Giá dầu giảm, châu Á được lợi?

Giá dầu trên thị trường thế giới đang tuột dốc trước tin đồn đoán Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ không thể giảm sản lượng trong phiên họp ngày 27-11.

Giới phân tích quốc tế cho rằng điều này tạo ra một số cơ hội cho Đông Nam Á.

Giá dầu đã giảm trong những tháng gần đây do lo ngại dư cung toàn cầu. OPEC, kiểm soát 1/3 sản lượng dầu mỏ toàn cầu, hiện đang bơm lượng dầu cao hơn so với mục tiêu sản lượng 30 triệu thùng/ngày của khối.

Cơ hội cho Đông Nam Á: Giá giảm 25%

Từ tháng 6-2014 giá dầu thô Brent đã giảm 25%, còn 86 USD mỗi thùng, đã tạo ra khoản tiết kiệm lớn cho các nước nhập khẩu dầu mỏ chính ở Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines và Indonesia.

Ông Anthony Jude, cố vấn kỳ cựu của bộ phận năng lượng thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhận định giá dầu hạ thấp hơn cũng tạo cơ hội loại bỏ cơ chế trợ giá năng lượng cho một số quốc gia.

Theo Reuters, giới chuyên gia cho rằng giá dầu và những hàng hóa khác đang tuột dốc đã tạo thời cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho phần lớn các nước Đông Nam Á.

“Người tiêu dùng ở nhiều nước trong khu vực này đang cảm thấy có lợi hơn. Những lợi ích đối với tăng trưởng khu vực đang rất rõ rệt” – ông Gareth Leather, nhà kinh tế học của Capital Economics, nhận định.

Chẳng hạn, với nền kinh tế của Thái Lan lao đao trong suốt năm 2013 và nửa đầu năm 2014 do khủng hoảng chính trị và xuất khẩu bấp bênh, việc giá dầu giảm có thể là động lực để tăng trưởng nhanh hơn.

Theo Ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ, tỉ lệ tăng trưởng hằng năm của Thái Lan sẽ đạt 0,45% trong mỗi 10% giảm của giá dầu.

Đối với nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia, giá dầu rẻ hơn đồng nghĩa với việc Tổng thống Joko Widodo có thể mạnh tay loại bỏ chính sách trợ giá năng lượng đang áp dụng ở đất nước này mà không gây tổn thương người tiêu dùng.

Mặt khác, ngân hàng trung ương của các quốc gia khác trong Đông Nam Á có thể duy trì mức lãi suất giảm khoảng thời gian từ nay đến giữa năm 2015 và dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ có tăng lãi suất thì các nước này cũng ít bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn các nước Đông Nam Á có thể được lợi từ việc “giá dầu quốc tế giảm”, đó là các hàng hóa nhập khẩu chủ yếu sẽ giảm theo, cụ thể như lúa mì và đậu nành.

Nói cách khác, giá dầu giảm sẽ kích thích tiêu dùng nội địa ở các nước Đông Nam Á. Tờ Inquirer Daily cho biết Philippines – một trong những nền kinh tế phát triển nhanh của khu vực – đã tăng ngưỡng lãi suất trong tháng 7 và tháng 9 để giảm áp lực về giá.

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương nước này đã để mức lãi suất ở trạng thái “chững” và dự báo giảm lạm phát hôm 23-10 vừa qua để “giảm áp lực lên giá hàng hóa nội địa”.

Tăng cường hành động

Nhiều nước Đông Nam Á hiện nay đang trợ cấp giá nhiên liệu để giảm tổn hại cho nền kinh tế khi giá hàng hóa toàn cầu biến động.

Chính phủ Indonesia đã chi khoảng 3% GDP cho khoản này. Một số nhà kinh tế cho rằng đã đến lúc chính quyền của Tổng thống Widodo phải loại bỏ việc trợ giá để người tiêu dùng ít bị tổn thương hơn.

Ông Daniel Wilson – nhà kinh tế của Ngân hàng ANZ – phân tích rằng việc loại bỏ trợ giá năng lượng sẽ mang lại cho Indonesia nhiều lợi ích, trong đó có việc giảm thâm hụt dự trữ tiền tệ vốn làm cho nước này dễ bị tổn thương khi Mỹ tăng lãi suất.

Loại bỏ trợ giá năng lượng cũng sẽ khuyến khích doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng của nước này.

Thái Lan cũng chi khá nhiều tiền vào việc trợ giá năng lượng. Chính phủ nước này sẽ tìm cách tăng nguồn thu bằng cách phục hồi việc đánh thuế lên dầu diesel mà không tăng giá đối với người tiêu dùng. Santitarn Sathirathai, thuộc Tập đoàn Credit Suisse, nhận định Chính phủ Thái Lan sẽ dùng phần thu được từ việc đánh thuế (tương đương 8% GDP) để kích thích nền kinh tế của mình.

Không phải là tin tốt cho tất cả

Tuy nhiên, giá dầu giảm cũng không phải là tin tốt cho tất cả các nước Đông Nam Á. Malaysia, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, đã rơi vào tình trạng giảm thu nhập khi giá dầu giảm từ tháng 6.

Vì lợi nhuận của tập đoàn dầu mỏ quốc gia Malaysia Petronas giảm nên chính quyền của Thủ tướng Najib Razak có thể buộc phải cắt giảm chi tiêu để đáp ứng những mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách quốc gia.

Hôm 2-10, báo The Star cho biết chính quyền Kuala Lumpur đã tăng giá bán lẻ xăng và dầu diesel thêm 10% nhằm “hợp thức hóa” việc trợ giá năng lượng, số này chiếm khoảng 2,5% GDP.

Chính quyền của Thủ tướng Najib tuyên bố giải pháp đó nhằm cân bằng ngân sách quốc gia đến năm 2020.

Đối với Indonesia, giá dầu giảm kéo theo giá hàng hóa toàn cầu giảm sẽ khiến doanh thu từ các lĩnh vực xuất khẩu chính của nước này là than đá, cao su và dầu cọ bị ảnh hưởng, từ đó dẫn đến cán cân thương mại của quốc gia này không cải thiện bao nhiêu.

Theo chuyên gia Gareth Leather, giá dầu giảm hiện nay chủ yếu là do biến động ở nguồn cung nhưng nếu giảm phát lại kìm hãm kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh thì các nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu của Đông Nam Á sẽ bị tổn thương nặng.

Nguồn: Tuổi trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề