Đừng bóp méo cuộc sống!

“Take a selfie!” vốn là cụm từ nhạy cảm, không đẹp, nếu như vài thập niên trước chẳng ai dám công khai nói đến, thì nay nó vang lên thoải mái.

Đứng cách tháp Eiffel cả dặm đã nghe du khách hò nhau: “Cười nào, cười nào, take a selfie” khi ghi lại hình ảnh cá nhân. Ở Việt Nam, nay nó cũng được phát ngôn thoải mái, không chỉ đàn ông mới nói, mà nó còn được thỏ thẻ trên đôi môi đỏ ngọt ngào con gái: “Bố mẹ ghé vào con chụp một cái “tự sướng” nào”.

Cứ thế, “tự sướng” nay đã trở thành một từ bình thường, không thể thiếu mỗi ngày vì công nghệ số phát triển, vì sự thôi thúc phô diễn hình ảnh trên Facebook réo gọi ngày đêm.

Chuyện chụp ảnh “tự sướng” chỉ là biểu hiện một phần nhỏ của một cách nghĩ, cách sống của con người. Đáng sợ nhất là nó lan vào mọi ngóc ngách xã hội, can thiệp vào bản chất mọi hiện tượng xã hội, đời sống gia đình.

Nó trở thành bản chất! Chúng ta có thể nghe một vị lãnh đạo cấp tỉnh “định vị” thành phố của mình hơn hẳn Bali, Hawaii về du lịch trước mặt rất nhiều chuyên gia chuyên ngành. Mặc dù để “vá lỗi” về du lịch ở địa phương nọ có trình độ phát triển căn bản như Hawaii cần đến vài chục năm mà một lãnh đạo địa phương chắc chắn phải có tầm nhìn để thẩm định con đường phát triển.

Thế nhưng, trước một hội nghị đầu tư phát triển, những mỹ từ vẫn cứ miên man dội vào cử tọa có hiểu biết ngọn ngành. Nhưng nhìn vào phương hướng, vào kế hoạch thì vẫn là những định hướng cũ đã nói đi nói lại từ 3 đến 5 năm nay, không có gì mới mẻ, đột phá, nhưng đích đến của tỉnh ông thì cứ phải hơn hẳn Bali và Hawaii.

“Tự sướng” lan vào tư duy quảng bá thương hiệu. Một trường đại học lớn, với bề dày hoạt động 20 năm, đã đào tạo ra biết bao nguồn lực lao động tốt cho xã hội. Thế nhưng, những hình ảnh trường đại học giới thiệu về mình luôn là các giải thưởng của sinh viên đạt được qua các cuộc thi quốc gia, khu vực.

Một nhóm nhỏ sinh viên ưu tú đạt được thành tựu không thể là nền tảng vững chắc cho đích đến của số đông sinh viên, họ cần tiếp cận các thông tin bền vững hơn về công nghệ đào tạo, khả năng ứng dụng thực tế từ đào tạo, nhưng những thông tin này thật hiếm.

Bộ máy tuyển sinh thích hướng sinh viên nhìn vào tương lai của các nhân tài hơn là đích đến của một kỹ sư thạo nghề có khả năng xin được việc làm. Nó giống như người ta quảng bá một hộp sữa đắt tiền, không chú trọng thông tin về sữa tươi nguyên chất hay sữa sạch, chỉ chăm chăm vào chuyện bổ sung vitamin và DHA để đánh vào nguyện vọng “đỉnh cao” thông minh của người tiêu dùng.

Nhiều người cho con du học với niềm tin người Việt giỏi toán hơn hẳn học sinh Âu, Mỹ, và tân sinh viên lên đường du học với suy nghĩ mọi việc sẽ thật dễ dàng khi họ đã nhiều năm sống trong gia đình có điều kiện vật chất và tinh thần ở Việt Nam.

Đến khi va chạm với thực tế khá phũ phàng, khi không hòa nhập được lại quay trở về lối sống co cụm một nhóm nhỏ người Việt trẻ vẫn mang tinh thần ganh đua, đố kỵ vào phong trào “tự sướng” của những nhóm sinh viên du học, trải nghiệm thực tế, đúc rút kinh nghiệm cũng có nhưng ít thay đổi tư duy.

Nó giống hệt trang Facebook của một người phụ nữ, ở đó chỉ có hình ảnh gia đình viên mãn, những buổi tiệc tùng, những chuyến du lịch khắp nơi, những bó hoa và bánh kem tặng nhau ngày sinh nhật, cảnh nhận bằng thạc sĩ, tiến sĩ, khoe xe cộ, nhà cửa…

Thảm hại hơn, còn xuất hiện phong trào khoe đang đọc sách này, sách nọ, ngồi đếm “like” và những “comment có cánh”, đến mức không còn nhận ra đâu là bản chất cuộc sống thật để có định hướng tốt khi gặp sự cố.

Bản chất của “tự sướng” là thái độ vô trách nhiệm, buông thả bản thân bằng hình ảnh phô trương. Nó không có tác dụng dẫn dắt tinh thần con người đến với cái đẹp bằng thái độ tự học nâng cao thẩm mỹ, nền tảng văn hóa; nó chỉ làm tăng sự ganh đua, đố kỵ, ve vuốt, cổ vũ thói dối trá, tự mãn hoặc tán dương sự tưởng tượng của con người, chẳng ích lợi gì cho cuộc sống đang cần vận hành đúng bản chất hơn bao giờ hết để chữa trị nhiều căn bệnh của xã hội tụt hậu.

Nhưng chiến đấu với căn bệnh “làm màu” này thật khó, bởi vì ai nấy đều đang hướng đến phong trào “tự sướng”, từ tư duy đến cây gậy “take a selfie” có giá 6 đô la do Trung Quốc sản xuất và bán khắp thế giới.

Lan Hương (Theo Báo Du học)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề