Đừng cung cấp vũ khí cho Ukraine!

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã kéo dài được gần một năm và hiện giờ Nga đang trên đà chiến thắng. Quân ly khai tại miền đông Ukraine đang giành lợi thế, và Tổng thống Nga Vladimir V. Putin vẫn không hề tỏ dấu hiệu lùi bước trước những đòn cấm vận kinh tế của phương Tây.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều tiếng nói tại Hoa Kỳ đang đồng thanh yêu cầu cung cấp vũ khí cho Ukraine. Một bản báo cáo được ba viện nghiên cứu chính sách (think tank) hàng đầu nước Mỹ đưa ra gần đây đã kêu gọi cung cấp cho Ukraine những vũ khí cao cấp, và ứng cử viên cho chức Bộ trưởng Quốc phòng của Nhà Trắng là Ashton B. Carter[1] đã phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng Viện Mỹ vào tuần trước rằng “tôi rất thiên về hướng đó”.

Họ đã nhầm. Làm như vậy sẽ là sai lầm rất lớn cho cả Hoa Kỳ, NATO và cả chính Ukraine nữa. Cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ không cứu giúp được lực lượng quân đội của nước này, mà thay vào đó sẽ dẫn đến leo thang chiến sự. Cách làm này còn đặc biệt nguy hiểm bởi Nga hiện vẫn sở hữu hàng ngàn vũ khí hạt nhân và đang tìm cách bảo vệ một lợi ích chiến lược thiết yếu.

Rõ ràng là quân đội Ukraine đang bị áp đảo vũ trang rất nặng nề bởi lực lượng ly khai, vốn có cả binh lính và vũ khí của Nga trong lực lượng của mình. Do thế cân bằng quyền lực đang có lợi cho Nga, Washington sẽ phải gửi một lượng trang thiết bị [vũ khí] rất lớn cho Ukraine thì quân đội nước này mới có cơ hội đánh trả.

Nhưng xung đột sẽ không dừng lại ở đó. Nga sẽ leo thang ngược trở lại, tước đi bất kỳ lợi thế tạm thời nào mà Kiev có thể có được nhờ vào vũ khí do Mỹ cung cấp. Các tác giả từ các think tank nói trên có thừa nhận điều này, cho rằng “kể cả với sự hỗ trợ to lớn từ phương Tây, quân đội Ukraine vẫn sẽ không thể đánh trả một đợt tấn công quyết đoán từ quân đội Nga”. Nói ngắn gọn thì Hoa Kỳ không thể thắng được trong cuộc chạy đua vũ trang với Nga trong vấn đề Ukraine để từ đó đảm bảo đánh bại Nga trên chiến trường.

Những người đề xuất vũ trang Ukraine còn có một luận điểm thứ hai. Họ cho rằng chìa khóa để thành công không phải là đánh bại Nga về quân sự, mà là nâng cao chi phí chiến sự lên đến mức ông Putin sẽ phải thoái lui. Thiệt hại [về chi phí] được cho là sẽ buộc Moscow phải rút binh sĩ từ Ukraine về và cho phép nước này gia nhập Liên minh Châu Âu EU và NATO và trở thành đồng minh của phương Tây.

Chiến lược cưỡng ép này cũng khó có khả năng thành công, dù phương Tây có ra bao nhiêu đòn trừng phạt đi nữa. Điều mà những người khởi xướng chuyện cung cấp vũ khí cho Ukraine không hiểu được là giới lãnh đạo Nga tin rằng những lợi ích chiến lược cốt lõi của Nga đang gặp nguy hiểm trong vấn đề Ukraine; họ khó có khả năng sẽ lùi bước, dù điều đó đồng nghĩa với việc phải trả những cái giá to lớn.

Các đại cường quốc thường phản ứng rất dữ dội khi những đối thủ ở xa muốn vươn sức mạnh quân sự vào tới khu vực lân cận của họ, chứ chưa nói gì đến việc cố biến một đất nước nằm sát biên giới với họ trở thành đồng minh. Đây là lý do mà Hoa Kỳ có Học thuyết Monroe, và ngày nay sẽ không bao giờ có chuyện một lãnh đạo Mỹ cho phép Canada hay Mexico gia nhập một liên minh quân sự do một đại cường quốc khác đứng đầu.

Về khía cạnh này thì Nga cũng không có gì khác biệt. Do đó mà ông Putin đã không hề lay chuyển trước những lệnh cấm vận và nhiều khả năng sẽ không nhượng bộ đáng kể gì nếu chi phí chiến sự ở Ukraine tăng lên.

Gia tăng căng thẳng tại Ukraine cũng sẽ mạo hiểm tạo ra leo thang không mong muốn. Điều đó sẽ không chỉ chắc chắn làm chiến sự ở Ukraine trở nên dữ dội hơn, mà còn có thể lan ra các khu vực khác. Những hậu quả mà Ukraine – nước vốn đã phải đối mặt với những vấn đề kinh tế, xã hội sâu sắc – phải hứng chịu sẽ là vô cùng thảm khốc.

Khả năng ông Putin cuối cùng có thể sẽ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nghe có vẻ xa vời, song không thể bị bỏ qua nếu mục tiêu của việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là nhằm tăng cao chi phí cho sự can thiệp của Nga và cuối cùng đặt Moscow vào tình thế nguy cấp. Nếu những áp lực phương Tây đang áp đặt có hiệu quả và Putin cảm thấy tuyệt vọng, ông sẽ có động lực mạnh mẽ để cố cứu vãn tình thế bằng cách khua ra lưỡi kiếm hạt nhân của mình.

Những gì chúng ta hiểu về các cơ chế leo thang trong các cuộc chiến tranh và khủng hoảng đều hạn chế, mặc dù chúng ta biết những hiểm họa là rất đáng kể. Dồn một nước có vũ khí hạt nhân như Nga vào đường cùng sẽ chẳng khác nào đùa với lửa.

Những người khởi xướng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine nhận thức được vấn đề leo thang, vì vậy mà họ nhấn mạnh rằng phải trao cho Kiev những vũ khí “phòng vệ” thay vì vũ khí “tiến công”. Không may là không có cách phân biệt hữu hiệu nào giữa hai loại này: Mọi vũ khí đều có thể được sử dụng vào mục đích tiến công hoặc phòng vệ. Dù vậy, phương Tây có thể chắc chắn rằng Moscow sẽ không coi những vũ khí mà Mỹ cung cấp [cho Ukraine] là để “phòng vệ”, xét đến việc Washington nhất quyết đảo ngược nguyên trạng lúc này tại miền đông Ukraine.

Cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine là thông qua các biện pháp ngoại giao, thay vì quân sự. Thủ tướng Đức Angela Merkel có vẻ nhận thức rõ thực tế đó, bà đã tuyên bố rằng Đức sẽ không vận chuyển vũ khí cho Kiev. Tuy nhiên, vấn đề là bà không biết làm thế nào để kết thúc cuộc khủng hoảng này.

Bà và các nhà lãnh đạo khác tại châu Âu vẫn đang nỗ lực dưới ảo tưởng rằng có thể kéo Ukraine ra khỏi quỹ đạo của Nga và kết nạp vào phương Tây, và giới lãnh đạo Nga buộc phải chấp nhận hệ quả đó. Nhưng giới lãnh đạo Nga sẽ không chấp nhận.

Để cứu được Ukraine và cuối cùng là phục hồi quan hệ hiệu quả với Moscow, phương Tây nên cố gắng đưa Ukraine trở thành một quốc gia trung lập, là vùng đệm giữa Nga và NATO, hay khiến cho Ukraine có vai trò giống Áo trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Để hoàn thành mục đích đó, phương Tây nên công khai bỏ qua việc mở rộng EU và NATO, và nhấn mạnh rằng mục tiêu của mình là Ukraine không liên kết và không đe dọa gì đến Nga. Hoa Kỳ và các đồng minh cũng nên hợp tác cùng ông Putin để cứu vãn nền kinh tế Ukraine, một mục tiêu rõ ràng là có lợi cho tất cả các bên can dự.

Đặc biệt, việc Nga giúp kết thúc chiến sự tại miền đông Ukraine và Kiev tái lập quyền kiểm soát tại đó là vô cùng thiết yếu. Tuy vậy, các tỉnh Donetsk và Luhansk nên được trao quyền tự trị đáng kể, và việc bảo vệ quyền nói tiếng Nga nên được đưa lên mức ưu tiên hàng đầu.

Crimea – nạn nhân của việc phương Tây cố gắng đưa NATO và EU đến trước ngưỡng cửa của Nga – chắc chắn đã bị mất hẳn [vào tay Nga]. Đã đến lúc phải chấm dứt chính sách đầy khinh suất này trước khi gây ra thêm thiệt hại cho cả Ukraine lẫn quan hệ giữa Nga và phương Tây.

John J. Mearsheimer là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago. Ông cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “The Tragedy of Great Power Politics”.

——————————–

[1] Bài viết này được đăng trên báo điện tử The New York Times vào ngày 8/2/2015. Ngày 12/2/2015, ông Ashton B. Carter đã chính thức Thượng viện phê chuẩn trở thành Bộ trường Quốc phòng mới của Hoa Kỳ (ND).

Nghiên cứu Quốc tế


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 7 phản hồi cho bài viết “Đừng cung cấp vũ khí cho Ukraine!”:

  1. Vinh Nguyen viết:

    Ukraina không cần cung cấp vũ khí gì cả, nếu Nga không tuồn vũ khí hàng ngày sang phía đông Ukraina. Thành thử nếu Nga liên tục đổ bộ vào Ukraina bằng các đoàn xe ” viện trợ nhân đạo” có thông báo và hàng ngày không thông báo và lại xúi dục tất cả không nên viện trợ vk cho Kiev, hóa ra bắt Kiev “hô-lê-manh” trước anh hàng xóm và bọn phiến quân hay sao? nghe cái tên của bài báo mà thấy không ổn.

  2. ThanhDuy Phan viết:

    Lấy hình ở Gruzia làm bằng chứng luôn mà :v

  3. Huong Lan viết:

    Thím nào tào lao hay gớm bạn Vn của tụi tôi đang nằm trong vòng chiến sự họ nói đã im chỉ lẻ tẻ vài tiếng súng của bọn cuồng li khai thôi ,vậy mà bạn cứ ngồi tận Vn tung tin tầm bậy tờ báo í nhuận bút được bao nhiêu ,phản báo

  4. họ nói đã im chỉ lẻ tẻ vài tiếng súng của bọn cuồng li khai thôi
    Wow nghe tiếng súng là biết được ai bắn :3

  5. Thanh Duong viết:

    Tong thong fu tin la nguoi tai gioi the gioi k ai sanh dc

  6. Hoang Xuan Hung viết:

    Một nhận định rất đúng , hợp thời . Cung cấp vũ khí là leo thang chiến tranh khiến mất mát đổ vỡ thêm . Nga không bao giờ chịu cảnh cạnh mình có họng súng đe dọa và chơi đến cùng , cũng như Mỹ bị Mexico hay Canada đe dọa . Nếu Mỹ và phương Tây nhịn bước ( điều này cũng chẳng đe dọa an ninh gì ) , không cho Ukraina vào NATO , trung lập , Nga sẽ không hiếu chiến nữa , bởi Nga đang rất cần hoà giải để xoá cấm vận , trở lại quỹ đạo hợp tác kinh tế . Rất tiếc trong chính quyền Mỹ có nhiều kẻ hung hăng hiếu chiến , muốn áp đặt suy nghĩ về thế giới tự do theo ý mình , cho rằng họ đang bảo vệ thế giới đó . Tính mạng con người là trên hết , đưa vũ khí là giết người . Từ trước đến nay Mỹ theo đuổi chính sách đó nên xảy ra bao lò lửa chiến tranh trên thế giới . Nên cẩn trọng trong vụ Ukraina này , vì đối trọng là một nước lớn , có vũ khí hạt nhân , đừng dồn Nga vào chân tường .

Trả lời ThanhDuy Phan Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề