Ngày “siêu thứ ba” quan trọng của nước Mỹ

Ngày siêu thứ ba 1-3 năm nay được coi là ngày quyết định cho các ứng viên muốn giành vị trí đại diện đảng của mình ra tranh cử tổng thống ở Mỹ.

Ngày siêu thứ ba đánh dấu cuộc đua vào Nhà Trắng mở rộng ra phạm vi toàn quốc với hơn 12 bang và một vùng lãnh thổ của Mỹ đồng loạt bầu cử sơ bộ.

Đây là ngày quan trọng để các ứng viên hai đảng giành lá phiếu của 595 đại biểu Cộng hòa và 1.004 đại biểu Dân chủ. Đây cũng là thời điểm để các lãnh đạo Dân chủ và Cộng hòa xác định ứng viên tiềm năng nhất.

Nếu bà Hillary Clinton và ông Donald Trump chiến thắng trong ngày siêu thứ ba như kết quả đã công bố từ các cuộc thăm dò, họ sẽ tạo nên cặp đôi tranh cử gây nhiều chú ý với sự tương phản trong chiến dịch về các vấn đề kinh tế, nhập cư và an ninh quốc gia.

Hôm nay tôi gửi đi một thông điệp. Ở Mỹ, khi chúng ta đứng cùng nhau, không có rào cản nào lớn đến mức không phá vỡ nổi
Bà HILLARY CLINTON

Yếu tố cử tri da màu

Con đường trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ rộng mở hơn đối với bà Clinton khi bà có thắng lợi quan trọng thứ hai trong vòng một tuần khi giành hơn 73% phiếu bầu, hạ gục tuyệt đối đối thủ Bernie Sanders với cách biệt gần 50% tại cuộc bầu cử sơ bộ tại bang South Carolina ngày 27-2.

Khảo sát của ABC cho thấy bà giành đến 84% phiếu bầu của cử tri da màu vốn chiếm đến một nửa cử tri của Dân chủ tại bang này.

Trong khi đó, ông Sanders hầu như “biến mất”. BáoThe Guardian dẫn lời cử tri T Jackson vừa rời phòng phiếu ở Hopkins hôm 27-2: “Tôi không biết Bernie Sanders là ai. Nhưng chúng tôi biết bà Hillary từ rất lâu rồi”.

Theo CNN, chiến thắng này là sự tưởng thưởng cho nỗ lực hàn gắn với cộng đồng người Mỹ gốc Phi của bà Clinton sau thất bại cay đắng trước Tổng thống Barack Obama năm 2008 cũng tại bang này.

Theo giới phân tích, việc giành được sự ủng hộ của các cử tri da đen sẽ là lợi thế lớn cho bà Clinton tại sáu bang miền nam có phần lớn dân số là người da màu sẽ bỏ phiếu vào ngày thứ ba (1-3). Đà thắng của bà Clinton khiến nhiều người lo ngại cho ông Sanders.

“Cánh cửa đang đóng lại rất nhanh trước mặt ông Sander” – chiến lược gia Chris Kofinis của phe Dân chủ nhận định.

Tuy vậy, ngài thượng nghị sĩ bang Vermont vẫn tỏ ra lạc quan. “Chiến dịch này chỉ mới bắt đầu. Chúng ta đã có chiến thắng quyết định ở New Hampshire. Bà ấy có chiến thắng ở South Carolina. Bây giờ phụ thuộc vào ngày siêu thứ ba” – ông Sanders kỳ vọng.

Để giành được tấm vé duy nhất đại diện cho Đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, ứng cử viên của đảng này phải giành được 2.383 phiếu đại biểu.

Hiện tại, cựu ngoại trưởng Mỹ đang nắm trong tay ít nhất 536 phiếu đại biểu, trong khi ông Sander mới có 83 phiếu.

Sau chiến thắng ở South Carolina, bà Clinton cũng cho thấy sự cảnh giác trước đối thủ phe Cộng hòa Donald Trump.

“Mặc cho những gì các bạn nghe, chúng ta không cần làm nước Mỹ vĩ đại một lần nữa, nước Mỹ chưa bao giờ thôi vĩ đại. Thay vì xây tường, chúng ta cần phải xóa bỏ những rào cản” – Reuters dẫn lời bà Clinton tuyên bố trước những người ủng hộ, đá xoáy ứng viên Donald Trump đang thực thi chiến dịch “Làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa” và chủ trương xây tường thành dọc biên giới Mexico.

Cộng hòa chia rẽ

Phe Cộng hòa vẫn đang vật lộn với khả năng tỉ phú Donald Trump sẽ đại diện đảng này trong cuộc đua vào Nhà Trắng, nhất là sau khi thống đốc New Jersey, ông Chris Christie cuối tuần qua tuyên bố ủng hộ ông Trump.

Theo ông Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ viện từng ra tranh cử năm 2012, đây là tín hiệu cho thấy phe Cộng hòa “tốt hơn nên nghĩ về việc Trump sẽ là tương lai của họ”.

Sau ba thắng lợi trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại các bang New Hampshire, South Carolina và Nevada, ứng cử viên Trump đã có 81 phiếu đại biểu, bỏ xa các đối thủ còn lại là Ted Cruz (17 phiếu), Marco Rubio (17 phiếu).

Nhưng nhiều người phản đối đã cố tấn công vào các thất bại kinh doanh và quan điểm chính trị mập mờ của nhà tỉ phú trong chiến dịch chống lại ông.

Trong nỗ lực cuối cùng, hai ứng viên Cruz và Rubio hôm 28-2 đồng loạt kêu gọi tỉ phú Trump công bố hồ sơ thuế cá nhân.

“Nếu Donald bối rối về chuyện hoàn thuế, các cử tri có quyền đánh giá. Đây là lúc thôi trì hoãn và hãy minh bạch với người Mỹ” – ông Cruz tuyên bố. Cả ông Cruz và Rubio đều công khai các khoản thuế cá nhân.

“Phần lớn cử tri Cộng hòa không muốn Trump là ứng viên của chúng ta và họ sẵn sàng ủng hộ bất cứ ai chống lại ông ta và đảm bảo chúng ta không chọn một kẻ lừa đảo” – ông Rubio cảnh báo nguy cơ chia rẽ trong Đảng Cộng hòa và không ngại nói những lời khó nghe về đối thủ.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cũng ca thán rằng đảng của bà như phát điên vì một “kẻ thất bại trong tư cách con người lẫn ứng viên” như ông Trump, nhưng cũng thừa nhận khả năng ông Trump giành được vé đại diện đảng này là rất lớn.

Một thành viên Cộng hòa khác thậm chí nói rằng ông sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton nếu ông Trump được chọn.

Tuy nhiên có vẻ đã quá trễ để ngăn cản tỉ phú Trump khi các nhà vận động, tài trợ đang dần chấp nhận rằng việc ông tỉ phú khác thường sẽ chiến thắng là “điều khó tránh khỏi” và các khảo sát dường như cũng ủng hộ điều này.

Sau thống đốc Christie, thống đốc bang Maine, ông Paul R. LePage mới đây cũng lên tiếng ủng hộ Trump và mô tả ông có thể trở thành “một trong những tổng thống vĩ đại nhất”.

TRẦN PHƯƠNG (tuoitre.vn)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề