bán báo chí, nước uống, rượu bia, thuốc lá… Tuy nhiên, nhiều người đã phải trả giá bằng sức khỏe của mình, khi trời lạnh căm căm vẫn phải đứng bán hàng ngoài trời, quần áo mặc bao nhiêu cũng không đủ, thậm chí phải nhét cả giấy báo vào trong quần áo cho ấm. Thời gian gần đây, nhiều người Việt mang trọng bệnh, thậm chí đã cập bến „Tây Phương cực lạc“ vì hậu quả của thời kỳ đó.
Nhưng rồi nhiều cửa hàng quần áo, giày dép, bít tất của người Việt cũng phải đóng cửa vì không cạnh tranh nổi với những cửa hàng lớn, giá rẻ của Đức như Kik, Real… Chúng tôi cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, vì khi điều kiện sống được nâng cao, người tiêu dùng Đức sẽ có nhu cầu dùng hàng tốt hơn là hàng chợ…
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành Nail được du nhập và phát triển mạnh trong cộng đồng người Việt, có lẽ do người Việt khéo tay và chăm chỉ. Có thể nói, người Việt đã chi phối ngành Nail và ngành bán hoa trong các thành phố lớn ở Đức, vì phần lớn các cửa hàng này do người Việt làm chủ.
Gần đây, chúng tôi nhận thấy có nhiều người Việt chuyển sang học nghề Massage, chăm sóc sức khỏe. Cách đây vài tháng, thầy Diện chẩn Lưu Quang Trung đã khai trương một cửa hàng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp diện chẩn, Massage và tắm nước thuốc của người Dao Đỏ ở ngoài phố, bước đầu thu hút được nhiều khách hàng Đức. Có lẽ trong thời gian tới sẽ có thêm những cửa hàng Massage, chăm sóc sức khỏe của người Việt tại các thành phố lớn của Đức.
Hiện nay, phần lớn người Việt ở Đức đã ổn định cuộc sống, nhiều con cháu thế hệ thứ hai, thậm chí thứ ba được học hành cẩn thận và hội nhập tốt vào xã hội Đức. Vậy trong tương lai, người Việt ở Đức sẽ làm gì để bám trụ và kiếm sống?
Trong quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp kỹ thuật số hiện nay, phương thức sản xuất và cơ cấu ngành nghề sẽ thay đổi mạnh, mang lại những thách thức mới, nhưng cũng mở ra những cơ hội mới, buộc mọi người phải thích nghi với hoàn cảnh mới.
Với việc toàn cầu hóa và thiết lập các khu vực thương mại tự do, miễn thuế nhập khẩu, hàng hóa sẽ rất rẻ, nên chúng tôi cho rằng các cửa hàng quần áo sẽ rất khó cạnh tranh với các cửa hàng lớn.
Ngược lại, các cửa hàng ăn uống và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp có lẽ sẽ phát triển tốt, vì dù xã hội phát triển thế nào, con người cũng phải ăn và đời sống càng sung túc thì càng muốn có các nhà hàng phong phú, mang hương vị văn hóa ẩm thực khắp nơi. Mức sống càng cao thì người ta càng cần dịch vụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.
Tuy nhiên, sau mươi, mười lăm năm nữa, khi phần lớn thế hệ đầu tiên của người Việt ở Đức đến tuổi nghỉ hưu, thì có lẽ nhiều người thuộc thế hệ thứ hai sẽ không „nối nghiệp“ cha, mẹ chúng làm những việc chân tay quá vất vả nữa. Chúng sẽ không „úp mặt vào chảo“ suốt 12-14 giờ một ngày chỉ để kiếm tiền nữa. Nhiều cháu có học hành cẩn thận sẽ vào làm trong các hãng của Đức hoặc kinh doanh các mặt hàng khác phù hợp với sự phát triển của xã hội. Quan hệ của chúng với quê hương cũng sẽ khó mà chặt chẽ như thế hệ cha, anh, vì chúng sẽ không còn cảm nhận về quan hệ họ hàng ruột thịt, „tình làng, nghĩa xóm“ như thế hệ trước. Các hội đồng hương khi đó chỉ còn dành cho các ông già, bà cả nhớ về dĩ vãng. Thế hệ thứ hai có lẽ sẽ là thế hệ người Đức gốc Việt, theo đúng nghĩa của từ này.
Vũ Văn (Theo Thoibao.de)
Trả lời