Người Sài Gòn “sống chung” với ngập đến bao giờ?

Trong thời gian qua, trên địa bàn TPHCM liên tục xảy ra những trận mưa lớn, gây ngập úng trên diện rộng, ảnh hưởng tới đời sống và sinh hoạt của người dân…

Để hiểu rõ thực trạng cũng như giải pháp chống ngập của TPHCM, chương trình “Góc nhìn thẳng” của VietNamNet đã trao đổi với ông Đỗ Tấn Long – Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước, thuộc Trung tâm chống ngập TPHCM xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, những ngày vừa qua trên địa bàn TPHCM liên tục xảy ra ngập nặng sau mưa? Vậy đâu là nguyên nhân?

Ông Đỗ Tấn Long: Trong 2 ngày 8 và 9/9 vừa qua, trên địa bàn TP xảy ra hai trận mưa rất lớn. Cụ thể, vào ngày 8.9 có vũ lượng 110mm, ngày 9/9 vũ lượng 90mm đã gây ra ngập nặng tại 4 khu vực trũng thấp nằm ở 5 khu vực ngoại thành.

– Tại khu vực đường Kinh Dương Vương và khu vực An Dương -Vương thuộc quận Bình Tân: hệ thống thoát nước đã xuống cấp. Hiện nay đang thi công nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước này, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015.

– Khu vực đường Ấp Chiến Lược, quận Bình Tân: Tuyến kênh Liên Xã – Ông Búp đã bị lấn chiếm, thu hẹp dòng chảy. Một số hộ dân tự ý đặt cống có tiết diện nhỏ làm tắc nghẽn dòng chảy. UBND quận Bình Tân đã có kiến nghị lên UBND TPHCM cho phép thay thế 25 vị trí cống có tiết diện nhỏ để tăng cường thoát nước cho khu vực.

– Tương tự, tại khu vực đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) hệ thốngthoát nước cũng xuống cấp. Hiện nay đang thi công nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước. Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015.

Được biết những năm qua, TPHCM chi hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập, tuy nhiên theo đánh giá vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng ngập đang có xu hướng chuyển từ điểm này sang điểm khác? Ông cho biết có phải không?

Ông Đỗ Tấn Long: Qua theo dõi hiệu quả các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng thì hầu hết đã phát huy hiệu quả xóa giảm ngập. Tuy nhiên, còn một số dự án triển khai chưa đồng bộ do vướng giải phóng mặt bằng nên chưa phát huy hiệu quả chống ngập như vị trí đường Xa lộ Hà Nội gần chân cầu Rạch Chiếc, đường Nguyễn Ảnh Thủ…

Về ý kiến xu hướng chuyển điểm ngập từ điểm này sang điểm khác thì không có trường hợp này.

Vậy, ông đánh giá như thế nào về công tác chống ngập trong những năm qua?

Ông Đỗ Tấn Long: Trong những năm qua, nhiều dự án hoàn thành đã phát huy hiệu quả xóa giảm ngập trên địa bàn TPHCM, đặc biệt là khu vực trung tâm. Năm 2008 vùng Trung tâm có đến 85 điểm ngập, đến nay đã cơ bản xóa giảm ngập. Ngoài ra, 5 vùng ngoại vi đã xóa, giảm trên 50 % điểm ngập.

Thưa ông, nguyên nhân gây ngập có phần do tình trạng lấn chiếm kênh rạch, chặn dòng để thi công các dự án đã được xử lý như thế nào?

Ông Đỗ Tấn Long: Đối với tình trạng lấn chiếm kênh rạch, UBND TP đã giao cho UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch xử lý cụ thể từng trường hợp.

Đối với các nhà thầu chặn dòng thi công gây ngập trong dự án, TP đã lập đoàn thanh tra, định kỳ đi kiểm tra và xử phạt, chế tài nhằm hạn chế tối đa tình trạng này.

Ngoài ra giải quyết tình trạng ngập do triều cường hiện nay như thế nào?

Ông Đỗ Tấn Long: Để giải quyết tình trạng ngập do triều cường, TP đang đầu tư đồng bộ các hạng mục công trình kiểm soát triều cường thuộc Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 154/QĐ-TTg ngày 28/10/2008. Theo đó, xây dựng tuyến đê bao khép dọc sông Sài Gòn với tổng chiều dài 149km và 10 cống kiểm soát triều lớn.

Cảm ơn ông đã tham dự chương trình!

Theo vietnamnet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề