Giọng ca Khánh Ly – vì sao mà mê hoặc?

Một giọng hát đặc biệt và khác lạ như Khánh Ly là biểu hiện đậm đặc và tác động mạnh mẽ đến người nghe. Nhưng Khánh Ly được người dân cả ba miền ưa thích, khác hẳn với các giọng ca khác như Lê Dung, Lệ Thu, Thái Thanh… Tại sao vậy? Đó là vì giọng của bà có chất xẩm.

Khánh Ly nổi tiếng trước năm 1975, đặc biệt với các ca khúc Trịnh Công Sơn. Sau năm 75, bà sang Mỹ và đến nay mới về Việt Nam biểu diễn. Mặc dù nhan sắc đã tàn phai, giọng hát có lẽ không còn như xưa (người ta thường nói “thầy già, con hát trẻ”), nhưng Khánh Ly vẫn “hot” hơn bất cứ hotgirl, hotboy nào từng làm mưa làm gió trong giới showbiz Việt Nam. Có tin đồn cát sê lần này của Khánh Ly lên đến con số trăm ngàn đô, và giá vé bán dao động từ 2 triệu đến 4 triệu. Những người thích Khánh Ly đương nhiên cho rằng đây là điều có thể hiểu được, nhưng những người không quen được với giọng hát Khánh Ly chắc hẳn phải vò đầu bứt tai suy nghĩ mà vẫn không thấu.

Có lẽ không cần phải bàn nhiều về giọng hát của Khánh Ly. Khánh Ly không có một chất giọng hay, mà là chất giọng đặc biệt. Phàm bước chân vào giới biểu diễn, nghệ sĩ phải có gì nổi trội và khác thường. Có người sử dụng trang phục dị hợm, có người tạo phong cách bằng kỹ thuật hát, nhưng tự nhiên hơn cả có lẽ là bằng chính chất giọng. Giọng hát là âm nhạc tự nhiên nhất và thanh đới là nhạc cụ duy nhất không phải nhân tạo. Bởi thế, giọng hát ẩn chứa trong chính nó cá tính, tâm tư, nội lực và phẩm chất tâm hồn của người sở hữu nó.

Một giọng hát đặc biệt và khác lạ như Khánh Ly là biểu hiện đậm đặc và tác động mạnh mẽ đến người nghe. Nhưng Khánh Ly được người dân cả ba miền ưa thích, khác hẳn với các giọng ca khác như Lê Dung, Lệ Thu, Thái Thanh… Tại sao vậy? Đó là vì giọng của bà có chất xẩm.

Xẩm là hình thức hát dân gian than thở về nỗi buồn cuộc đời, một hình thức nghệ thuật đường phố. Xẩm có cả ở ba miền Bắc – Trung – Nam, không giống như chèo, cải lương, ví dặm đậm chất vùng miền. Cái chất xẩm đã lưu lại sâu trong tiềm thức của người dân Việt lúc bấy giờ. Vậy nên cho dù nền tân nhạc đã phát triển, nhưng một ca sĩ của nền tân nhạc có chất giọng xẩm đã đưa nền tân nhạc gần gũi hơn với đại đa số Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu không phải là Trịnh Công Sơn, có lẽ giọng hát của Khánh Ly chẳng nổi tiếng đến thế. Âm nhạc Trịnh Công Sơn và giọng hát Khánh Ly quả là một cặp trời sinh. Nhạc Trịnh Công Sơn, dù giai điệu không đậm nét Việt, nhưng khúc thức lại giống các làn điệu dân ca Việt Nam. Dù ngôn từ Trịnh Công Sơn có đẹp đẽ và phiêu lãng đến đâu thì vẫn có rất nhiều nỗi u sầu của kẻ du ca – tâm trạng thường thấy của nghệ thuật đường phố Việt Nam có tên là xẩm. Nhờ thế, Khánh Ly đã đưa ca khúc của Trịnh Công Sơn đến với công chúng và ngược lại, Trịnh Công Sơn đã thổi hồn cho giọng ca của Khánh Ly có sức sống mãnh liệt hơn.

(Ảnh: huyenlam)

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì đã làm nên thành công của giọng hát Khánh Ly. Hơn cả thế, phải kể đến hiệu ứng đám đông. Hiệu ứng đám đông này có nhiều tầng bậc và lớp lang, và chính bởi thế Khánh Ly đã chinh phục được rất nhiều đám đông khác nhau, thậm chí là đối lập nhau.

Như đã nói ở trên, giọng hát của Khánh Ly có chất xẩm. Chất xẩm này qua nhiều thế hệ đã hình thành một vô thức tập thể, không mã hóa bằng hình ảnh hay ngôn từ, mà bằng âm thanh: Một dạng âm thanh ký ức. Có thể những thế hệ sinh sau năm 75 không còn bị ảnh hưởng nhiều bởi âm thanh nguyên mẫu này, nhưng chắc chắn rằng những thế hệ trước vẫn còn trong sự ảnh hưởng. Bởi thế, khi họ nghe Khánh Ly hát, họ sẽ thấy một thứ gì đó vừa lạ nhưng cũng lại rất quen thuộc. Và khi xẩm gần như tuyệt chủng ở Việt Nam thì biết đâu Khánh Ly lại chẳng trở thành người gìn giữ nguyên mẫu xẩm trong tâm thức người Việt.

Ở khía cạnh lịch sử, ta có thể thấy rằng Khánh Ly xuất hiện nhiều trong các buổi diễn sinh viên của phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe tại Sài Gòn trước năm 1975 với các ca khúc phản chiến trong album “Ca khúc Da Vàng” của Trịnh Công Sơn. Trong bối cảnh đất nước chiến tranh “nồi da nấu thịt”, những ca khúc phản chiến này đã tạo thành một trào lưu lớn trong tầng lớp thanh niên, ca ngợi các lý tưởng nhân văn, hòa bình và hữu ái. Nếu Khánh Ly chỉ hát tình khúc của Trịnh Công Sơn, có thể bà vẫn nổi tiếng, nhưng tầm cỡ sẽ không thể lớn như vậy. Dù sao đi nữa, người Việt vẫn thích những nghệ sĩ biết quan tâm đến tình hình đất nước và có tinh thần dân tộc.

Sau năm 1975, bà sang Mỹ và tiếp tục được sự hưởng ứng của kiều bào Việt Nam. Chất giọng của bà vừa mang hồn cốt Việt lại vừa gợi nhắc những ký ức Sài Gòn trước 75 mà những người lưu vong luôn luôn tưởng nhớ. Từ đây, Khánh Ly cùng với các ca sĩ khác như Thái Thanh, Lệ Thu, Elvis Phương, Duy Quang… trở thành người gìn giữ các ký ức của bà con xa xứ.

Sự ảnh hưởng của Khánh Ly ra miền Bắc và miền Trung đi cùng với sự ảnh hưởng của Trịnh Công Sơn. Từ trước năm 1975, Trịnh Công Sơn đã có danh tiếng lớn với tầng lớp văn nghệ sĩ miền Bắc. Trước thời kỳ Đổi Mới, các ca khúc của ông do Khánh Ly hát gần như bị hạn chế tại miền Bắc nhưng người ta vẫn săn tìm các đĩa than hoặc các băng cassete thu lại album “Sơn ca 7” và “Ca khúc Da vàng”. Có lẽ cái gì càng bị cấm thì càng gây tò mò. Một phần khác nữa vì những thứ này quá khác biệt sau nhiều năm ròng nghe đi nghe lại các ca khúc kháng chiến, vậy nên cặp đôi Trịnh Công Sơn – Khánh Ly đã có ảnh hưởng đến mạch ngầm âm nhạc Việt Nam trước Đổi Mới.

Sau Đổi Mới, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã trở thành một mốt nhạc “sang chảnh” ở miền Bắc, cùng với nhạc Phú Quang. Tôi còn nhớ cái không khí ảm đạm và u sầu trong quán trà Trường Xuân hay quán Nhạc Tranh ở Hà Nội vào mỗi buổi trưa chiều. Quán hàng lụp xụp, khách thưa thớt vì đang trong giờ hành chính, album “Sơn ca 7” được bật đi bật lại, đẩy tôi vào sự hư vô tận cùng mà ở trong đó âm nhạc và ngôn từ nhào nặn bên trong tôi đủ những hình ảnh và suy nghĩ quái đản.

Không biết có nhiều người ở trong tình trạng như tôi hay không, chỉ biết là hai quán đó là thánh đường một thuở của nhạc Trịnh Công Sơn và đã tạo ra một mặc định rằng: Chỉ nghe nhạc Trịnh Công Sơn do Khánh Ly hát mới được gọi là sâu sắc, mới có cá tính, mới có văn hóa, mới có tâm hồn nghệ sĩ… Dân các khối trường văn hóa, nghệ thuật lại càng “cuồng” Trịnh Công Sơn hơn, rồi dần dần lan ra các trường đại học ở khối khoa học – kỹ thuật. Đến nay, giọng hát Khánh Ly mặc nhiên trở thành giọng hát hàng đầu của âm nhạc Việt Nam dù chẳng cần bất cứ một tước phong nào chính thống.

Vậy là nguyên mẫu xẩm, những ký ức về thời hoàng kim, tinh thần kiểu trẻ con: càng cấm càng làm, cùng với các mặc định bất thành văn đã cộng hưởng với nhau tạo nên hiệu ứng đám đông trong sự “cuồng tín” giọng ca Khánh Ly. Có lẽ đến đây, những bạn nào không thích Khánh Ly cũng phần nào tìm được câu trả lời cho mình. Còn tôi thì dù có bao nhiêu người hát Trịnh Công Sơn đi chăng nữa, tôi vẫn thích Khánh Ly, có điều, tôi cũng yêu giọng hát Lê Dung trong “Rừng xưa đã khép”, Hồng Nhung trong “Đóa hoa vô thường”, Lệ Thu trong “Hạ trắng”, và yêu cả giọng hát của chính cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong khúc ca “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”!

Theo Đẹp Online.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề