Học thuyết Obama và cục diện toàn cầu

Một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu đối với những nhân vật nắm giữ cương vị tổng thống Mỹ trong lịch sử là đưa ra những học thuyết để xử lý các vấn đề trên toàn cầu với tư cách một siêu cường mà Mỹ nắm giữ.

Các học thuyết này mang đậm dấu ấn cá nhân của các đời tổng thống, và được xem như kim chỉ nam cho các chính sách của Mỹ trong thời kỳ những vị tổng thống này nắm quyền. Kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khi Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên toàn cầu, thì việc đưa ra các học thuyết này đã không còn quan trọng nữa, nước Mỹ chỉ đơn giản là xử lý những vấn đề đơn lẻ phát sinh trên toàn cầu.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, có lẽ người Mỹ cũng nhận ra rằng, họ đang cần một học thuyết thực sự. Và có vẻ như học thuyết sắp tới sẽ mang tên gọi: học thuyết Obama. Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền trong năm 2009 kế nhiệm cựu tổng thống George Bush được xem như một sự kiện bước ngoặt. Hai nhiệm kỳ của tổng thống Bush có lẽ là khoảng thời gian nhiều biến động nhất đối với nước Mỹ kể từ sau thế chiến thứ hai, mà sự kiện đỉnh điểm là vụ khủng bố tòa tháp đôi ngày 11/9/2001.

Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt, khi lần đầu tiên trong nhiều năm nước Mỹ bị tấn công, và nó dẫn đến hai cuộc chiến hao người tốn của ở Afghanistan và Iraq. Trong suốt gần 8 năm nhiệm kỳ của tổng thống Bush, nước Mỹ dồn sức vào hai cuộc chiến bắt buộc này, điều không thể tránh khỏi khi danh dự và niềm kiêu hãnh của nước Mỹ bị tổn thương nghiêm trọng.

Nhưng, dù là một sự kiện mang tính chấn động có một không hai trong lịch sử nước Mỹ, thì sự kiện 11/9 vẫn được xem là một sự kiện mang tính đơn lẻ đến từ sự thách thức của chủ nghĩa khủng bố hơn là một mối đe dọa toàn cầu đối với Mỹ. Giải pháp phù hợp là phát động cuộc chiến nhắm vào sào huyệt của chủ nghĩa khủng bố tại Afghanistan, và một vị tổng thống cứng rắn có phần cứng nhắc như Goerge Bush là một vị tổng thống phù hợp trong giai đoạn cần thiết phải sử dụng bạo lực ấy.

Nhưng khi mà hai cuộc chiến đã qua đi và tình hình đã dần ổn định trở lại, thì người Mỹ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi về những gì mà hai cuộc chiến đem lại. Ông Obama sở dĩ giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống năm 2008, là vì đã đưa ra những lời cam kết mạnh mẽ hơn về việc rút quân ra khỏi Afghanistan và Iraq, đồng thời tập trung vào nền kinh tế quốc nội để giải quyết những hậu quả mà hai cuộc chiến ở Trung Đông gây ra cho kinh tế Mỹ.

Việc rút quân khỏi Afghanistan và Iraq và giải quyết ổn thỏa vấn đề Trung Đông từ một vấn đề chủ chốt trong cương lĩnh tranh cử của ông Obama, giờ đây đang trở thành một bộ phận trong chiến lược toàn cầu mà người Mỹ cảm thấy cần thiết hơn bao giờ hết. Đơn giản vì tình hình thế giới đã khác trước. Trước khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001, Mỹ là siêu cường duy nhất trên thế giới và gần như không gặp phải một thách thức nào đáng kể trên thế giới.

Sau vụ khủng bố 11/9, vấn đề của nước Mỹ chỉ là chủ nghĩa khủng bố gói gọn phạm vi trong một vài quốc gia ở Trung Đông. Nhưng sau khi nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống George Bush kết thúc vào cuối năm 2008, người Mỹ mới nhận ra rằng họ đã bị hai cuộc chiến ở Trung Đông kéo chậm lại một quãng đường đáng kể, trong khi đó thì Trung Quốc đã tận dụng tình thế để thu hẹp khoảng cách với kinh tế Mỹ.

Chủ nghĩa khủng bố chỉ gói gọn trong một vài quốc gia và đã bị dập tắt một cách tương đối, còn sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể làm thay đổi cả cục diện toàn cầu và là một thách thức đáng gờm nhất.

Nên không khó hiểu khi tổng thống Obama tuyên bố Mỹ sẽ thay đổi chính sách, từ trọng điểm mà người Mỹ đã tập trung trong suốt hơn 10 năm qua là Trung Đông để xoay sang châu Á Thái Bình Dương. Người Mỹ đã mất quá nhiều thời gian và tâm sức ở Trung Đông và giờ đã đến lúc họ phải chuyển hướng sự chú ý sang những vấn đề đáng quan tâm hơn.

Nhưng, dù đã chuyển hướng sang châu Á Thái Bình Dương để hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì Trung Đông vẫn như một vết thương chưa kín miệng, lúc nào cũng rỉ máu của người Mỹ. Mỹ vẫn phải để một bộ phận binh sĩ ở khu vực này và cùng với đó là những chi phí không nhỏ khác, chưa kể hàng loạt vấn đề rắc rối như nguy cơ hạt nhân của Iran. Nói cách khác, cái đầu Mỹ đã nhìn về Đông Á, nhưng đôi chân Mỹ vẫn bị kẹt lại trong vũng lầy Trung Đông.

Chính vì thế, việc đạt được thỏa thuận hạt nhân ở Iran được xem như sự kiện bước ngoặt chấm dứt nguy cơ hạt nhân và cả những xung đột giữa hai dòng Hồi giáo lớn nhất ở Trung Đông là Sunni và Shiite. Nó đồng nghĩa với việc Mỹ gần như có thể rút hẳn sự hiện diện của mình ở khu vực nóng bỏng này để tập trung hoàn toàn vào những vấn đề ở châu Á Thái Bình Dương. Sóng gió ở Trung Đông có thể tạm lắng xuống để dậy lên ở một khu vực khác, đó là ở Đông Á, nơi cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc có thể coi như là cuộc đấu chủ đạo sẽ chi phối cục diện địa chính trị toàn cầu trong suốt thế kỷ 21.

Và bước ngoặt sẽ còn được người ta nhắc tới rất lâu sau này, có phần lớn dấu ấn của tổng thống Barack Obama. Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Bob Corker, người đã cùng với tổng thống Obama vạch ra kế hoạch đàm phán với Iran, đã nhận định rằng ông Obama đã vận động bằng mọi khả năng có thể để tiến tới một giải pháp toàn vẹn nhất có thể với Iran.

Sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của tổng thống Obama trong chiến dịch đàm phán với Iran lớn đến mức báo chí Mỹ đã không giấu được sự ngạc nhiên khi biết điều này. Một số chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội lớn cuối cùng để ông Obama đặt được dấu ấn của mình trong nhiệm kỳ tổng thống sắp kết thúc. Lịch sử đã nhắc nhiều đến dấu ấn đậm nét của Richard Nixon khi sự kiện hòa giải với Trung Quốc năm 1972 được xem như bước ngoặt thay đổi địa chính trị toàn thế giới, thì ở thời điểm hiện tại Obama cũng đang kỳ vọng thỏa thuận hạt nhân Iran cũng sẽ tạo nên một bước ngoặt địa chính trị tầm cỡ không kém.

Chỉ khác là dấu ấn của Nixon là hòa giải với Trung Quốc và trực tiếp giúp nước này trỗi dậy như một siêu cường, thì dấu ấn của Obama sẽ là để kiềm chế sự trỗi dậy của cường quốc Đông Á này. Kiềm chế Trung Quốc, đó là học thuyết của Obama.

Motthegioi/ Bloomberg


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề