Khủng hoảng tị nạn: Nhóm Visegrad bác bỏ quota của Châu Âu
Để tìm cách thu hẹp các bất đồng trong chính sách người tị nạn, hôm nay 11/09/2015, Ngoại trưởng Đức có cuộc gặp đồng nhiệm bốn nước Ba Lan, Hungari, Séc và Slovakia thuộc nhóm Visgrad, tại Praha. Tuy nhiên, các nước Đông Âu này đã bác bỏ chủ trương phân bổ định mức tiếp nhận bắt buộc, mà Chủ tịch Ủy ban Châu Âu vừa đề nghị.

Trả lời báo giới sau cuộc họp này, Ngoại trưởng Séc Lubomi Zaoralek thông báo các nước tiếp đón người tị nạn « phải có quyền kiểm soát số lượng người tị nạn mà họ sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ ».

Theo chủ trương của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, các thành viên Châu Âu cần chia sẻ việc đón tiếp 160.000 người tị nạn ngay từ tuần tới. Các nước Ba Lan, Hungary, Séc và Slovakia có quan điểm phản đối chính sách quota, theo sáng kiến của Đức, mà Pháp là một trong những nước ủng hộ đầu tiên. Thủ tướng Slovakia Robert Fico lớn tiếng phản bác: « Chúng ta không thể nào quỵ lụy và tuân theo, mỗi khi Đức hay Pháp yêu cầu ».

Tuần trước, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã cảnh báo: Châu Âu không có quyền chia rẽ trước một thách thức như vậy. Theo ông, « trách cứ sẽ không giúp cho việc kiểm soát được tình hình ».

Ba Lan, Hungary, Séc và Slovakia vốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu năm 2004 với sự hậu thuẫn của Đức, nhưng cuộc khủng hoảng được coi là chưa từng có đối với Châu Âu hiện nay khiến bốn nước phía Đông công khai thách thức lập trường của bà Angela Merkel.

Ngoài bốn nước nói trên, Rumani cũng từ chối chủ trương quota. Đan Mạch hôm nay cho biết sẽ không tham gia vào hệ thống phân bổ người tị nạn do Bruxelles quy định. Bộ trưởng Nội vụ Đan Mạch cho biết nước này đã tiếp nhận gần 15.000 đơn xin tị nạn năm 2014, và riêng từ đầu năm đến nay Đan Mạch đứng thứ năm ở Châu Âu đón người tị nạn, xét theo tỉ lệ dân số, đứng trên cả Đức (theo Eurostat).

Trước bất đồng cao độ giữa các nước thành viên, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, đang công du Chypre, thông báo có thể sẽ phải triệu tập một thượng đỉnh bất thường của Hội đồng Châu Âu trong tháng 9 này để tìm lối thoát. Quyết định sẽ được đưa ra sau cuộc gặp các Bộ trưởng Nội vụ Châu Âu thứ Hai tới.

Theo RFI


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề