Muốn “làm lớn”, hãy chính danh!

Nhóm bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ra một tuyên bố kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở Đức mới đây, theo đó, các lãnh đạo quan ngại về căng thẳng hàng hải châu Á và kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật quốc tế.

Sự đột phá chính của cuộc bàn thảo là ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc với tính cách xây dựng và sẽ cùng nhau giải quyết một số vấn đề liên quan đến biển Đông. Ở thời điểm này, chúng tôi có cơ chế, dưới dạng bàn thảo, để xem xét vấn đề

Trưởng Ban thư ký quốc gia ASEAN – Malaysia Muhammad Shahrul Ikram Yaakob phát biểu sau hội nghị quan chức cao cấp ASEAN tại Malaysia ngày 10-6

Ngay lập tức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá nhận định đó là “thiếu trách nhiệm”! Thậm chí, lần này Tân Hoa xã còn tỏ ra uất ức, oan uổng: “Từ khi nào hành động đúng luật pháp của một nước ở trong chính lãnh thổ của mình lại phải chịu phiền trách?”!

Có thể hiểu lý do bộ máy tuyên truyền đối ngoại ấy cứ ra rả “một bài ca không bao giờ quên” như thế là do… phản xạ và lười tự suy nghĩ. Vì phản xạ mà chỉ chú trọng đến điểm “nhột” là việc G-7 nhắc đến biển Đông, còn cả bản tuyên bố chung của người ta thì không đọc.

Lẽ ra cả bộ máy tuyên truyền đối ngoại ấy phải cất công đọc hết tuyên bố chung đó của G-7 để còn nhìn thấy rằng “làm lớn” như G-7 quả là “lớn” thiệt và mường tượng ra một ngày nào đó G-7 mời Trung Quốc, nền kinh tế nhất nhì thế giới hiện nay, cùng bước vào nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới, như định nghĩa của G-7 khi được khai sinh năm 1975 tại Rambouillet (Pháp).

Điều này thật ra cũng có thể liên quan đến đường lối “đối ngoại nước lớn” mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã cất công đề ra năm ngoái. Để rồi cả bộ máy ở Bắc Kinh bắt đầu suy nghĩ làm cường quốc là làm sao, thay vì làm càn và sau đó cứ phải nói càn, để rồi bị lên án hết vụ này tới vụ khác.

Như bị các lãnh đạo G-7 mới đây ở Elmau nói rõ: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc sử dụng hăm dọa, cưỡng ép hay vũ lực, cũng như bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng, như việc cải tạo đất quy mô lớn”. Cái kiểu hành xử nước lớn làm càn đó rõ ràng đã bị nhận diện!

Chẳng vì thế mà cũng Tân Hoa xã đã giận dữ trước câu hỏi gần đây của trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel: “Trung Quốc muốn trở thành cường quốc kiểu gì?”. Câu hỏi này mang ý nghĩa rất sẵn lòng tôn trọng “đẳng cấp nước lớn” của Trung Quốc nên nhắc nhở Trung Quốc cần chơi cho đúng đẳng cấp.

Thật sự là cả thế giới nay đang tự hỏi “Trung Quốc muốn thành cường quốc kiểu gì?”. Thời đại nào chỉ có thể nên suy nghĩ theo thời đại đó, bằng không sẽ là “phí thời gian”.

Thế giới trong thế kỷ 21 càng là “thế giới phẳng”, bằng cớ là hàng hóa và người Trung Quốc (du khách, nhà đầu tư và cả người lao động chân tay) đang cùng khắp thế giới.

Trung Quốc càng nên hiểu ra rằng thế giới không còn là cái hình tròn sơn son thếp vàng ở giữa các mặt phẳng hình chữ nhật, như bản đồ Trung Quốc thời Tần Thủy Hoàng lập quốc hay như bìa quyển Trật tự thế giới của ông Henry Kissinger, mà là một thế giới đa phương. Đa phương là điều mà các nước lớn đang làm, nhưng Trung Quốc thì cố né tránh cho dù đang muốn là nước lớn.

Có thể là do quen song phương để dễ bề “cá lớn nuốt cá bé” hay chưa quen “làm lớn” nên vẫn ngại đa phương.

Thật ra có khối gì cách để Trung Quốc trở thành nước lớn trong trọng vọng, khi đang là nền kinh tế có “của ăn của để” như bây giờ, vào G-7 bằng cổng chính chứ không như Nga trào Boris Yeltsin đang vay nợ G-7 bằng cánh cửa phụ mở hé ở G-7 Lyon!

Trên một tàu du lịch thăm ba hòn đảo Hi Lạp chiều 10-6 mà tôi có mặt, không ít du khách Trung Quốc vác máy chụp hình ra chụp, quay phim các hòn đảo ấy. Chẳng hạn như bỏ tiền mua các hòn đảo đó – mà Hi Lạp đang sẵn lòng bán – kiểu như hãng tàu quốc doanh Trung Quốc Cosco đã mua một phần cảng Piraeus, để chiếm vị trí chiến lược của thủ đô Athens, vô hình trung biến mấy chiến hạm của hải quân phòng thủ cảng này thành “phỗng đá”.

Muốn “vươn vai” tận Địa Trung Hải, khống chế cả đông Địa Trung Hải lẫn “cổng ra vào” biển Đen, thừa sức mặc cả với EU, Mỹ và cả với Nga, chỉ một “dúm” đôla là đủ, thay vì dùng kiểu làm càn lấn đảo ở biển Đông!

Tất nhiên vì mục đích quân sự trên hết thì sẽ không được hoan nghênh, như từ khi đảng cực tả Syriza lên nắm quyền Hi Lạp đã “tốp” việc Cosco mở rộng thêm nữa ở cảng Piraeus!

Trí Lê (Theo Tuổi trẻ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề