Hướng đi nào cho các doanh nghiệp Việt tại Ba Lan: Bán buôn hay bán lẻ?

Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan dự định tổ chức đại hội lần thứ 2 vào tháng 6-2015. Hiện nay nhiều vấn đề được bàn bạc nhằm tìm kiếm những hướng kinh doanh phù hợp và hiệu quả trong thời gian tới. Để tập hợp các ý kiến, chúng tôi sẽ đăng một số đề tài đang được quan tâm.

Chủ đề đầu tiên:  Bán buôn hay bán lẻ ?

Từ những năm 90 kinh doanh của người Việt tại Ba Lan chủ yếu là bán lẻ hàng quần áo, dầy dép. Khi đó khắp các tỉnh, thành phố đều có người Việt bán hàng tại các chợ phiên hay chợ lẻ. Lúc đó, người Ba lan vốn có truyền thống kinh doanh, cũng tham gia tích cực vào thị trường bán lẻ và thường giành ưu thế khi cạnh tranh. Trong thời gian 1993-2000 hoạt động bán buôn tại sân vận động 10 năm ở thủ đô Vác xa va ngày càng phát triển, dần thu hút nhiều người Việt bỏ bán lẻ về bán buôn.

Khi sân vận động 10 năm giải thể, các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã kịp đầu tư và phát triển mô hình nhập khẩu, bán buôn lên quy mô mới, hiện đại hơn tại vùng thương mại Wólka Kosowska. Hiện nay vùng thương mại này đã đầu tư hàng trăm ha với khoảng 4000 gian hàng với hàng nghìn doanh nghiệp. Đây là trung tâm lớn nhất về nhập khẩu và bán buôn tại Ba lan. Giai đoạn đầu các doanh nghiệp Việt Nam chiếm ưu thế, tuy nhiên những năm qua kinh doanh của người Việt ngày càng kém hiệu quả, thậm chi thua lỗ. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn bán buôn của người Việt hiện nay:

– Về nguồn hàng. Chủ yếu nhập của Trung Quốc (từ Trung quốc hay sản xuất tại Châu âu). Khi các doanh nghiệp Trung quốc trực tiếp đưa hàng sang Ba Lan thì các doanh nghiệp Việt không đủ sức cạch tranh về chủng loại và giá cả.

– Về khách hàng. Khách hàng chính của người Việt là các thương nhân bán lẻ Ba Lan, khách từ Ukraina, Nga. Những năm qua các siêu thị phát triển mạnh cùng khủng hoảng kinh tế đã thu hẹp thị phần của người bán lẻ Ba Lan. Mặt khác Chiến tranh của Ukraina đã làm mất đi cơ bản khách hàng từ Ukraina, Nga.

– Về cạnh tranh. Khi người Việt bỏ bán lẻ thì người Trung Quốc lại phát triển nhanh mô hình siêu thị mini ( khoảng 500-1000m2) ở các vùng xa. Hệ thống này giúp các doanh nghiệp Trung Quốc liên kết giữa bán buôn và bán lẻ, tăng sức cạnh tranh. Hơn nữa các nhà máy Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư và phát triển tại đây. Thời gian tới TT TM GD tiếp tục mở thêm 2 khu bán buôn vật liệu xây dựng, điện, điện tử.

Liên quan đến bán buôn luôn có câu hỏi: Vùng thương mại Wólka Kosowska sẽ đi về đâu khi các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khó khăn?

Để hỗ trợ phát triển vùng thương mại này, vừa qua chính quyền quận Lesznowola đã thống nhất với các trung tâm thương mại hoàn thiện tiếp hạ tẩng giao thông, hệ thống thoát nước. Dự kiến 2015-2016 sẽ mở rộng 2 ngã tư Al. Krakowska – ul. Nadrzeczna và ul. Nadrzeczna – ul. Polna ( khoảng 2,5 triệu USD), đẩy nhanh hoàn thiện xa lộ từ trung tâm đến Magdalenka. Đề cập mở thêm các tuyến ôtô bus mới từ Warszawa, tăng cường an ninh, phòng cháy, chữa cháy, hỗ trợ quản lý người nước ngoài (hiện có khoảng 4.000 người nước ngoài sống tại đây). Nghiên cứu phát triển vùng Wólka Kosowska thành trung tâm (thị trấn) Châu á của Ba lan. Với sự quyết tâm của chính quyền, cùng sự phát triển của các doanh nghiệp Trung Quốc, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ có thể thấy vùng thương mại này trong 10-15 năm nữa vẫn là khu bán buôn lớn nhất của Ba Lan.

Bán buôn là lĩnh vực kinh doanh truyền thống của người Việt hơn 20 năm qua, xong để tồn tại và cạnh tranh hiệu quả tại đây, bên cạnh cần có sự hợp tác của các TT TM người Việt, các doanh nghiệp Việt bán hàng có thể:

– Tập trung những nghành hàng chuyên sâu nhằm bắt kịp với mẫu mã, thời trang, hay hàng hóa chất luợng, đa dạng hơn sản xuất từ nhiều nguồn, nhiều nước.

– Tăng cường chất lượng phục vụ khác hàng như bán hàng trực tuyến, chuyển hàng trực tiếp tới khách hàng, tăng cường marketing, xây dựng hệ thống khách hàng và gắn kết lâu dài với khách quen.

– Kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam ở các nước Châu Âu, nhất là Séc, Đức, Ukraina, Pháp, Ý để mở rộng thị trường về nguồn hàng và khách hàng. Có thể tìm cơ hội làm đại lý, đại diện cho các nhà máy, công ty xuất khẩu trong nước.

Gần đây nhiều doanh nghiệp cũng đã chuyển hướng kinh doanh khác phù hợp hơn với điều kiện của mình. Mở cửa hàng ăn, ẩm thực là một xu hướng. Đây cũng là thế mạnh của người Việt tại Ba Lan trong nhiều năm, xong do những yếu tố chủ quan, khách quan, lĩnh vực này lúc lên, lúc xuống vì những ảnh hưởng của môi trường kinh doanh và các phản ánh của tryền thông, chính quyền. Để phát triển bền vững cần sự hợp tác các doanh nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực, như hình thành hiệp hội ẩm thực Việt cùng giúp nhau trong kinh doanh và các hoạt động đối ngoại.

Một điểm yếu của doanh nghiệp Việt tại Ba Lan – trong nhiều năm chưa hình thành được một mô hình kinh doanh bán lẻ hay dịch vụ đặc trưng như nhiều nước Châu Âu khác. Có thể điểm qua một số mô hình kinh doanh các nước trong lĩnh vực bán lẻ:

– Xây dựng chuỗi cửa hàng có thương hiệu riêng. Khi đó cần hoạch định rõ về chiến lược kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh, đối tượng khách hàng, nguồn hàng, nhân lực, tài chính và cơ chế quản lý v.v. Mô hình này thường do một công ty hay một nhóm tài chính tổ chức thực hiện, hoạt động như hệ thống trong lĩnh vực hàng hóa , dịch vụ thiết yếu. Mô hình này hiện thành công ở Nga, Hung. Có thể liên kết giữa các nhà kinh doanh bán lẻ với xây dựng, sản xuất và nhập khẩu, ví dụ như hệ thống cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp Việt ở Krasnodar, Moskva, Crimea ( New Crimea) trong tập đoàn đa nghành bao gồm cả xây dựng và sản xuất với hàng ngàn lao động.

– Các cửa hàng bán lẻ của người Việt theo trào lưu. Thông thường hệ thống này hình thành tự phát từ một số cửa hàng, sau đó do hiệu quả nên nhanh chóng lan tỏa thành trào lưu. Khi có đủ số lượng sẽ dần hình thành các công ty dịch vụ từ các khâu tìm địa điểm, hình thành cửa hàng, cung cấp hàng hóa, vật tư. Thường có 3 loại cửa hàng. Thứ nhất các siêu thị mini với các mặt hàng thiết yếu, hàng vải, dầy dép. Các cửa hàng này hay gần các siêu thị thực phẩm, trong các trung tâm thương mai, trên phố (ở Séc, Hung). Thứ 2 các cửa hàng nhỏ bán thực phẩm, hoa quả như ở Séc ( khoảng 3000 cửa hàng), các của hàng bán hoa ở Đức. Thứ 3 các của hàng dịch vụ nghành nail ở Anh, Đức, Séc. Thành công của mô hình này nhờ sự chăm chỉ của người Việt, sự năng động, thân thiện thiện phụ vụ khách hàng và thường gắn liền với các gia đình tự quản.

– Liên kết nhượng quyền thương mại giữa các siệu thị với các nhà bán lẻ. Các siêu thị tập hợp các nhà bán lẻ trong một hệ thồng cùng chung thương hiệu, cung cấp hàng, hỗ trợ marketing v.v. Tại Séc hiện đã có gần 300 cửa hàng Moj Obchod của người Việt (trong tổng số 500 cửa hàng toàn Séc) với thương hiệu của Makro. Tương tự ở Ba lan, tập đoàn Makro từ 2011 đã hình thành hệ thống hơn 2000 cửa hàng (Sklepy Odido), hiện vẫn đang phát triển hàng ngày. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan lại chưa tận dụng để tham gia được vào hệ thống này.

Với điều kiện hiện tại, liệu các doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan có thể tìm được con đường nào phù hợp với kinh doanh của mình? Thời gian tới Hội doanh nghiệp dự định tổ chức các buổi tọa đàm nội dung trên với sự tham gia của nhiều khách mời, đặc biệt đại diện của tập đoàn Makro ở Ba lan, đại diện phụ trách khách hàng Châu Á của Makro tại Séc (người Việt Nam) để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thực tế, cũng như giúp tổ chức thăm quan các cửa hàng trong hệ thống. Một đề tài cũng đuợc quan tâm là tổ chức hội thảo về nghành nail và hỗ trợ đào tạo, cung ứng lao động nghành nail cho Ba Lan và các nước.

Vác xa va 28-05-2015

Vác xa va 28-05-2015

Trưởng ban Tổ chức Đại hội – Hoàng Xuân Bình (chủ tịch TTTM ASG)

Lan Hương (Theo Vietinfo)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề