Nga đầu hàng vì không chịu nổi giá dầu thấp ?  

Để đủ bù đắp thâm hụt, Nga cần sử dụng nguồn Quỹ dự trữ, vay tiền nước ngoài, tăng thuế, bán tháo tài sản nhà nước hoặc phá giá đồng ruble.

Nga đã ngỏ ý đàm phán về giá dầu với cả đối thủ Saudi Arabia nhưng chưa được chấp nhận.

Nga xuống thang

Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin cho biết trong ngày 16/2, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak sẽ hội đàm không chính thức với người đồng cấp Saudi Arabia, Ali al-Naimi tại thủ đô Doha của Qatar để thảo luận về thị trường dầu mỏ.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak
 

Tham gia cuộc gặp này còn có Bộ trưởng dầu mỏ Eulogio del Pino của Venezuela, thành viên có ảnh hưởng trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Các bộ năng lượng của Nga và Saudi Arabia đã từ chối bình luận về thông tin trên Bloomberg. Trước đó, Riyadh đã bác bỏ khả năng giảm sản lượng để hậu thuẫn giá dầu thế giới, cho rằng thị trường cần tự điều tiết theo tình hình.

Đây là động thái “xuống thang” tiếp theo của Moskva trong bối cảnh giá dầu mỏ thế giới tiếp tục duy trì ở mức thấp, ảnh hưởng lớn tới nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nga.

Hôm 2/2, Nga cũng đơn phương tuyên bố sẵn sàng tổ chức một cuộc gặp với các cường quốc dầu mỏ trên thế giới để trao đổi về sản lượng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khi đó đang ở thăm UAE khẳng định Moskva “sẵn sàng cho các hình thức hợp tác khác, nếu như có mối quan tâm chung trong việc tổ chức một cuộc gặp giữa các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu mỏ”.

Người dân Moskva xếp hàng mua thực phẩm dịp Năm mới 2016
 

Bất chấp thái độ “nhún nhường” của Nga, OPEC cho biết vẫn chưa lên kế hoạch đối thoại về hỗ trợ giá dầu với Nga cũng như các quốc gia không thuộc tổ chức này.

Tờ Độc lập của Nga mới đây phải thừa nhận Moskva đã thất bại trong việc thuyết phục Saudi Arabia giảm bớt sản lượng dầu mỏ nhằm ngăn chặn tình trạng giá dầu thế giới liên tục dò đáy mới.

Nga còn sẵn sàng đầu hàng, khi quyết định giảm 5% sản lượng dầu mỏ của mình, nhưng dường như OPEC cũng không chấp nhận.

Sau tuyên bố cắt giảm 5% sản lượng (tương đương 500.000 thùng/ngày) do Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đưa ra, giá dầu trên thị trường thế giới đã có cú nhảy vọt gần 8%. Đây được coi là “phép lạ” khi giá dầu thậm chí có thời điểm vượt ngưỡng 36USD/thùng.

Giới phân tích cho rằng Nga đang lặp lại bài cũ vào cuối những năm 1980 nhằm tìm kiếm “phép lạ” khôi phục giá dầu. Khi đó, Nga đã cắt giảm khai thác gần 20% do giá dầu thế giới thấp và mức thuế cao.

Cùng với Nga, Venezuela cũng có những hành động “đầu hàng” tương tự. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã lên kế hoạch thăm một loạt quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, trước hết là Nga, Qatar, Iran, Saudi Arabia…

Nhà lãnh đạo này cho rằng các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ cần phải “hoàn toàn nhất trí với nhau” trong chiến lược khai thác dầu mỏ.

Trước đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Eulogio del Pino và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng đã thảo luận qua điện thoại về tình hình thị trường dầu mỏ thế giới.

Trong tháng 2/2016, các nước xuất khẩu dầu mỏ và OPEC nhóm họp để thảo luận việc cắt giảm sản lượng. Đây chính là nguyên nhân thứ hai dẫn đến “hiện tượng lạ” dầu tăng giá.

Tuy nhiên, giá dầu mỏ đã quay đầu giảm sau khi có thông tin từ OPEC rằng họ chưa nghe thấy bất kỳ kế hoạch nào cho cuộc đàm phán và Saudi Arabia vẫn chưa đề xuất cắt giảm sản lượng dầu.

Một nguồn tin từ OPEC và thân cận với các chính sách của Saudi Arabia cũng như báo chí nước này cũng luôn khẳng định Riyadh không có ý định thảo luận với Nga về việc giảm sản lượng dầu.

Chiêu cũ mất tác dụng

Vào những năm cuối thập niên 1980, sản xuất dầu mỏ ở Nga đã giảm gần 20%, từ 568,8 triệu tấn trong 1988 xuống còn 462 triệu tấn năm 1991. Đây là một trong những yếu tố khiến giá dầu tăng gấp đôi.

Đầu những năm 1990, ngành khai thác dầu vẫn tiếp tục đà giảm cung, dẫn đến cuộc khủng hoảng thiếu năm 1998. Khi đó, Nga khai thác trung bình khoảng 300 triệu tấn dầu mỗi năm.

Giờ đây, sản lượng trung bình của ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga cao hơn nhiều. Vì vậy, theo dự báo của Viện Gaidar, Học viện Kinh tế Quốc gia và Học viện Thương mại toàn Nga, sản xuất dầu của Nga ở thời điểm cuối năm 2015 có thể vượt 530 triệu tấn, mức cao nhất kể từ năm 1990. Theo thống kê trong 11 tháng đầu năm 2015, Nga khai thác khoảng 487,5 triệu tấn dầu.

Trong điều kiện thâm hụt ngân sách như hiện nay, Chính phủ Nga đang tìm cách bù đắp cho sự sụt giảm giá dầu, trước hết là xem xét tăng thuế, cải cách, điều chỉnh hoặc bổ sung thu thuế đối với một số ngành liên quan…

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, Nga sẽ không được lợi gì khi cắt giảm sản lượng dầu. Việc giá dầu tăng đột ngột trong thời gian ngắn rồi lại quay đầu giảm đã phần nào cho thấy sự “bất lực” của Nga nhằm đẩy giá dầu lên cao.

Giới chuyên gia Nga nhận định để bù đắp thâm hụt ngân sách và cân bằng những tác động tiêu cực từ sự sụt giảm giá dầu mỏ, tỷ giá đồng ruble so với đồng USD cần phải cao hơn nữa. Để bổ sung ngân quỹ, chính phủ sẽ phải lựa chọn một trong hai phương án: phá giá đồng ruble hoặc tăng nợ quốc gia.

Nga không bị đe dọa vỡ nợ, với tổng số tiền nợ nước ngoài chỉ ở mức 50,1 tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại hối đạt 371,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngân sách Nga năm 2016 được dự trù thâm hụt 2,4 nghìn tỷ ruble. Con số này là chấp nhận được khi giá dầu Urals ở mức trung bình là 50 USD/thùng, song đây có lẽ là con số “mơ ước” trong bối cảnh hiện nay.

Để đủ bù đắp thâm hụt Nga cần sử dụng nguồn Quỹ dự trữ, vay tiền nước ngoài, tăng thuế, bán tháo tài sản nhà nước hoặc phá giá đồng ruble.

Chính phủ Nga đã bác bỏ thông tin chuẩn bị phá giá đồng ruble. Trong khi đó, giới chuyên gia cũng cho rằng đồng nội tệ của Nga đã sụp đổ và rất khó để có thể suy yếu hơn nữa.

Có ý kiến cho rằng Chính phủ Nga đã quyết định phá giá từ thời điểm thả nổi đồng ruble. Tỷ giá hợp lý cho hoàn cảnh hiện nay là 1 USD đổi không dưới 90 ruble.

Nhưng điều này lại gây ra những rủi ro hiện hữu về lạm phát. Đặc biệt, khi giá dầu giảm xuống chỉ còn từ 10-20 USD/thùng thì việc Nga phá giá đồng ruble cũng không giúp ích gì.

Theo giới phân tích, khi giá dầu duy trì ở mức 30 USD/thùng đến cuối năm nay thì tỷ giá so với đồng USD sẽ tăng lên 90 ruble. Như vậy, giá 1 thùng dầu sẽ là 2.700 ruble và theo các tính toán kinh tế thì với những con số như vậy cũng khá đủ để duy trì nguồn ngân sách dự trữ không bị cạn kiệt trong năm 2016.

Hồi giữa tháng 1 vừa qua, Ngân hàng Bank of America công bố dự báo cho biết Nga muốn cân bằng thu-chi ngân sách quốc gia thì phải duy trì tỷ giá 1 USD đổi 210 ruble khi dầu có mức giá trung bình là 25 USD/thùng.

Phòng Thành (nguồn: Thông Luận)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề