Hai tuyến Metro tại TP.HỒ CHÍ MINH: Quản lý yếu kém, đội vốn hơn 40.000 tỉ đồng

Thi công đoạn đi trên cao tuyến metro số 1. Ảnh: M.QUÂNThi công đoạn đi trên cao tuyến metro số 1. Ảnh: M.QUÂN

Hai tuyến metro đang triển khai tại TPHCM đội vốn hơn 2 tỉ USD (trên 40.000 tỉ đồng). Trước đây, khi tuyến metro số 1 đội vốn từ 1,09 tỉ lên 2,47 tỉ USD, thành phố viện lý do chưa có kinh nghiệm nên tính toán không đầy đủ dẫn đến đội vốn và sẽ rút kinh nghiệm khi triển khai các tuyến tiếp theo. Nhưng rồi, tuyến metro số 2 vẫn đội vốn hơn 700 triệu USD (1,374 tỉ USD lên 2,1 tỉ USD). Dư luận lo ngại, việc đội vốn sẽ lặp lại với 6 tuyến metro sắp được triển khai?

Choáng khi dự án đội vốn ầm ầm

Dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên (metro số 1), được phê duyệt năm 2007 có tổng vốn đầu tư 1,09 tỉ USD. Ban đầu dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng sau đó điều chỉnh sang năm 2020 mới hoàn thành. Dự án dài 19,7km (đi qua các quận 1, Bình Thạnh, 2, 9, Thủ Đức – TPHCM và huyện Dĩ An – Bình Dương), khởi công hạng mục đầu tiên vào 2.2008 và quá trình triển khai đến nay, tổng vốn đầu tư tăng lên 2,47 tỉ USD.

Theo giải thích của UBND TPHCM, tuyến metro số 1 được nghiên cứu từ năm 2006, khi đó ở Việt Nam chưa có đầy đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình metro. Từ đó, việc xác định tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn chỉ dựa trên cơ sở đầu tư của các công trình tương tự ở một số nước. Vì thiếu kinh nghiệm thực tế, nên các tính toán cũng chỉ dừng lại ở mức bình quân của một tuyến xe điện, mà chưa có sự cập nhật đầy đủ… UBND thành phố cũng cho rằng, sau khi cập nhật các yếu tố cho thấy, vốn tăng chủ yếu do sự biến động giá của một số nguyên, nhiên vật liệu, tăng lương tối thiểu trong 3 năm qua (2006 – 2009), làm vốn các gói thầu tăng khoảng 40%. Đặc biệt, tiến độ kéo dài thời gian hoàn thành đến 2020 cũng làm thay đổi các điều kiện tính toán tổng mức đầu tư.

Và mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (BQLĐSĐT) lại cho hay, tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), dài 11,3km (đi qua các quận 1,3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú) cũng đội vốn từ 1,375 tỉ USD lên 2,074 tỉ USD (tức tăng thêm khoảng 700 triệu USD). Theo ông Lê Khắc Huỳnh – Phó ban QLĐSĐT, do điều chỉnh thiết kế cơ sở mặt bằng các ga ngầm nhằm tối ưu hóa và phù hợp với điều kiện thực tế; bổ sung thiết kế, khối lượng giao cắt giữa tuyến tàu điện ngầm số 2 với các tuyến metro số 1, 3b, 5, 6, cộng với các yếu tố trượt giá… đã làm cho tổng vốn đầu tư đội thêm 51%. So với kế hoạch vạch ra ban đầu thì đến nay tiến độ triển khai đã chậm 2 năm (dự kiến hoàn thành năm 2022) cũng làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư.

Rút kinh nghiệm rồi, vì sao vẫn đội vốn khủng?

Trước đây, khi đề nghị điều chỉnh tăng vốn tuyến metro số 1, lãnh đạo Sở GTVT trong lần trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TPHCM từng cho rằng, đây là dự án metro đầu tiên của thành phố nên không tránh khỏi những vấn đề thiếu sót dẫn đến đội vốn. Những vấn đề làm đội vốn tuyến số 1 đó cũng là bài học kinh nghiệm cho những tuyến tiếp theo, nhất là tuyến metro số 2 đang triển khai.

Những tưởng như vậy, tuyến số 2 sẽ không đội vốn, song thực tế vẫn đội vốn khủng. Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Lê Khắc Huỳnh cũng giải thích: “Mình chưa có kinh nghiệm về metro nên vừa làm vừa học hỏi, vì vậy trong quá trình triển khai có những yếu tố phát sinh, phải cập nhật, điều chỉnh, dẫn đến tăng vốn”.

Vì sao đã học hỏi, rút kinh nghiệm từ việc đội vốn của tuyến metro số 1 rồi, bây giờ Ban QLĐSĐT vẫn cho rằng “vừa học vừa làm”? – PV đặt vấn đề. Ông Lê Khắc Huỳnh cho biết: “Thật ra, tuyến metro số 1, ban đầu do Bộ GTVT nghiên cứu lập dự án và khi đã thực hiện cơ bản rồi mới chuyển giao lại cho thành phố, do vậy thành phố chưa học hỏi được gì nhiều”. Cũng theo ông Lê Khắc Quỳnh, tuyến metro số 1 chỉ có một nhà tài trợ vốn, trong khi tuyến số 2 có đến 3 nhà tài trợ vốn nên những đòi hỏi về các điều kiện, công nghệ đặt ra cũng khác. Trong khi đó, kinh nghiệm về làm metro cũng như khả năng quản lý về tư vấn của mình còn nhiều hạn chế.

Nhà thầu đòi bồi thường 2,5 tỉ đồng/ngày do chậm bàn giao mặt bằng

Mới đây, một lần nữa, liên danh nhà thầu Sumitomo – Cienco 6 thi công gói thầu số 2 tuyến metro số 1 yêu cầu chủ đầu tư bồi thường thiệt hại khoảng 2,5 tỉ đồng/ngày. Theo cam kết, BQLĐSĐT bàn giao mặt bằng cho nhà thầu vào 1.2013, nhưng đến 3.2015 mới bàn giao xong mặt bằng. Nhà thầu cho rằng, do chậm giao mặt bằng nên họ phải chịu các chi phí máy móc, thiết bị, nhân lực chờ mặt bằng.

Nguồn laodong.com.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề