Kiểu bao biện mang tên Trung Quốc

Ngày 15-9, khi bình luận trên tờ The Natinonal Interest, Tiến sĩ James Kraska đến từ Trung tâm Nghiên cứu Luật quốc tế Stockton cho rằng, Mỹ và cộng đồng quốc tế phải có hành động ngay bây giờ cả trên không, mặt biển và dưới đại dương ở Biển Đông một cách thường xuyên, liên tục xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp.

Đồng thời cảnh báo, việc ngăn cản kế hoạch của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho tàu hoạt động trong phạm vi 12 hải lý các đảo nhân tạo Trung Quốc xây bất hợp pháp ở Trường Sa có thể khiến Bắc Kinh cho rằng, Mỹ mặc nhiên thừa nhận yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc.

Khuyến nghị của giới chuyên môn

Ngày 15-9, khi nói với Hãng Reuters, bà Bonnie Glaser, chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington, Mỹ, cho rằng các bức ảnh vệ tinh chụp hồi đầu tháng 9 chứng tỏ, hoạt động nạo vét của Trung Quốc tại bãi đá Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vẫn diễn ra, không giống như tuyên bố trước đó của Bắc Kinh. Và điều này cho thấy, Trung Quốc vẫn nói một đằng, làm một nẻo. Bà Bonnie Glaser còn dẫn khẳng định hôm 5-8 của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị để chứng minh cho tuyên bố của mình. “Bắc Kinh đã ngừng hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông”, nhưng các bức ảnh vệ tinh chụp bãi đá Chữ Thập cho thấy, một đường băng dài 3.000m mới hoàn thành và hoạt động của Trung Quốc dường như tập trung vào mục đích quân sự. Và việc Trung Quốc chuẩn bị xây dựng các đường băng tương tự trên bãi đá Subi và Vành Khăn đã tạo ra những câu hỏi về khả năng Bắc Kinh thách thức tự do hàng hải và hàng không trong tương lai.

Vẫn theo bà Bonnie Glaser, trước chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, dường như Bắc Kinh muốn gửi một thông điệp tới Tổng thống Barack Obama: Trung Quốc quyết tâm thúc đẩy các lợi ích tại Biển Đông, cho dù việc này có làm gia tăng căng thẳng với Mỹ. Trước đó (14-9), chuyên gia Greg Poling Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc CSIS cho rằng, 3 đường băng tại quần đảo Trường Sa sẽ cho phép Trung Quốc đe dọa toàn bộ tuyến giao thông hàng không trên các thực thể mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở đó. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Bill Urban, tuy từ chối bình luận về tuyên bố của ông Greg Poling, nhưng tái yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động xây dựng, bồi đắp bất hợp pháp tại Biển Đông.

Ngày 14-9, tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin dẫn thông tin từ báo chí Mỹ cho biết, ngày 10-9, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần, thảo luận về sự phát triển của Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latinh và Caribbean.

Và theo Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề tây bán cầu của ủy ban này, Jeff Duncan cho rằng, Trung Quốc hiện đang xây dựng các loại quan hệ (ngoại giao, kinh tế và quân sự) với rất nhiều quốc gia ở tây bán cầu, với một mạng lưới vô cùng phức tạp ở khu vực này.

Trong đó đáng quan tâm nhất là kênh đào Nicaragua (Trung Quốc bỏ vốn và quản lý với mức kinh phí lên tới hàng chục tỉ USD) bởi sau khi hoàn thành sẽ cạnh tranh với kênh đào Panama, giúp tàu thuyền Trung Quốc, trong đó có cả tàu ngầm, dễ dàng tiếp cận hơn với bờ biển Mỹ.

Tiếp đến là việc Trung Quốc bỏ vốn xây dựng tuyến đường sắt kết nối Peru và Brazil, kết nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương nhằm mở rộng vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh. Trong khi đó, Chủ tịch Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Matt Salmon cho rằng, mặc dù hiện Trung Quốc chủ yếu tham gia thương mại và đầu tư ở Mỹ Latinh và Caribbean, nhưng có xu thế phát triển theo hướng quân sự.

Và việc này giúp Trung Quốc giảm ưu thế của Mỹ, khiến Mỹ bị cô lập về địa lý, do đó Washington cần đề phòng sự hiện diện quân sự của Bắc Kinh tại các nước láng giềng của mình.

Kiểu bao biện của Trung Quốc

Ngày 16-9, tờ South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh phải xây dựng bất hợp pháp thêm đường băng thứ 3 ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam để đáp ứng mục tiêu chiến lược lâu dài, trở thành một cường quốc hải quân, cường quốc biển thật sự. 3 đường băng này sẽ giúp hải quân Trung Quốc “phá vỡ thành lũy của quân đội Mỹ duy trì lâu nay trên Biển Đông với sự giúp đỡ của các nước trong khu vực”. Đồng thời cung cấp sự hỗ trợ toàn diện cho hải quân Trung Quốc đóng tại Tam Á. Bởi đường băng 3 km đủ dài cho cả máy bay quân sự lẫn dân sự hoạt động. Và việc này đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cũng như tự do hàng hải – hàng không trong khu vực.

Ngày 14-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã biện bạch cho hoạt động xây dựng trái phép của Bắc Kinh tại quần đảo Trường Sa và khu vực lân cận “đều nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”. Đồng thời ngang nhiên tuyên bố, Trung Quốc có quyền thiết lập các cơ sở quân sự tại đây. Cũng trong ngày 14-9, tờ Global Times cho biết, ông Chu Đại Bình, Chủ tịch Công ty Phát hành sách CN Times Books (từng làm việc tại Ban Tuyên truyền Thành ủy Bắc Kinh giai đoạn 1993-1999), đã đặt mua trang quảng cáo trên tờ New York Times số phát hành hôm 7-9 với giá 100.000USD để giới thiệu sách về Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc trước thềm chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình. Giới chuyên môn coi đây là động thái lăng xê ông Tập Cận Bình trước chuyến thăm Mỹ diễn ra vào hạ tuần tháng 9.

Trước đó (13-9), tờ Newsweek cho biết, đang có nhiều đồn đoán về việc liệu cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama với Chủ tịch nước Tập Cận Bình có đưa ra được kết quả quan trọng nào không. Và có nhiều người cho rằng, Mỹ sẽ không công nhận “những tuyên bố toàn vẹn lãnh thổ hợp pháp” của Trung Quốc. Dư luận cho rằng, việc Trung Quốc xây đường băng sân bay quân sự thứ 4 trên Biển Đông (và là đường băng thứ 3 tại các đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam), là hành động thách thức quyền lực của Mỹ tại khu vực này.

Ngày 11-9, khi bình luận trên cổng thông tin Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế CSIS, Tiến sĩ Christopher Yung đến từ Học viện Thủy quân lục chiến Mỹ, thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Mỹ đã đề cập tới ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc, cùng các cá nhân có liên quan đến kế hoạch vận động hành lang của hải quân nước này với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh liên quan đến cái gọi là chủ quyền, và lợi ích hàng hải của Trung Quốc.

Hành xử kiểu Mỹ

Hãng AFP vừa dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Tổng thống Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ đón tiếp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện bằng quốc yến tối 25-9. Và chuyến thăm này sẽ là cơ hội để “mở rộng hợp tác Mỹ-Trung, cũng như giải quyết những bất đồng trên tinh thần xây dựng”.

Trước đó (13-9), tờ The Hill đưa tin, ông Tập Cận Bình có thể hoãn chuyến thăm Mỹ, nếu Washington áp đặt trừng phạt Bắc Kinh vì các vụ tấn công mạng. Trong khi đó, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết, Bắc Kinh và Washington có thể sẽ ra tuyên bố chung về những quy định hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.

Ngày 16-9, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, nước này tạm hoãn áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và công ty Trung Quốc sau vụ tấn công mạng Cơ quan Quản lý Nhân sự của Chính phủ Mỹ hồi tháng 7 vừa qua. Bởi Washington không muốn vấn đề này phủ bóng đen lên chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang cân nhắc các lệnh trừng phạt và cách hành xử đối với Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Bởi việc áp đặt trừng phạt trước chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ là một thảm họa ngoại giao. Và nếu các lệnh trừng phạt được áp đặt, đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ thực hiện một án phạt sau khi Tổng thống Barack Obama ký sắc lệnh hữu quan từ tháng 4-2015. Tổng thống Barack Obama từng cảnh báo, quy mô của các vụ tấn công mạng từ Trung Quốc là “không thể chấp nhận được” và các quan chức đã nêu ý tưởng về một lệnh trừng phạt mới.

Theo ông Kurt Campbell, cố vấn chính sách châu Á trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama, Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn bất ổn và lo ngại ở trong nước, nhưng không nhất thiết nhún nhường trong các vấn đề quốc tế và ông Tập Cận Bình dường như sẽ cứng rắn hơn để tránh xuất hiện với sự yếu thế.

Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel đã đến Bắc Kinh để thảo luận những vấn đề quan trọng với các quan chức cấp cao Trung Quốc. Và ông Daniel Russel là quan chức cấp cao thứ hai của Mỹ tới Trung Quốc, sau Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình.


Ngày 15-9, truyền thông Indonesia đưa tin, khi phát biểu tại Hội nghị Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương lần thứ 9 (PACC) và Hội thảo quản lý Lục quân Thái Bình Dương lần thứ 39 (PAMS) ở Bali, Tư lệnh Lục quân Mỹ Mark Milley cho biết, Washington cam kết góp phần duy trì ổn định và an toàn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Được biết, tại PACC và PAMS (từ 14 đến 17-9), các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề quan trọng như chính sách tăng cường hợp tác quân sự và an ninh đa phương, đặc biệt ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Trí Lê (Theo PetroTimes)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề