Lý Quang Diệu viết về Nhật Bản

Để hoàn toàn hiểu đến tận cùng quan điểm biệt lập này, ta phải xem xét một nhóm khác cũng bị loại trừ: những người Nhật thuần chủng từ Mỹ La-tinh, còn được gọi là nikkeijin. Từ thập niên 1980, hàng chục nghìn người này, phần lớn từ Brazil, đã chuyển đến Nhật theo những chính sách di cư tự do được dựng lên với hi vọng họ sẽ là câu trả lời cho vấn đề dân số đang lão hóa của đất nước. Khi thực hiện hành trình nửa vòng trái đất, những nikkeijin này đã đi theo hướng ngược lại với ông nội hoặc ông cố của họ, những người đã xuất cảnh hồi thập niên 1920 để tìm kiếm việc làm ở các đồn điền cà phê khát nhân công tại Brazil. Cuộc thử nghiệm thất bại. Lớn lên trong một xã hội hoàn toàn khác, những nikkeijin bị những người bà con ở Nhật xa lánh về văn hóa đến mức họ bị đối xử như người nước ngoài. Cuối cùng, vào năm 2009, ở đỉnh cao của cuộc khủng hoảng kinh tế, chính phủ đã chi cho những nikkeijin thất nghiệp một khoản phí tái định cư để họ quay lại Brazil. Ở một xã hội khác, một xã hội với một thái độ khác đối với người nước ngoài, cuộc thử nghiệm này có thể đã thành công. Thực tế, chính phủ Nhật Bản chắc hẳn cũng đã tin vào khả năng thành công trước khi họ thi hành chính sách. Ngay chính họ cũng đã đánh giá thấp mức độ không chấp nhận (người nước ngoài của xã hội).

Người nước ngoài hiện chiếm dưới 1,2 phần trăm tổng số cư dân ở Nhật, so với 6 phần trăm ở Anh, 8 phần trăm ở Đức và 10 phần trăm ở Tây Ban Nha. Nhật Bản thuần nhất đến mức những người Nhật trẻ đã trải qua một thời gian ở nước ngoài, thường là vì cha mẹ họ được đưa đi làm việc như những người định cư ở nước ngoài, sẽ có một thời gian khó khăn để hòa nhập khi về nước, ngay cả khi họ học ở những trường Nhật. Nhiều giao tiếp hằng ngày bị hạn chế, và người tiếp xúc thường đưa ra suy luận dựa trên ngôn ngữ cơ thể và âm yết hầu. Sẽ mất nhiều năm và cần một sự chuyển biến cơ bản trong quan niệm để đất nước này tính tới một giải pháp dân số dựa trên thu hút nhập cư. Nhưng Nhật Bản liệu có được thứ xa xỉ về thời gian để chờ thêm nhiều năm nữa trước khi đối mặt với vấn đề này hay không? Tôi nghi ngờ điều đó. Nếu họ để thêm 10 hay 15 năm nữa, họ sẽ trượt dốc không phanh và có lẽ sẽ quá muộn để cứu vãn.

Nhật Bản đã trải qua hai “thập kỷ mất mát”, và đất nước này hiện đang bước vào thập kỷ thứ ba. Từ năm 1960 tới năm 1990, GDP của đất nước này đã tăng trung bình hằng năm 6,2 phần trăm. Từ đống đổ nát sau chiến tranh, người Nhật đã tự nâng mình dậy, làm việc cật lực và xây nên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với sự trợ giúp từ người Mỹ. Khi các doanh nghiệp Nhật giành được các bất động sản ở phương Tây, những nhà phân tích lo ngại đã từng cảnh báo rằng Đại công ty Nhật Bản (Japan Incorporated) đã sẵn sàng thế chân các nước phát triển vốn đang dần chững lại – không khác cách một vài người bàn về Trung Quốc ngày nay. Nhưng vào năm 1991, bong bóng tài sản ở Nhật đã vỡ, khởi đầu cho giai đoạn tăng trưởng trì trệ kéo dài. Tỷ lệ tăng trưởng GDP trung bình hằng năm từ 1991 chỉ khiêm tốn ở mức 1 phần trăm. Như tôi đã viết, thập kỷ đình trệ thứ ba đã bắt đầu. Nếu những hành động kiên quyết không được thực hiện sớm để giải quyết vấn đề dân số thì không có thay đổi về chính trị hay kinh tế nào có thể hồi phục đất nước này, cho dù chỉ thành một cái bóng mờ nhạt của sự năng động sau chiến tranh của nó.

Đặc điểm nhân khẩu học quyết định số mệnh của một dân tộc. Nếu bạn suy giảm dân số, với tư cách là một quốc gia, bạn đang suy giảm sức mạnh. Người già không đổi xe hơi và dàn ti vi. Họ không mua các bộ com-lê mới hay tới các câu lạc bộ chơi golf mới. Họ đã có tất cả những thứ họ cần. Họ hầu như không ăn tối ở những nhà hàng sang trọng. Vì lý do này, tôi rất bi quan về nước Nhật. Trong vòng một thập kỷ, tiêu thụ trong nước sẽ bắt đầu giảm và quá trình có lẽ không thể đảo ngược được nữa. Điều này lý giải một phần tại sao các gói kích thích lặp đi lặp lại chỉ có tác dụng khiêm tốn lên nền kinh tế. Nhật Bản của hôm nay vẫn là quốc gia sáng tạo thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ, nếu đo bằng con số bằng sáng chế toàn cầu. Nhưng những phát minh là từ những người trẻ, không phải những người già. Trong ngành Toán, một người đạt đỉnh cao ở tầm tuổi 20 hoặc 21. Không một nhà toán học lớn nào cho ra những công trình lớn hơn sau độ tuổi đó.

Tôi đã thăm Nhật Bản vào tháng Năm năm 2012 để tham dự một hội nghị có tên “Tương lai châu Á”, được tổ chức bởi tập đoàn Nihon Keizai Shimbun. Khi nói chuyện với một vài lãnh đạo người Nhật tôi gặp, tôi có nói vòng quanh chủ đề dân số vì tôi muốn hiểu xem họ thực sự nghĩ thế nào. Tôi không hề nói: “Các vị sẽ nhận dân nhập cư chứ?” mà nói: “Giải pháp của các vị là gì?” Họ đáp: “Trợ cấp cho chăm sóc trẻ nhiều hơn và các khoản thưởng cho trẻ sơ sinh.” Đó là cả một sự thất vọng. Các khoản thưởng cho trẻ sơ sinh sẽ không đảo ngược được tình thế. Việc chính phủ khuyến khích sinh con chỉ có một hiệu quả rất hạn chế ở những nơi họ thực hiện, bởi vì vấn đề không phải là chuyện tiền bạc mà là cách sống và nguyện vọng đã thay đổi của người dân. Ngay cả ở những nơi khuyến khích này tạo nên khác biệt, như Pháp hay Thụy Điển, quá trình cũng chậm chạp và cực kỳ tốn kém.

Người Nhật là một dân tộc gây ấn tượng mạnh. Khi trận động đất Tohoku xảy ra vào ngày 11 tháng Ba năm 2011, thế giới đã theo dõi đầy cảm phục cách người dân ở Nhật phản ứng – không hoảng loạn, không cướp bóc, chỉ có lòng tự trọng và vẻ khoan dung trên cảnh tàn phá, mọi người chăm sóc và giúp đỡ lẫn nhau. Rất ít xã hội nào có thể duy trì được sự bình tĩnh, trật tự và kỷ luật như thế trong suốt một thảm họa có tính nghiêm trọng như vậy. Nhật Bản hầu như là số một trong cách mà họ phấn đấu cho sự hoàn hảo đối với mọi thứ họ làm – từ việc sản xuất những chiếc ti vi và xe hơi không có lấy một lỗi nhỏ đến sự kết hợp của món sushi ngon lành nhất. Khả năng làm việc nhóm của nhân viên Nhật giúp họ vượt lên trên những quốc gia khác. Người Hàn Quốc và Trung Quốc có lẽ có thể sánh được với người Nhật ở cấp độ từng cá nhân. Nhưng theo đội nhóm thì không thể nào sánh được với người Nhật. Có thể chính ấn tượng này đã đưa tôi đến chỗ tin tưởng rằng một lúc nào đó người Nhật sẽ chuyển mình khỏi cơn ngủ mê về vấn đề dân số của họ – ngay khi thực tế khắc nghiệt nhìn thẳng vào mặt họ. Rốt cục thì làm sao có thể cho phép những người hàng xóm của bạn phát triển khi bạn dần lu mờ đi mà không có động thái gì về việc này?

Nhưng giờ tôi không còn tin vào việc Nhật chắc chắn sẽ có phản ứng. Nhiều năm trôi qua và tôi không thấy một chuyển biển nào. Có nhiều khả năng đây là một quốc gia đang dạo bước vào sự tầm thường. Cuộc sống, chắc chắn, sẽ vẫn thoải mái đối với những người Nhật trung lưu trong nhiều năm sắp tới. Không như những quốc gia đã phát triển ở phường Tây, Nhật Bản không tích những khoản nợ nước ngoài khổng lồ. Đất nước này cũng rất phát triển về công nghệ và người dân có học thức cao. Nhưng cuối cùng thì những vấn đề của Nhật Bản cũng sẽ đuổi kịp nó. Nếu tôi là một thanh niên người Nhật và tôi có thể nói tiếng Anh, có lẽ tôi sẽ chọn đường di cư ra nước ngoài.

Hỏi – Đáp

Xem phần còn lại của nội dung văn bản tại đây: Lý Quang Diệu viết về Nhật Bản

theo Nghiên cứu quốc tế


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề